"Bên bị xử phạt là Haivl chứ không phải là Quảng cáo 24h. Vì vậy, chưa có căn cứ xác định Công ty Quảng cáo 24h sẽ gặp thiệt hại trong thương vụ này", luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Tin tức mới đây, ngày 24/10, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã ban hành quyết định số 163/QĐ-PTTH&TTĐT thu hồi giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 27/GXN-TTĐT đã được cấp cho Công ty Cổ phần công nghệ APPVL Việt Nam đối với trang mạng Haivl.com. Hồ sơ về sai phạm nói trên cơ quan chức năng Bộ TT&TT đang xem xét để chuyển sang cơ quan điều tra Bộ Công an làm rõ.
PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội để làm rõ một số vấn đề xung quanh việc đơn vị nào sẽ phải chịu tổn thất khi Haivl bị xử phạt và rút giấy phép hoạt động.
|
Haivl bị đóng cửa do đăng tải nhiều hình ảnh dung tục, phản cảm. |
PV: Thưa luật sư, trước khi có quyết định bị rút giấy phép và đóng cửa, Haivl đã vừa có một bản hợp đồng đình đám có giá lên tới 33 tỷ đồng (xấp xỉ 1,5 triệu USD) với công ty Quảng cáo trực tuyến 24h. Việc Haivl bị rút giấy phép hoạt động sẽ ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến công ty Quảng cáo trực tuyến 24h? Căn cứ vào quy định của pháp luật thì đơn vị nào sẽ phải chịu tổn thất khi Haivl bị xử phạt và rút giấy phép?
Luật sư Đặng Văn Cường: Trước tiên cần xem lại toàn văn bản hợp đồng giữa công ty Quảng cáo trực tuyến 24h với Haivl xem giá trị pháp lý đến đâu và quyền và nghĩa vụ của các bên được thỏa thuận như thế nào. Theo quy định pháp luật thì thời điểm chuyển rủi ro là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Với hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu tài sản thì mọi quyền lợi, nghĩa vụ, rủi ro sẽ thuộc về bên nhận chuyển nhượng (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác).
Theo thông tin báo chí đã đưa thì bên bị xử phạt là Haivl chứ không phải là Quảng cáo 24h. Vì vậy, chưa có căn cứ xác định Công ty Quảng cáo 24h sẽ gặp thiệt hại trong thương vụ này. Hơn nữa, với quyết định xử phạt hành chính 205 triệu đồng thì xác định bên có hành vi vi phạm là Haivl.com chứ không phải là Quảng cáo 24h, vì vậy xác định lỗi làm cho hợp đồng không thể thực hiện được là do bên chuyển nhượng chứ không phải do bên nhận chuyển nhượng.
Cần xem lại giá trị pháp lý của hợp đồng chuyển nhượng giữa các bên. Nếu hợp đồng vô hiệu hoặc chưa có hiệu lực pháp luật thì phần lớn rủi ro, thiệt hại thuộc về bên chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng chỉ phải chịu thiệt hại nếu bên nhận chuyển nhượng có lỗi làm hợp đồng vô hiệu hoặc vi phạm hợp đồng làm hợp đồng không thể thực hiện được. Nếu hợp đồng chấm dứt hiệu lực thì bên nhận chuyển nhượng cũng gặp rắc rối trong việc đòi lại những khoản tiền đặt cọc, ứng trước....
|
Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi về việc Haivl bị đóng cửa. |
PV: Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết việc mua bán giữa Haivl và Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h có vi phạm là: Khi chuyển đổi chủ sở hữu khác phải thay lại giấy phép nhưng 2 đơn vị này đã chuyển đổi mà không thay lại. Thưa luật sư, liên quan đến vi phạm này thì sẽ có hình thức phạt bổ sung như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường: Nếu thực tế việc chuyển nhượng đã diễn ra, đã thực hiện giữa các bên nhưng các bên cố tình không thực hiện nghĩa vụ đăng ký, sau đó cơ quan nhà nước thừa nhận giao dịch đó thì mới xử lý hành chính về hành vi không thực hiện thủ tục sang tên hoặc chậm kê khai nộp thuế... Còn đối với vụ việc này, nếu thủ tục chuyển nhượng, đăng ký đang thực hiện, chưa được hoàn tất. Bên chủ sở hữu vẫn đang quản lý, điều hành trang thông tin thì sẽ không xử phạt hành chính về hành vi chưa thực hiện thủ tục đăng ký.
PV: Sau khi rút giấy phép và phạt thật nặng trang Haivl, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan công an để cơ quan công an vào cuộc, tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo đúng pháp luật. Theo luật sư thì cá nhân có trách nhiệm với Haivl có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra với cá nhân chứ không đặt ra với cơ quan, tổ chức. Với cơ quan, tổ chức (pháp nhân), khi có hành vi phạm chỉ phải bị xử lý hành chính, mức độ cao nhất là tước giấy phép, thu hồi giấy phép (tương đương với án tử hình của cá nhân).
Vì vậy, trong vụ việc trên mà có sai phạm đến mức nguy hiểm cho xã hội thì người đứng đầu hoặc người cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tư cách cá nhân chứ không phải là pháp nhân. Vụ việc sẽ tiếp tục được kiểm tra, xác minh làm rõ và xử lý theo pháp luật.
PV: Là một trang có một lượng truy cập rất lớn, nên khi việc này xảy ra, nhiều người thắc mắc rằng, liệu với việc xử phạt như thế này thì Haivl còn có cơ hội “sửa sai”, theo luật sư Haivl có thể được cấp lại giấy phép hoạt động không?
Luật sư Đặng Văn Cường: Như đã nói ở trên, hình thức xử lý tước giấy phép giống như hình phạt tử hình với cá nhân. Khi bị tước giấy phép, pháp nhân đó sẽ chấm dứt hoạt động đối với lĩnh vực ghi trong giấy phép. Tuy nhiên, theo quy định của luật khiếu nại và luật tố tụng hành chính thì tổ chức, cá nhân bị áp dụng biện pháp hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính đó. Nếu quyết định tước giấy phép sau đó bị hủy bỏ, sửa đổi thì sẽ thực hiện theo kết quả giải quyết khiếu kiện đó.
Nếu quyết định tước giấy phép có hiệu lực pháp luật và không được hủy bỏ, sửa đổi theo quy định pháp luật thì Haivl không còn cơ hội phục hồi.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo Hoa Kiều/ĐSPL