"Tôi khẳng định quyết định "đình chỉ điều tra vụ án" vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đối với ông Mai Nam Dương, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng gây tai nạn làm một người chết, ba người bị thương nặng là hoàn toàn trái pháp luật", ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Thẩm phán, Chánh thanh tra Tòa án nhân dân Tối cao nói.
Hoàn toàn trái luật!
Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định "đình chỉ điều tra vụ án" đối với ông Mai Nam Dương, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là người gây tai nạn làm một người chết, ba người bị thương nặng. Theo ông thì quyết định này có đúng không?
Tôi khẳng định quyết định "đình chỉ điều tra vụ án" đối với ông Mai Nam Dương là hoàn toàn trái pháp luật.
Căn cứ nào cho thấy quyết định này trái pháp luật, thưa ông?
Khoản 8, Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ cấm người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Còn tại Điều 202 của Bộ luật Hình sự có quy định: Người điều khiển phương tiện giao thông mà vi phạm quy định về an toàn giao thông, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị phạt tù từ 6 tháng - 5 năm. Khoản 2 của Điều này cũng quy định rõ, nếu người điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép hoặc không có bằng lái gây tai nạn rồi bỏ chạy, hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm.
Tại mục 4, Nghị quyết số 2 ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn: Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ, e (tiểu mục 4.1) là gây hậu quả rất nghiêm trọng. (Cụ thể, tại điểm b là gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; tại điểm c là gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31% nhưng tổng tỷ lệ này đến 41%). Trường hợp của ông Dương làm một người chết và ba người bị thương nặng thì chắc chắn tổng tỷ lệ thương tật của ba người trên 41%. Như vậy, ông Dương không thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Thẩm phán, Chánh thanh tra Tòa án nhân dân Tối cao. |
Họ cố tình làm sai đấy chứ!
Chiều 22/5/2013, tại giao lộ Lê Hồng Phong - Trần Phú (Đà Lạt), ông Mai Nam Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng lái xe trong tình trạng say rượu, gây tai nạn làm một người chết, ba người bị thương nặng. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của ông Dương là 0,644 miligam/lít khí thở, gấp 2,5 lần mức quy định.
Ngày 1/6/2013, ông Mai Nam Dương nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ.
Tháng 7/2013, Công an TP Đà Lạt ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Mai Nam Dương vì có hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông.
Mới đây, Viện KSND TP Đà Lạt ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với ông Mai Nam Dương, chỉ xử phạt hành chính.
Nguồn tin từ Viện KSND và Công an TP Đà Lạt cho thấy, ông Mai Nam Dương đã đền bù cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân hơn 1 tỷ đồng, đồng thời các gia đình nạn nhân đều làm đơn bãi nại. Đó có được coi là căn cứ để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Dương không?
Không. Việc bồi thường cho nạn nhân, gia đình nạn nhân chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không thuộc miễn trách nhiệm hình sự. Còn giấy bãi nại của gia đình nạn nhân chỉ là tình tiết để được xem xét khi quyết định hình phạt chứ không phải là căn cứ để Viện Kiểm sát đình chỉ điều tra vụ án. Lúc gây tai nạn, ông Dương đang là phó giám đốc sở thì không thuộc diện được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 13 của Bộ luật Hình sự.
Mặc dù trái pháp luật như thế nhưng quyết định này vẫn được Viện KSND TP Đà Lạt thông qua. Theo ông thì vì sao? Phải chăng vì họ không nắm rõ luật?
Làm gì có chuyện đó. Tôi chắc chắn rằng, những người đang làm việc ở các viện kiểm sát, tòa án đều phải có bằng cử nhân luật, thậm chí là cao hơn. Hằng ngày, họ đọc luật nhiều, không thể nói là họ không nắm rõ, họ quên luật được. Họ cố tình làm sai đấy chứ! Cũng có thể vì có yếu tố khách quan tác động đến.
Cụ thể là yếu tố gì, thưa ông?
Có thể ông phó giám đốc sở với ông viện trưởng Viện KSND TP Đà Lạt quen biết nhau. Từ đó, rất có thể người ta áp dụng chuyên môn bằng cách tăng tiền bồi thường để gia đình người bị hại có đơn bãi nại để hòng thoát tội. Nhưng rất tiếc, loại tội mà ông phó giám đốc sở này gây ra không phải là tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Còn người ta có biết điều này không? Tôi chắc chắn là họ biết. Nhưng họ vẫn làm thì đó là sự cố tình rồi.
Người ta cũng đặt câu hỏi: Ông phó giám đốc sở này lấy đâu ra 1 tỷ đồng để bồi thường cho các nạn nhân?
Thực ra, tiền bồi thường đó có thể là do vay mượn từ họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp... Đồng thời, cũng phải làm rõ xem động cơ để Viện KSND TP Đà Lạt quyết định đình chỉ điều tra vụ án này là gì, có phải do thân quen hay vì lý do tế nhị để xử lý.
Người dân than thở thật đau lòng!
Giả dụ, người gây tai nạn đó không phải là một ông phó giám đốc sở...
(Chưa hết câu) Thì chắc chắn người đó sẽ bị khép vào Khoản 2, Điều 202 của Bộ luật Hình sự, sẽ phải ngồi tù rồi.
Vậy theo ông, tại sao lại có sự phân biệt đó?
Vì không ít những người có chức vụ, có tiền đã bẻ cong pháp luật. Người dân đến nhờ tôi tư vấn pháp luật, họ than thở thế đấy. Thật đau lòng!
Ông có thể cắt nghĩa rõ hơn?
Là bởi, những người thừa hành công vụ đã không làm đúng trách nhiệm của mình. Còn cấp cao hơn biết chuyện thì có kiên quyết xử lý hay không? Tôi thấy sự kiên quyết này chưa cao, nên xã hội vẫn còn nhiều bức xúc, nhất là trong hoạt động tố tụng còn để oan sai, khiếu kiện kéo dài.
Theo ông, điều gì chi phối người có quyền hạn kiên quyết xử lý hay không?
Nó thuộc về vấn đề đạo đức (gồm đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp), trách nhiệm của người đó. Tôi thường nói đùa với người thân quen, bạn bè rằng, xã hội bây giờ có nhiều hậu duệ của Trư Bát Giới lắm.
Nghĩa là sao, thưa ông?
Trong phim Tây Du Ký có nhân vật Trư Bát Giới làm nhiều điều bậy bạ nhưng không bao giờ bị sư phụ đuổi. Liên hệ với cuộc sống đương thời, trong xã hội bây giờ có nhiều người vi phạm pháp luật, kể cả công chức nhưng không bị kỷ luật hoặc bị truy tố, nên những người này thuộc hậu duệ của Trư Bát Giới.
Theo ông thì quyết định của Viện KSND TP Đà Lạt liệu có được thông qua?
Tôi tin rằng nó sẽ bị hủy, vì nó hoàn toàn trái luật.
Cảm ơn ông!
“Thực tế, nhiều vụ việc rõ ràng người có chức vụ, quyền hạn làm sai nhưng không bị xử lý. Họ tìm mọi cách để lấp liếm đi. Nhưng pháp luật không trừng trị họ thì đã có luật đời. Tôi biết nhiều người chẳng bị xử lý gì khi sai phạm nhưng gia đình họ tan nát, con cái nghiện ngập. Sống thế để làm gì?”.
Ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Thẩm phán (Chánh thanh tra Tòa án nhân dân Tối cao)
Vũ Thủy (Thực hiện)