Tự tử do sức ép
Những năm gần đây, cứ vào đợt công bố điểm thi ĐH, không ít thí sinh rơi vào stress vì thi trượt. Thậm chí có những trường hợp tự tử chỉ vì thất vọng. Ông có nhận xét gì về các trường hợp này?
Nói riêng trong trường hợp tự tử khi đi thi không đạt yêu cầu, nếu xét dưới góc độ cá thể thì: Hành động thi trượt mâu thuẫn với kỳ vọng, tức là sự kỳ vọng quá lớn dẫn đến thất vọng tột cùng và dẫn đến tự tử. Như thế là không đánh giá đúng được năng lực của mình, trước hết là không hiểu rõ bản thân của mình. 18 tuổi, nhưng không vạch được đường đời, cho rằng nguyện vọng, kỳ vọng vào ĐH là duy nhất. Khi không đạt được thành ra thất vọng tột cùng. Ở đây có cả vấn đề không đánh giá đúng mình, không đánh giá đúng ngoại cảnh, sĩ diện một cách hão huyền.
Nhiều em còn chịu sức ép từ gia đình, thưa ông?
Đúng. Có thể đấy cũng là một phản ứng tuyệt vọng do sức ép của gia đình, kiểu như nuôi con như thế, con phải vào đại học, trở thành bác sĩ, kỹ sư... khi không đạt được thì sức ép của gia đình dẫn đến hậu quả không hay.
Ngoài gia đình, còn dư luận xã hội nữa, nhất là với những trường hợp được nhìn nhận học giỏi mà không may thi trượt.
Chúng ta chịu ảnh hưởng từ thời Lý đến ngày nay (hơn 10 thế kỷ) cái “hư văn, khoa cử và quan trường”. Trong xã hội Việt Nam hiện nay, nuôi con học đến lớp 12 thì đại bộ phận theo triết lý “Học để thi đại học”, thậm chí là vào trường nào cũng được, dù không biết học ra để làm gì. Học để đi thi, chỉ lấy đi thi vào ĐH là con đường gần như là duy nhất đối với thanh niên nước nhà - Đấy là một thảm họa, lãng phí tiền, thời gian, công sức của cả gia đình và xã hội. Đây là một sức ép rất lớn của một triết lý hư danh trong xã hội chúng ta, chịu ảnh hưởng của nhiều thế kỷ chịu đô hộ và phong kiến.
|
GS.TSKH Phạm Minh Hạc, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục. |
Hướng nghiệp kém
Đành rằng việc kỳ vọng vào ĐH là quá lớn, do triết lý “hư văn, khoa cử, quan trường” từ thời phong kiến còn rơi rớt lại - như ông nói. Nhưng chẳng lẽ không có biện pháp nào để giảm bớt “bi kịch”?
Phải thừa nhận công tác hướng nghiệp ở khối THCS và THPT làm rất kém. Chúng tôi có con số của các nhà tâm lý học ở TP.HCM: Trong tổng số thí sinh thi vào một số trường, chỉ có 25% biết mình nên chọn nghề gì.
Thực ra, công tác hướng nghiệp gồm 4 nội dung: Mỗi học sinh phải hiểu đúng năng lực; hiểu được hứng thú của mình; năng lực, hứng thú này có đáp ứng yêu cầu thị trường lao động không; Hoàn cảnh kinh tế gia đình mình như thế nào? Cả 4 điều này chúng ta không nói rõ để từng học sinh, từng gia đình hiểu. Nhà trường phải kết hợp với gia đình hướng nghiệp cho các em.
Lâu nay, làm gì có ai hướng nghiệp cho học sinh đâu, toàn các em tự tìm hiểu.
Đó chính là một lý do dẫn đến các trường hợp tự tử. Nhiều trường hợp thất vọng, nhưng không đến mức quá lớn. Trường hợp quá bức xúc dẫn đến mâu thuẫn tột cùng, không có lối thoát thì là cá biệt, nhưng cá biệt đó sinh ra từ đại thể.
Trái ngành là không tốt!
Có một số sinh viên thi vào được những trường danh giá, đòi hỏi lực học rất tốt mới thi đỗ, nhưng trong quá trình học lại chán nản vì mọi thứ không như mình tưởng... Lúc đó câu hỏi “dừng lại, hay đi tiếp” cũng rất đau đầu.
Có những em hiểu được mình, nhầm thì sửa. Tôi biết có người tốt nghiệp Đại học Y ra mở cửa hàng gỗ và họ thích thú với công việc hiện tại. Có những con số chúng ta không bao giờ đưa: có bao nhiêu người tốt nghiệp Đại học Y không đi làm tại các tỉnh, mà ở lại Hà Nội, thậm chí làm việc tại các cửa hàng.
Việc học một ngành, ra làm việc ngành khác, ông có cho rằng “kiểu gì thì có kiến thức cũng tốt; kiến thức đó sẽ hỗ trợ cho công việc của người ta dù công việc đó trái với ngành được đào tạo”?
Với từng trường hợp cụ thể thì phải nghiên cứu, nhưng nói chung thì không tốt. Ở các nước, họ tổ chức phân luồng. Như nước Đức, sau lớp 5 đã phân luồng: đi học để ra nghề hay đi vào một trường trung học để lên ĐH. Ở Pháp, đến lớp 7 thì học 1 năm hướng học và hướng nghiệp; tức là vẫn học chương trình bình thường nhưng người ta gọi năm học đó là hướng học và hướng nghiệp bởi bắt đầu từ đấy là hướng nghiệp rất rõ. Ở Anh, sau lớp 10 là phân luồng rất rõ; em nào tiếp tục lên học lớp 11, 12 gọi là A (phân ban hẹp để vào các trường ĐH tương ứng).
Ở nước ta trước đây đã có sự phân chia từ hết lớp 9; em nào lên THPT vào ban A thì học chủ yếu môn Toán, Lý, Hóa... Đó có phải sự phân luồng?
Đó là phân ban chứ không phải phân luồng. Phân luồng là luồng này đi học nghề, luồng kia đi ĐH. Họ phân thành 2 luồng rõ rệt, thậm chí có tỷ lệ phần trăm. Ví dụ ,ở Trung Quốc là 50:50, tức là 50% học hết THCS thì đi học nghề, còn 50% học tiếp để vào ĐH. Có nước là 40:60, nhưng chủ yếu là 50:50. Còn chúng ta có chủ trương phân ban, nhưng phân theo khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội; do ít người vào học khoa học xã hội quá thì lại có một ban chung. Cuối cùng trên thực tế chương trình phân ban đã bị hủy bỏ.
Việc phân luồng như nhiều nước thực hiện, chúng ta khó thực hiện theo hay sao?
Từ năm 1996, tại Hội nghị Trung ương 2, khóa VIII đã đặt ra vấn đề phân luồng trong Nghị quyết Trung ương 2 về giáo dục. Nhưng từ đó đến nay không ai thực hiện. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu từ năm ngoái có chủ trương phân luồng: Anh nào đi học nghề thì được cho tiền đi học. Hiện nay, số trường nghề quá ít, chúng lại được đôn từ cao đẳng lên ĐH. Nhưng đây lại là một vấn đề khác, nói thì rất dài.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Chúng ta cần phổ biến rộng rãi mục đích giáo dục, làm cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những gia đình có con em vừa trải qua kỳ thi vào ĐH hoặc sắp học lớp 12 nhận thức rõ: học để thành người và thành nghề. Không phải vào ĐH là con đường tiến thân vinh quang duy nhất. Các vị phụ huynh phải hiểu, đánh giá đúng con mình, đừng tạo sức ép. Thứ nữa, nhà trường kết hợp với gia đình phải làm tốt công tác hướng nghiệp, giúp các em hiểu, đánh giá được bản thân mình. Xã hội cần những con người có đạo đức và tay nghề. Tay nghề có thể là công nhân, kỹ sư hay nhà khoa học.
Hoài Hương (Thực hiện)