Trung tâm Văn hóa - Thương mại Hà Nội – Moscow là một hạng mục quan trọng nằm trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói chung và giữa thủ đô hai nước nói riêng.
|
Trung tâm thương mại khách sạn và căn hộ. Ảnh: Lê Xuân Sơn. |
Theo thỏa thuận gữa hai thủ đô, mỗi thành phố cung cấp một diện tích đất để bên đối tác xây dựng trung tâm văn hóa thương mại. Moscow cung cấp cho Hà Nội 5 héc ta đất nằm trên đường vành đai MKAD (vành đai cây xanh) thuộc quận Đông - Bắc của thành phố.
Hà Nội dành cho Moscow một khu đất 3,2 héc ta ở khu vực Mễ Trì, Từ Liêm để xây dựng dự án Nhà Moscow. Đích thân Tổng thống Nga Medvedev khi đó đã có ý kiến chỉ đạo TP Moscow tạo mọi điều kiện và ủng hộ mọi mặt cho dự án Trung tâm…
Việc xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thương mại (đa chức năng) Hà Nội – Mátxcơva được giao cho chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Trung tâm Văn hóa - Thương mại Hà Nội – Moscow (INCENTRA) làm chủ đầu tư, với tổng vốn 224 triệu USD. Được khởi công ngày 10/5/2010 với sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, công trình đã cơ bản hoàn thành sau 3,5 năm thi công đặc biệt khẩn trương.
|
Toàn cảnh 2 phần Trung tâm Căn hộ - khách sạn và Trung tâm thương mại triển lãm của Trung tâm Hà Nội - Mat. Ảnh: Lê Xuân Sơn. |
Dự án gồm hai khu chính: Khu Trung tâm Thương mại – Triển lãm và khu Căn hộ - Khách sạn (riêng khu này có 22 tầng, tổng diện tích 82.583 m2, với 1.000 phòng tiêu chuẩn, chia thành nhiều loại căn hộ, trên 3 mặt của tòa nhà lớn được in hình Khuê Văn Các) được xây dựng hiện đại, sang trọng.
Sự ra đời của dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cộng đồng người Việt ở Moscow và Liên bang Nga, là nơi làm ăn có đầy đủ cơ sở pháp lý cho họ vào thời điểm kiểu kinh doanh chợ, ốp đã lỗi thời, không còn cơ sở để tồn tại về mặt pháp lý và đang đi đến thời điểm kết thúc. Họ có thể mua căn hộ và thuê mặt bằng kinh doanh trong dự án.
Trung tâm này còn củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa thủ đô hai nước, đồng thời là cầu nối doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Liên bang Nga.
Ngày khai trương Trung tâm cũng được đánh dấu bằng một chương trình nghệ thuật sôi động và chất lượng với sự tham gia của các nghệ sĩ hai nước.
Một hội thảo có chủ đề Trung tâm - Những mô hình mới phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga được tổ chức ngay tại Trung tâm. Nhiều hợp đồng hợp tác và thuê mặt bằng được ký ngay tại lễ khánh thành.
Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch BIDV, ngân hàng cung cấp 75% tổng vốn của dự án, công bố ngân hàng này sẽ cung cấp một gói cho vay trả chậm cho các khách hàng mua hoặc thuê mặt bằng và căn hộ tại trung tâm.
Đặc biệt, chương trình khai trương đã được mở đầu bằng lễ khai mạc công trình Chùa Một Cột tại Moscow. Ngôi chùa được xây dựng ngay bên cạnh Trung tâm Văn hóa - Thương mại Hà Nội – Moscow , có chùa, có ao và các hạng mục phụ trợ.
|
Cắt băng khánh thành Chùa Một Cột ở Mátxcơva. Ảnh: Lê Xuân Sơn. |
Chùa được dựng theo tỷ lệ 1:1 so với chùa ở Hà Nội. Tất cả gỗ, đá… được chế tác tại Việt Nam và đưa sang Nga lắp đặt. Các nghi thức để khai trương được Thượng tọa Thích Thanh Hiền – Phó trưởng ban Văn hóa của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì, với sự tham gia và chứng kiến của đại diện Sứ quán Việt Nam tại Nga và lãnh đạo Công ty INCENTRA.
Tiếng chuông chùa ngân vang trong trẻo trong chiều Moscow , đánh dấu một thời điểm có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của cộng đồng Việt trên xứ sở Bạch Dương.
|
Chùa Một Cột nằm bên cạnh Trung tâm Thương mại và triển lãm. Ảnh: Lê Xuân Sơn. |
Phát biểu tại lễ khai trương, Đại sứ nước ta tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn coi đây là bước phát triển, một hình thức mới trong quan hệ hợp tác hai nước. Quận trưởng quận Đông Bắc TP Moscow V.Yu, Vinagradov coi công trình là đóng góp đáng kể cho địa phương và nó có sức hấp dẫn mạnh mẽ với người dân của quận.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá, đây là hình mẫu cho sự thành công của quan hệ hợp tác giữa hai nước và giữa hai thủ đô.
Theo Tiền Phong