"Còn bảo cấm dạy thêm thì đúng là ảo tưởng. Cấm làm sao được khi cái sự nhập nhèm học chính và học thêm có mặt trong các nhà trường. Chỉ cấm được, khi nào giáo viên sống được bằng lương", GS.TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội chia sẻ.
Còn dạy thêm còn có tiêu cực
Trong buổi tiếp xúc cử tri của lãnh đạo TP Hà Nội hôm 12/11, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc về việc giáo viên dạy thêm có thu nhập 50 triệu đồng/tháng. Cử tri cho biết, mỗi lớp 50 học sinh, mỗi cháu học 2 - 3 môn và nộp 1 triệu đồng. Không thể nói đời sống giáo viên khó khăn. Ông có bình luận gì về điều này?
Tôi cho rằng, học thêm mà mất tới 1 triệu đồng/tháng là không đúng với quy định của Bộ GD&ĐT. Đó là trường hợp cá biệt chứ không đại diện cho cả hệ thống giáo dục. Mà với trường hợp như vậy thì cứ việc xử lý theo đúng quy định của pháp luật thôi chứ đâu có gì phải bàn hay bình luận. Thu 1 triệu đồng/tháng thì ngay cả ở các trường chất lượng cao cũng còn khó chứ nói gì đến các lớp học thêm. Tốt nhất là cấm luôn trường hợp đó dạy thêm.
Nhưng rõ ràng khi học chính chưa đáp ứng được yêu cầu thì học thêm là nhu cầu tất yếu của học sinh.
Đúng. Mục đích của học thêm cũng có rất nhiều, chứ không phải chỉ là học để có kiến thức. Có người không có điều kiện trông con nên cho con đi học thêm. Vấn đề là phải quản lý tốt hoạt động này. Tôi nghĩ, trong tương lai, khi đã giải quyết được vấn đề đời sống của giáo viên riêng ra rồi thì phải tách chuyện dạy thêm học thêm ra khỏi nhà trường. Còn nếu đã để trong nhà trường thì chắc chắn nảy sinh tiêu cực. Kiểu gì cũng có sự lẫn lộn.
Cụ thể thế nào thưa ông?
Đó là học chính và học thêm không phân định được. Dư luận trước nay vẫn bức xúc nhiều. Giáo viên sẽ tìm cách gây áp lực cho học sinh và phụ huynh để buộc phải học thêm. Giáo viên có rất nhiều cách để ép học sinh như đưa nội dung dạy chính vào dạy thêm. Học sinh nào không đi học thêm thì không làm được bài kiểm tra. Rồi có khi chính nhà trường cũng tìm cách san sẻ nội dung từ học chính sang học thêm. Chính khóa và học thêm bị lẫn lộn với nhau.
Vậy giải pháp là gì?
Phải tách học thêm dạy thêm ra khỏi nhà trường. Tách học trò ra khỏi giáo viên dạy chính thức ra khỏi nhà trường. Khi đó thì học trò có quyền lựa chọn các giáo viên phù hợp với mình để học thêm. Thầy cô nào giỏi thì học trò chọn. Coi đó là một dịch vụ để ai cũng có quyền lựa chọn.
|
GS.TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội. |
Không học thêm sẽ bị điểm kém!
Theo ông, trong khi chưa thể tách được dạy thêm ra khỏi nhà trường thì giải pháp là gì?
Nên yêu cầu cụ thể, chỉ cho phép giáo viên dạy thêm ở một vài trung tâm nhất định nào đó thôi. Giống như hoạt động của bác sĩ. Phòng khám chữa bệnh tư phải tách khỏi bệnh viện. Bác sĩ phải tách khỏi bệnh nhân. Giờ có chuyện bác sĩ khám vớ vẩn trong bệnh viện rồi giới thiệu ra trung tâm của mình để tiếp tục khám và điều trị. Thế là chết rồi. Chưa tách ra thì chắc chắn vẫn còn tiêu cực. Giáo dục cũng thế.
Nhưng cái này là từ quy định của Bộ GD&ĐT chứ các nhà trường đâu thể tự làm?
Quy định hiện nay thì nhà trường được phép dạy thêm cho chính học sinh của trường mình. Dù có các điều kiện khác đi kèm nhưng vẫn là dạy những học trò của mình thì chắc chắn là thầy cô giáo ấy muốn mình có nhiều học trò hơn thì sẽ chẳng khó gì chuyện tìm cách ép rằng: Em mà không đến lớp học thêm của cô thì em sẽ bị điểm kém. Mà cách làm ấy thì dễ lắm. Đấy là chưa kể thô thiển hơn là cô ấy có thể ra đề kiểm tra mà chỉ những bạn đi học thêm mới biết. Thế là không đi học thêm thì chết rồi! Thiếu gì cách phân biệt đối xử.
Vậy phải giải quyết thế nào?
Muốn giải quyết căn bản vấn đề dạy thêm học thêm thì vấn đề tổ chức dạy thêm học thêm phải ngoài nhà trường, độc lập với nhà trường. Phải tách học sinh ra khỏi thầy cô giáo dạy chính khóa. Khi đời sống giáo viên đã được đảm bảo bằng lương thì sẽ cấm giáo viên tham gia dạy thêm. Ăn lương một chỗ rồi, đủ để sống rồi thì thôi, không được phép dạy thêm nữa.
Khi đó chắc hẳn sẽ phải có những yêu cầu ràng buộc thế nào đó đối với các cơ sở dạy thêm độc lập?
Người dạy ở các trung tâm dạy thêm cũng phải đạt các tiêu chuẩn giống với giáo viên. Cũng phải có trình độ sư phạm, cũng phải có trình độ nghiệp vụ, nhưng đó là hai hệ thống khác nhau và hoàn toàn độc lập. Các nước họ đều làm như thế. Nhưng đời sống giáo viên của họ tương đối cao, giáo viên không được và không thích dạy ở ngoài.
Liệu chúng ta có làm được thế?
Ở các nước, bác sĩ mở phòng khám riêng thì không được làm trong bệnh viện công nữa. Vì thế, không có chuyện nhập nhèm lẫn lộn. Hiện ngành y tế làm khá hơn giáo dục ở quy định bác sĩ vẫn có thể làm thêm ở phòng khám nhưng không được phép quản lý hay kinh doanh một cơ sở khám chữa bệnh mà chỉ được phép làm việc. Nhưng giáo dục thì vẫn quy định việc dạy thêm học thêm nhưng lại giao cho hiệu trưởng làm. Thế nghĩa là xuất phát điểm đã không minh bạch rồi.
|
Ảnh minh họa. |
Không chia đều là sẽ khiếu nại
Vừa rồi có nghị định xử phạt hành vi dạy thêm học thêm không phép, theo đó sẽ xử phạt đến 12 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm không phép. Theo ông thì quy định đó có đủ sức răn đe?
Việc xử phạt vi phạm chỉ mang tính hình thức. Nghĩa là chỉ trong phạm vi những người vi phạm hoặc phần nào hạn chế những vụ vi phạm lớn chứ nó không giải quyết được vấn đề là cô vẫn dạy trò mình, nhà trường vẫn quản lý việc dạy thêm. Quan trọng là cái cơ chế tổ chức như thế nào.
Tôi nghĩ là chỉ có thể hy vọng là vi phạm nó ít đi, tiêu cực nghiêm trọng sẽ không có. Những vụ việc như dạy thêm lên đến 50 triệu đồng/tháng sẽ ít đi, nhưng rõ ràng dạy thêm với thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng là phổ biến. Không những thế, nhà trường còn có nghĩa vụ chia đều cho các thầy cô để mỗi người được dạy một số giờ nhất định. Coi dạy thêm là một khoản tăng thêm thu nhập và đương nhiên phải chia đều. Không chia đều thì thế nào cũng khiếu nại lăng nhăng.
Vậy ông thấy rằng phải tổ chức như thế nào để tiêu cực nó ít đi?
Đúng là hiện nay có cái khó là đời sống giáo viên còn thấp, lương còn thấp quá. Nếu cấm dạy thêm thì sẽ gây khó cho giáo viên. Tăng lương cho người ta đủ sống thì mới cấm được, chứ nếu lương thấp mà lại cầm người ta dạy thêm thì không ổn. Nên phải chấp nhận một việc mà mình biết là chưa ổn.
Xin cảm ơn ông!
Để dạy thêm trong nhà trường vì một lý do duy nhất là đời sống giáo viên còn khó khăn. Để dạy thêm trong nhà trường là để tạo điều kiện cho giáo viên có thêm thu nhập. Nhưng chính cái đó làm cho chuyện dạy thêm học thêm tồn tại những tiêu cực làm xấu đi hình ảnh của người giáo viên. Giáo viên mở lớp dạy thêm tại nhà rồi tìm cách ép học sinh học là không được.
Tô Hội (Thực hiện)