Chuyện “con ông cháu cha” từ lâu đã được dư luận nhắc đến với hàm ý tiêu cực. Thừa nhận có thể có chuyện người ta lạm dụng để ưu tiên cho “con ông cháu cha”, song ThS Tống Đăng Hưng cho rằng, không nên đánh đồng tất cả đều là xấu.
|
ThS Tống Đăng Hưng, Phó Trưởng khoa Đào tạo bồi dưỡng công chức, Học viện Hành chính Quốc gia. |
Tác động vào thi cử có thể là có
Ông nghĩ thế nào về chuyện “con ông cháu cha”, “con vua thì lại làm vua” trong bộ máy hành chính ở Việt Nam hiện nay?
Thực ra, nếu xét một cách bình đẳng kiểu cơ quan A cần tuyển người phù hợp chuyên môn, đủ
sức khoẻ, tâm huyết... thì bất cứ ai thi tuyển vào vị trí đó đều công bằng như nhau. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những người mà gia đình có truyền thống làm ở cơ quan đó, công việc đó thì họ sẽ có lợi thế nhất định khi được kế thừa kinh nghiệm, thậm chí là có yếu tố di truyền. Do vậy, không phải cứ “con ông cháu cha” là xấu. Trên thực tế, dù không quy định bằng văn bản song khi điểm thi công chức bằng nhau, người ta vẫn có sự ưu ái cho con em cán bộ, người trong ngành. Xét về mặt xã hội thì đó cũng là điều dễ hiểu khi coi đó như chính sách với những người đã có đóng góp nhất định với cơ quan đơn vị đó.
Nhưng dường như bây giờ, người ta đang có sự lạm dụng trong việc xét tuyển những người thuộc diện “con ông cháu cha”, gây lùm xùm dư luận như sự việc ở Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương mới đây khiến cơ quan công an phải vào cuộc?
Đúng là trên thực tế có chuyện vì một lý do nào đó mà người ta tác động vào kết quả thi công chức thông qua những mối quan hệ, lợi ích này nọ. Nhưng không thể vì thế mà đánh đồng tất cả các cuộc
thi công chức đều không công khai, không minh bạch cả đâu. Có rất nhiều cơ quan cần tuyển người tài thực sự và cũng có rất nhiều thủ trưởng nghiêm túc, công tâm trong thi truyển. Trường hợp ở Cục Quản lý cạnh tranh chưa có kết luận cuối cùng thì chưa thể khẳng định được họ có lạm quyền hay không.
Ông có thấy lạ, thấy bất ngờ với chuyện thi tuyển ở Cục này mà báo chí đã phản ánh?
Không, vì trong cả hệ thống xã hội thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Thiếu danh dự mới lạm dụng
Theo ông, hiện nay trong thi tuyển công chức thì khâu nào dễ khiến người ta lách luật?
Trong các khâu tuyển công chức thì bất cứ khâu nào cũng có thể tạo ra kẽ hở để người ta lợi dụng, từ việc tiếp nhận hồ sơ, đặt ra tiêu chuẩn, trong quá trình thi, chấm điểm, xét tuyển. Chỉ cần một khâu làm không công khai, minh bạch thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả của cả kỳ thi. Chẳng hạn, ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ thông thường là ưu tiên người nộp trước nhưng có thể một thí sinh là chỗ thân quen với một cán bộ nào đó nộp sau cùng, nhờ người này tác động mà hồ sơ đó được nhận. Như vậy là không công bằng rồi.
Có khi nào ông nhận được lời nhờ vả để tác động vào kết quả một kỳ thi công chức nào đó chưa?
Tôi nói luôn là tôi nhận được nhiều lời đề nghị nhờ vả rồi.
Vì họ thấy cương vị của ông dễ can thiệp quá?
Cũng có thể họ hiểu hình thức như vậy. Không biết người khác thế nào chứ tôi từ chối thẳng. Có người bảo tôi kiêu, không biết quan tâm, chia sẻ với họ, tôi phải giải thích để họ hiểu rằng tôi có thể can thiệp, nhưng nếu như nhận người ta vào làm, họ không đáp ứng được công việc thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan đó. Sau rồi hiểu ra họ cũng thông cảm với tôi.
Nhưng biết đâu, nếu giúp người ta, ông sẽ nhận được những thứ giá trị?
Cái đó có thể cũng có. Nhưng tôi từng du học bên Đức, thấy được cách sống của công chức bên ấy họ trọng danh dự lắm, nó ngấm vào máu tôi rồi (cười).
Nghĩa là bây giờ, người ta can thiệp để thay đổi kết quả thi công chức là người không trọng danh dự, không có danh dự?
Nói vậy không phải tất cả đều như thế, nhưng cũng có thể có trường hợp lạm dụng. Nhưng suy cho cùng thì đó còn là vấn đề về mặt
tâm lý xã hội nữa.
Ông muốn ám chỉ điều gì?
Thứ nhất, bình thường không ai đi nhờ vả mà không có gì trong tay cả, nếu không có quan hệ thì cũng phải có thế lực nào đó như vật chất chẳng hạn. Một người không quen biết thì người ta không giúp đâu. Vậy thì dứt khoát một điều, về mặt trạng thái tâm lý thì ai cũng muốn lo cho người thân của mình. Ở ta, bao giờ cha mẹ cũng lo cho con cái nên mới có chuyện nhờ can thiệp này nọ, khác với người châu Âu vì bên đó đã có xã hội lo rồi.
Thứ hai, nếu đánh giá trên bình diện xã hội thì hiện ta không cân đối được nguồn lực lao động, do công tác thống kê, dự báo chưa tốt. Do đó dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ mà bao nhiêu năm nay chưa giải quyết được. Chính điều này cũng gây áp lực lên vấn đề việc làm và việc can thiệp/nhờ can thiệp để xin việc là điều dễ hiểu.
Tôi nghĩ sẽ có nhiều người chạnh lòng đấy, vì họ chẳng có được những mối quan hệ với cán bộ, chẳng có nhiều tiền, họ chỉ có tấm bằng như một thước đo năng lực để thi tuyển công chức?
Tôi rất chia sẻ với họ. Tuy nhiên, cũng không nên quá bi quan để chụp mũ rằng cứ trượt công chức là vì không có tiền, không có quan hệ đâu. Chuyện này ở đâu đó là có nhưng chắc chắn không phải là tất cả.
Cần luật hóa những sai phạm
Hiện nay, pháp luật quy định như thế nào về việc người ta lách luật để chọn người vì chỗ thân quen mà bỏ qua yếu tố năng lực, điểm số, thưa ông?
Hiện, những tiêu cực trong thi tuyển công chức mới chỉ xét theo quy chế thi thôi, trừ trường hợp pháp luật chứng minh bằng cách thức nào đó ông can thiệp, tác động vào kết quả thì sẽ bị xử lý hình sự. Nhưng như tôi biết thì đến nay chưa có trường hợp nào xử lý hình sự cả.
Vì chẳng ai dại gì can thiệp kết quả thi công chức mà để dễ bị phát hiện cả?
(Cười) Cũng có thể.
Ông có cho rằng vụ việc ở Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương sẽ khiến cho công tác thi tuyển công chức ở các bộ, ngành, địa phương sẽ thực chất hơn?
Chúng ta có quyền hy vọng vào điều đó, vì chắc chắn nhiều nơi khi tổ chức thi sẽ lấy điều đó làm kinh nghiệm.
Theo ông, làm gì để hạn chế chuyện lạm quyền trong thi tuyển công chức, đảm bảo kỳ thi dân chủ, công khai, minh bạch?
Phải cần những người thủ trưởng có tâm. Những quy định phải chặt chẽ hơn nữa; cần luật hóa những sai phạm để việc xử lý phải có tính răn đe buộc người ta ý thức được trách nhiệm của mình mà giảm bớt việc cố tình lách luật. Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi công chức; tạo điều kiện cho phản biện xã hội cùng tham gia giám sát. Khi đó, chắc chắn việc thi tuyển hình thức sẽ hạn chế.
Để có được kỳ thi tuyển thực chất, theo ông thì có khó không?
Vấn đề là người ta có chịu làm không, chứ chẳng ai buộc khó vào mình cả.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Tôi xin chia sẻ với Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An khi cho rằng cần phải thay đổi tư tưởng trong xã hội, phải làm cho người ta “có dám thi công chức không?” thay vì cố thi đỗ công chức rồi yên vị ở đó, chẳng cần cố gắng gì cả. Vấn đề là trước khi thay đổi được tư tưởng đó thì phải làm cho tốt công tác thi tuyển, để nó thực chất hơn thông qua việc giám sát. Tuy nhiên, cũng phải tùy vào mức độ của mỗi kỳ thi tuyển mà đề ra cơ chế giám sát phù hợp, tránh trường hợp thi tuyển một, hai trường hợp mà tổ chức ra cả một hội đồng thi và các ban bệ kiểm tra, giám sát thì không hiệu quả. Rất lãng phí!”.
ThS Tống Đăng Hưng
Vũ Thủy (thực hiện)