Người dân “bóp bụng” lấy tiền đi xe buýt
Liên quan đến đề xuất tăng giá vé xe buýt vào ngày 1/1/2014, Nguyễn Văn Minh (27 tuổi, ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Do kinh tế gia đình rất khó khăn, nên tôi mới sử dụng phương tiện xe buýt để đi làm. Mới đây, qua báo chí là giá vé xe buýt sẽ tăng lên 7.000đ/lượt, nếu đúng như vậy, một lần nữa gia đình tôi lại gặp khó khăn”.
|
Giá vé xe buýt tăng khiến nhiều người phải "bóp bụng".
|
“Tôi là người ngoại tỉnh đến Hà Nội làm ăn, đủ thứ thu chi phải lo, giờ giá xe buýt lại tăng, kinh tế gia đình càng eo hẹp. Tiếng là tăng 2.000đ/lượt, nhưng ngày đi 2 lượt, tôi phải bỏ thêm 4.000đ.
Một tháng có 30 ngày thì vị chi tôi phải bỏ thêm 120.000đ. Với người có điều kiện thì không sao, nhưng với tôi kinh tế khó khăn là cả tài sản lớn. Người có điều kiện chắc gì họ đã đi xe buýt với gia cao như vậy, vì xe buýt rất đông lại chậm hay bị mất cắp”, anh Minh phân tích.
|
Dịch vụ và sự tăng giá vé xe buýt đang "đá nhau" (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Cơ Thach, Từ Liêm, Hà Nội).
|
Còn sinh viên Vũ Huy Hoàng (21 tuổi, ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Em là sinh viên, không có thu nhập. Mọi nguồn chi tiêu của em ở Hà Nội đều do bố mẹ cấp, tăng giá vé xe buýt, chắc phải hạn chế đi lại. Tăng giá vé xe buýt, sinh viên như chúng em chắc phải “bóp bụng” để lấy tiền đi xe buýt anh ạ”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Nguyên Ngọc (30 tuổi, ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) nói: “Xe buýt là phương tiện dành cho người nghèo, người thu nhập thấp và sinh viên. Giờ tăng giá vé xe buýt, nghèo thì mình vẫn phải đi. Người giầu phải ủng hộ người nghèo, giờ tăng giá vé xe buýt, người nghèo lại càng nghèo thêm”.
Không kiểm soát được giá xe mới tăng?
Đánh giá về vấn đề tăng giá xe buýt vào ngày 1/1/2014, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết: “Người dân thì họ không muốn tăng giá bao giờ cả, đặc biệt là những người nghèo. Đến lúc này, nền kinh tế của nước ta cơ bản đã kiểm soát được lạm phát. Dự địa của quản lý lạm phát đã tốt rồi, vì vậy không nên dựa vào đó mà tăng giá vô tội vạ. Tăng giá vé xe buýt có nâng cao được chất lượng dịch vụ hay không".
|
Khi các tuyến đường thường xuyên xảy ra ách tắc, xe buýt là giải pháp?
|
"Dù đã kiểm soát được lạm phát, nhưng sức mua của người dân còn rất hạn hẹp và thấp, nên doanh nghiệp phải phục vụ nhân dân là chủ yếu, đặc biệt người lao động nghèo và sinh viên. Trong bối cảnh đường xá liên tục ách tắc thì nhà quản lý phải khuyến khích người dân tham gia sử dụng phương tiện công cộng làm phương tiện đi lại như xe buýt. Ở bối cảnh như vậy, tăng giá là không nên”, ông Long tâm sự.
“Khi doanh nghiệp đưa ra con số lỗ, cái này phải được kiểm kê, kiểm toán rõ ràng, minh bạch xem có đúng hay không quản lý được các phương tiện rồi kêu lỗ. Khi đưa ra giá vé xe buýt như vậy đã hợp lý chưa, cái này phải thẩm định minh bạch của các cơ quan tài chính”, chuyên gia kinh tế, Long phân tích.
Tiến Dũng