Không thể vỗ vai đuổi việc công chức!

Google News

(Kiến Thức) - "Tinh giảm biên chế đã thực hiện nhiều năm, nhưng số lương công chức vẫn ngày càng nhiều. Chiếc bánh ngân sách ngày càng nhỏ trong khi bộ máy thì cứ phình to".

"Nhưng cắt giảm biên chế như thế nào để vẫn đảm bảo công việc suôn sẻ mà không tạo ra những xáo trộn lớn, thì cần có một lộ trình dài", TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính chia sẻ.
Dân đang đóng thuế để nuôi bộ máy này!
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 trong đó xác định: Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc. Tôi tự hỏi, chuyện tinh giản biên chế nói mãi rồi, có thực hiện được đâu. Giờ quyết liệt tinh giản, đuổi 1/3 công chức ra khỏi bộ máy, thì chắc là loạn mất?
Ta phải khẳng định, dân đang đóng thuế để nuôi bộ máy này! Do vậy, việc nền công vụ tiến hành tinh giản biên chế nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Thế nhưng thực tế cho thấy, số người nghỉ chế độ chính sách so với số người tuyển vào luôn tỷ lệ nghịch với nhau. Vào nhiều hơn ra. 
Không hiểu việc "tinh, giảm" kiểu gì mà chỉ trong 3 năm từ 2009 - 2012, số lượng cán bộ công chức của ta đã tăng gần 39%, lượng viên chức tăng hơn 50%?
Nếu chúng ta chỉ nhìn vào số lượng thì chúng ta thấy rằng chúng ta đang phải chi trả nhiều tiền hơn cho cái thực trạng "ra ít vào nhiều" vừa nói. Đó là cách nhìn cơ học nhưng nó chưa đầy đủ. Vì trong vài năm qua, thực tế hoạt động công vụ yêu cầu có thêm các cơ quan, các vị trí ví dụ như thanh tra, kiểm tra. Người nghiên cứu quản lý cán bộ công chức thấy rằng, vì không quản lý chặt chẽ nên chất lượng không cao, dẫn tới đội ngũ làm việc không tốt, không chuyên nghiệp. Do đó, tăng người nhưng không đẩy được chất lượng lên.
Nghĩa là ta đang thừa công chức?
Đúng là thừa thì thừa thật, nhưng thiếu thì vẫn cứ là chuyện chất lượng của công chức. Cái số công chức 1/3 "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" vẫn cứ tồn tại. Vấn đề mấu chốt là công chức không làm được việc. Do đó, đổ tiền vào để tuyển người, để trả lương, là thừa.
TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính. 
Chắc gì 2/3 còn lại đã giỏi
Có đại biểu Quốc hội tính toán: Nếu lấy 1/3 số công chức, tương đương khoảng 700.000 người làm việc không hiệu quả nhân với mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng thì mỗi năm nước ta lãng phí 16.800 tỷ đồng tiền lương chi trả cho họ. 
Thực ra, số người đó dù có thừa nhưng nó vẫn cần để đảm bảo bộ máy vận hành. Giờ giả sử có một đơn vị làm theo dây chuyền, theo đội, theo nhóm. Ví dụ như hải quan chẳng hạn, có 1 người đi qua hay không có người nào đi qua thì vẫn cần phải có chừng ấy người đứng đó để kiểm tra. Tôi nghĩ rằng giảm biên chế không quan trọng bằng việc đẩy được chất lượng đội ngũ này.
Tinh lọc để làm sao có được đội ngũ tốt chứ không phải lọc mà vẫn để lại đội ngũ không tốt. Nếu mà ngay từ đầu vào ta đã lấy người kém chất lượng rồi thì dù có loại đi 1/3 thì chắc gì cái số 2/3 còn lại đã giỏi. 
Vậy thì phải làm thế nào?
Phải đưa vào những người giỏi hơn. Tôi nghĩ rằng, những người không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực kém, không phù hợp với vị trí thì phải cho ra. Lập tức chọn người vào phù hợp hơn và xứng đáng ở cái vị trí ấy. 
Vấn đề là ra thế nào, vào thế nào?
Đúng. Không thể tự nhiên vỗ vai một công chức, viên chức mà bảo "ông/bà ra đi", mà đuổi người ta. Ta có luật, thì phải làm theo luật. 
Nhưng từ trước đến nay ta vẫn có quy định, công chức 2 năm liên tiếp xếp loại kém thì bị xem xét thôi việc. Nhưng sau bao năm, có ai bị kém đâu?
Ta phải vừa kết hợp đánh giá bên trong, vừa phải kết hợp đánh giá bên ngoài. Nghĩa là phải có một đơn vị độc lập đánh giá. Đơn vị này sẽ chỉ ra vị trí này, cách làm này, thì yêu cầu công việc là gì, bao nhiêu người thì đáp ứng được. Không thể nói theo kiểu cơ quan này có 13 người, phải bỏ bớt 3 người cho bộ máy nhỏ lại. Phải loại bỏ những người không phù hợp ra khỏi bộ máy. Nhưng cũng phải có lộ trình. 

Bố làm thủ trưởng sẽ không dám nhận con dốt
Vì sao dù đã cải tiến nhiều mà ngay từ khâu tuyển dụng, ta lại chưa tuyển được người giỏi?
Chỉ khi nào người lãnh đạo cơ quan phải chịu trách nhiệm về chất lượng đội ngũ trong cơ quan đó thì người giỏi mới được tuyển dụng. Nếu làm được thế thì ông bố làm thủ trưởng sẽ không dám nhận ông con dốt vào làm. Thực tế hiện nay vẫn có hiện tượng dựa vào tập thể, không có ai là người chịu trách nhiệm.
Nghĩa là nó giống như việc quy định rõ ràng công việc của từng vị trí?
Đúng thế. Phải rõ ràng như vậy thì những người giỏi mới dám đảm trách vị trí to. Phải thiết kế lại vị trí việc làm của nền công vụ. Ta mới chỉ hô hào làm nhưng đã làm được đâu.
Ai sẽ thiết kế đây?
Phải có một nhóm chuyên gia thiết kế, chứ cứ người nọ trông chờ người kia thì không làm được đâu. Ta có thói quen anh mà không  hài lòng với tôi thì tôi không biểu quyết anh. Thế nên việc thanh lọc sao cho đội ngũ công chức tinh túy hơn mới là mong ước chứ không phải số lượng.
Theo ông, liệu khi đó ta có loại được những công chức yếu kém?
Nếu bây giờ bỏ 1/3 đi thì có thể công việc nó vẫn thế. Nhưng việc có chạy hay không, hay nó vẫn vật vờ như thế này? Cái tiết kiệm ấy không giải quyết được cái gì nhiều. Rõ ràng là phải thanh lọc theo cách tôi vừa nói bằng cách tự đánh giá, có cơ quan độc lập đánh giá thực tế liên quan đến công việc. Chứ không đánh giá dựa trên tinh thần nọ tinh thần kia mà sản phẩm không có. 
Một vấn đề là ngân sách đang thâm hụt mà lại đầu tư cho cả một cơ quan độc lập ấy tổ chức rà soát chất lượng công chức thì liệu có tốn kém quá?
Thực tế cấu trúc hoạt động của các sở ngành bộ có tính chất tương đối giống nhau. Chỉ cần làm ở một vài địa phương là sẽ có một đội ngũ chuyên gia tốt để nhân rộng cái mô hình đó. Nhưng phải chú ý người làm phải là người có thực tài. Chứ nếu như hiện nay, mỗi người lại xà xẻo một tí thì không ổn.
Xin cảm ơn ông!
Một bộ phận công chức suốt ngày chỉ có la cà chè nước, chân trong chân ngoài làm cái nọ cái kia thì nó mới dẫn đến nhận định 1/3 công chức không làm được việc. Chúng ta đang dư người quá. Dư là bởi họ không chịu làm việc. Đáng lẽ phải làm việc nhanh, tháo vát, văn bản phải ra ngay, nghị định phải ra ngay, thanh tra kiểm soát lập tức... Nhưng họ cứ trông chờ nhau, chứ không phải là làm tốt rồi nhưng vẫn thừa 1/3.
Tô Hội (Thực hiện)