Nông dân đua nhau đăng ký lập doanh nghiệp với tên gọi, ngành nghề kinh doanh giống nhau
Thời gian gần đây, nhiều địa phương tại tỉnh Hải Dương rộ thông tin, nhiều người nông dân đua nhau làm giám đốc, lập công ty riêng. Thậm chí một làng quê có đến 4 công ty do người dân lập nên, các công ty này đều đăng ký trong thời gian gần nhau, tên gọi giống nhau là “công ty cổ phần môi trường xanh” đến các nghành nghề kinh doanh cũng giống nhau như khuôn đúc.
Nhiều người dân cho rằng, những nông dân lập công ty do được một “nhà tài trợ” vận động, lợi dụng với mục đích xấu. Người này nói chuyện với người kia cùng kéo nhau đi lập mà chưa rõ sẽ kinh doanh gì.
|
Trang trai nhà ông Nguyễn Trường Tam sẽ là nơi hoạt động của công ty. |
Để tìm hiểu rõ việc những người nông dân kéo nhau đi lập công ty để mong muốn kinh doanh, làm giàu trên mảnh đất quê hương hay do bị chèo kéo, là nạn nhân của một chiêu trò lừa đảo mới, PV Kiến Thức đã có mặt tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương.
Trao đổi với PV, những cán bộ tại Phòng đăng ký kinh doanh cho biết, trong tháng 9/2015, họ tiếp nhận và làm thủ tục đăng ký kinh doanh cho 14 công ty đều có tên giống nhau là “Công ty cổ phần môi trường xanh", chỉ khác nhau hai chữ cuối.
“Qua theo dõi và làm thủ tục đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp tại phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương phát hiện một số doanh nghiệp thành lập tại tỉnh hoàn toàn giống nhau như đều thành lập công ty cổ phần, tên doanh nghiệp đều có chữ “môi trường xanh”, thậm chí họ kinh doanh ngành nghề giống nhau, các cổ đông sáng lập thường có hai cổ đông trùng nhau ở nhiều công ty, duy nhất chỉ có người đại diện theo pháp luật là người địa phương...”, Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh Lê Xuân Hiền cho biết.
|
Hàng loạt công ty thành lập với những cái tên na ná nhau. |
Ngày 25/9, khi PV Kiến Thức có mặt, có hai người đến đăng ký thành lập công ty tại phòng đăng ký kinh doanh với cái tên "Công ty Cổ phần môi trường xanh" và ngành nghề kinh doanh cũng giống y chang hơn chục công ty đã đăng ký trước đó.
Theo tài liệu mà cán bộ phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cung cấp cho PV, đầu tháng 9/2015, Phòng đăng ký kinh doanh tiếp nhận và làm thủ tục đăng ký kinh doanh cho 4 cá nhân là bà Dương Thị Mỵ (đăng ký thành lập Công ty Cổ phần môi trường xanh Minh Nhật), ông Nguyễn Trường Tam (đăng ký thành lập Công ty cổ phần môi trường xanh Tam Tâm), bà Đặng Thị Hà, đăng ký thành lập Công ty cổ phần môi trường xanh Hải Hà và ông Đoàn Văn Ngọc, đăng ký thành lập Công ty cổ phần Môi trường xanh Đức Ngọc. Cả 4 người này đều có địa chỉ tại thôn Đồng Lạc (xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), các ngành nghề đăng ký giống hệt nhau và tên doanh nghiệp cũng chỉ khác nhau hai chữ cuối là tên các cá nhân đại diện hợp pháp theo pháp luật.
Trong tháng 9/2015, có đến 14 cá nhân đăng ký thành lập doanh nghiệp với tên công ty giống nhau, các loại hình kinh doanh giống nhau như trồng lúa, trồng ngô và cây lương thực có hạt khác , trồng cây lấy củ có chất bột , trồng cây mía, Trồng cây thuốc lá, thuốc lào, trồng cây lấy sợi, trồng cây có hạt chứa dầu , trồng rau, đậu các loại và trồng hoa, trồng cây điều, trồng cây hồ tiêu, rồng cây cao su... Những điều lạ này đã khiến ngay cả cán bộ đăng ký kinh doanh cũng bất ngờ, bởi những người đến đăng ký ở các địa phương khác nhau như Ninh Giang, Chí Linh, TP Hải Dương...nhưng cách đăng ký từ tên đến loại hình kinh doanh thì giống hệt nhau.
Có công ty đứng sau hứa hẹn tài trợ vốn, vận động thành lập công ty?
Để tìm hiểu rõ có hay không việc các cá nhân là nông dân đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp theo sự vận động, PV Kiến Thức đã đến gặp một số người đại diện của các công ty này theo danh sách mà Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cung cấp.
Tại làng Đồng Lạc, xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, Hải Dương, nơi có 4 cá nhân đăng ký thành lập 4 công ty cổ phần môi trường xanh, PV đã gặp một vị cán bộ xã là ông Nguyễn Trường Tam, ông Tam cũng là người vừa mới đứng ra thành lập một trong 4 công ty trên. Ông Tam cho biết, vợ chồng ông vừa thành lập 2 công ty là Công ty Cổ phần môi trường xanh Tam Tâm do ông làm giám đốc và Công ty Cổ phần môi trường xanh Minh Nhật, do vợ ông là bà Dương Thị Mỵ làm giám đốc.
Khi được hỏi việc thành lập công ty của hai vợ chồng là do mong muốn hay do ai vận động, ông Nguyễn Trường Tam khẳng định: “Hai vợ chồng tôi thành lập 2 công ty không liên quan đến ai”.
“Tôi có ý định thành lập công ty từ năm 2014, tuy nhiên do thời gian đó chưa huy động được nguồn vốn nên năm 2015 tôi mới thành lập. Ý tưởng thành lập doanh nghiệp của tôi xuất phát từ việc, bản thân và người dân trong xã chuyển đổi, tuy nhiên thành quả làm ra hiệu quả thấp. Sản phẩm của người dân không ổn định, bị ép giá rất nhiều. Có nhiều hộ bắt cá lên bờ rồi nhưng bị ép giá nên không tiêu thụ được. Khi thành lập công ty, tôi muốn sản phẩm của người dân và gia đình tôi có chỗ đứng, có vị trí thương hiệu, cung cấp con giống tốt, thịt lợn phải đạt tiêu chuẩn”, ông Nguyễn Trường Tam khẳng định.
Ông Tam cho biết thêm: "Hiện gia đình tôi có diện tích trang trại khoảng 22.000 m2. Trên diện tích này vợ chồng tôi thành lập 2 công ty. Vợ tôi từ trước đến giờ làm nông nghiệp. Vợ chồng tôi chỉ nghĩ một điều mục đích hoạt động 2 công ty để cho 2 công ty gánh nhau trong quá trình làm ăn. Chúng tôi đầu tư lệch chiếu để hai công ty lệch vế nhau. Hiện giờ chúng tôi mới đăng ký trước, sau đó mới làm".
Tuy nhiên, khi đến trang trại nơi gia đình ông Nguyễn Trường Tam đang làm nơi thả cá, trồng trọt, chị Nguyễn Thị Kim, cháu ông Nguyễn Trường Tam, người trông nom khu đất này cho biết: “Việc vợ chồng chú Tam thành lập công ty là do có nhà đầu tư. Họ nói rằng, họ sẽ đầu tư cho anh Tam mở ao rộng ra sau đó thả cá làm sinh thái, xây dựng thêm một số hạng mục công trình, tuyển thêm công nhân, mở rộng trang trại trên”.
Tìm đến một cá nhân đăng ký thành lập công ty cổ phần môi trường xanh trên địa bàn TP Hải Dương, một người phụ nữ gần 60 tuổi, nhận mình là người thành lập doanh nghiệp này cũng khẳng định, bà là người đăng ký thành lập công ty. Tuy nhiên, để công ty hoạt động họ phải đợi vốn rót về từ nhà đầu tư là một công ty trên Hà Nội.
“Hôm trước chúng tôi mới lên trên đó họp về. Khi nào họ rót vốn, chúng tôi sẽ thuê đất để hoạt động công ty này”, người phụ nữ này khẳng định.
Sở chỉ thuyết phục, không được phép ngăn cản việc thành lập doanh nghiệp
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho biết, sau khi thấy có những biểu hiện lạ trong quá trình đăng ký kinh doanh của những công ty có tên “môi trường xanh”, Sở đã nắm bắt thông tin và trao đổi với người thành lập doanh nghiệp thì thấy có một số người nói là của công ty Rừng Toàn Cầu, vận động họ thành lập doanh nghiệp. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều tỉnh thành như Thanh Hóa, Hòa Bình...
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đã trao đổi với đại diện một số công ty và đề nghị họ không nên thành lập doanh nghiệp theo sự vận động của người khác, trong khi cảnh báo sai phạm đã khá rõ ràng. Những người được trao đổi cho biết, họ sẽ suy nghĩ, bàn bạc thêm với nhau. Họ cho biết thêm là cũng đã biết những vi phạm xảy ra trước đây mấy năm nhưng giờ thì khác, không phải thế.
|
Công văn cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo... |
|
Công văn Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương gửi đến các cá nhân tổ chức liên quan để tránh những hậu quả đáng tiếc. |
Trong công văn gửi đến các cá nhân, tổ chức liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đã nêu rõ những nhận diện thủ đoạn lừa đảo như tài trợ, làm từ thiện bằng cổ phiếu khống cho các cá nhân, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tạo tâm lý ảo tưởng cho người dân. Xin thuê đất, thu gom sổ đỏ của người dân. Tuyên truyền có nguồn tiền lớn cho hoạt động từ thiện, xây trường học, trạm y tế, tu bổ đình chùa, trợ cấp khó khăn. Vẽ ra dự án rất lớn với tương lai, viễn cảnh cho đầu ra cây trồng, vật nuôi sẽ được xuất khẩu toàn bộ với giá cao. Yêu cầu thành lập công ty để có tài khoản giao dịch, chuyển tiền. Tạo tâm lý yên tâm cho người dân khi thông tin cho người dân là các tỉnh thành trên cả nước đều đồng loạt thành lập rất nhiều các công ty như thế.
“Xác định việc thành lập doanh nghiệp là quyền của mọi tổ chức cá nhân và được nhà nước khuyến khích. Trong khi việc đề nghị cá nhân, tổ chức cân nhắc kỹ khi thành lập doanh nghiệp chỉ là biện pháp thuyết phục, không được phép ngăn cản. Mặt khác theo quy định của pháp luật, khi hồ sơ hợp lệ thì phòng đăng ký kinh doanh phải hoàn tất việc đăng ký thành lập doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được thành lập (kể từ khi được cấp mã số thuế -mã số doanh nghiệp) thì doanh nghiệp có đến lấy kết quả (bản giấy) hay không lấy kết quả thì doanh nghiệp đương nhiên đã tồn tại. Ngay cả khi người thành lập doanh nghiệp không đến lấy kết quả thì vẫn phải làm thủ tục giải thể doanh nghiệp”, vị đại diện này cho biết.
Để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, có thể ảnh hưởng đến cả tình hình an ninh trật tự của các địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đề nghị các cơ quan, ban ngành, các tổ chức cá nhân có liên quan tăng cường nắm bắt tình hình , tuyên truyền sâu rộng cho người dân biết về những hành vi, nhận diện thủ đoạn của kẻ xấu để phòng tránh. Thực hiện thực sự có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký, từ đó, giúp các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển, mặt khác, ngăn chặn và xử lý thật nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Hải Ninh