Làm bằng giả rẻ như... bèo

Google News

Chỉ cần một cú điện thoại, một click chuột, dăm ba triệu đồng là có thể có ngay một tấm bằng, ngay cả bằng Đại học...

Làm bằng giả không còn là câu chuyện mới, tuy nhiên chưa bao giờ người ta thấy tình trạng này tràn lan và công khai như hiện nay. Chỉ cần một cú điện thoại, một click chuột, dăm ba triệu đồng là có thể có ngay một tấm bằng từ trung học phổ thông (THPT) đến cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH).
Rẻ như... bèo
Thấy Vi Văn Thịnh cùng xóm trọ bỏ học lâu nay hớn hở khoe: "Em đã có bằng đại học và chuẩn bị đi làm", tôi sửng sốt ngạc nhiên. Thịnh là sinh viên một trường ĐH có tiếng ở Hà Nội, bị nợ khá nhiều môn học và 2 năm nay Thịnh vẫn chưa trả hết. Đứng trước nguy cơ không thể tốt nghiệp, Thịnh nói đã có cách để có bằng. Sau 4 ngày, Thịnh khoe với tôi một tấm bằng ĐH xếp loại khá. Theo Thịnh, cần tấm bằng dễ lắm, chỉ cần lên mạng gõ từ khóa, thì có đến hàng nghìn kết quả, hàng trăm số điện thoại nhận làm bằng.
Gõ từ khóa "làm bằng đại học", tôi choáng bởi chỉ trong vòng 2 giây có đến gần 4 triệu kết quả. Tất cả các website nhận làm bằng này đều công khai số điện thoại , email và mức giá làm bằng.
Trong vai một sinh viên bị đuổi học vì nghỉ nhiều, tôi gọi đến số điện thoại 0969554*** hỏi làm bằng của trường ĐH Tự Nhiên. Người đàn ông có tên K. nói giọng miền Nam cho biết, giá làm bằng đại học có mức chung là 7 triệu đồng, nếu làm bằng ĐH Quốc gia và ĐH Bách Khoa thì giá là 8 triệu đồng, còn cao đẳng là 6 triệu đồng. Ngoài tấm bằng chính, họ sẽ khuyến mãi thêm bảng điểm và 5 bộ photo công chứng.
Làm bằng giả được công khai tràn lan trên mạng internet. 
Tôi thắc mắc có nhận làm ở Hà Nội không, K. cho hay, mọi giao dịch sẽ gặp trực tiếp ở Hà Nội vì K. có văn phòng riêng ngoài này. "Bạn sẽ không phải nộp hồ sơ gốc và không cần tiền đặt cọc. Nếu bạn lo lắng, chúng tôi làm xong sẽ chỉ nhận một nửa tiền, hoặc các chị muốn công chứng thêm, chúng tôi sẽ đi cùng và khi nào công chứng xong chúng tôi sẽ lấy nốt phần tiền còn lại", K. nói.
Tôi tỏ ý nghi ngờ về phôi giả, người đàn ông tên K. này khẳng định, bằng sẽ có phôi thật tem thật (7 màu và có 6 cánh), nếu bị phát hiện là giả, K. sẽ hoàn trả lại tiền 100%. Hỏi về thời gian bao lâu có thể làm xong, K. nói khoảng 4 - 5 ngày nhưng nếu muốn có ngay sau một ngày thì khách phải mất thêm giá.
Thử liên lạc tới một số điện thoại khác trên trang lambangdaihocgiare***, tôi dễ dàng tiếp cận đường dây làm bằng giả do một người có tên P. điều hành. Thông tin về đường dây của người đàn ông này cũng được quảng cáo trên rất nhiều diễn đàn rao bán bằng giả. Giới thiệu về dịch vụ của mình, P. cho hay, sẽ nhận làm bằng trên cả 3 miền và làm được tất cả các loại bằng, từ THPT, CĐ, ĐH đến cả thạc sĩ, tiến sĩ. Các loại bằng này có giá dao động từ 2 - 8 triệu đồng. Mọi giao dịch sẽ gặp trực tiếp và cũng không cần phải đặt cọc trước tiền. Nếu làm nhiều, sẽ được giảm tiền.
Quản lý lỏng lẻo, luật chưa nghiêm
Lý giải nguyên nhân của hiện trạng này, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Trãi nói: "Tôi rất sửng sốt trước việc làm bằng giả tràn lan và công khai như hiện nay. Nguyên nhân có thể do đất nước ta đang chuyển mình thay đổi, từ nền kinh tế bao cấp, sang nền kinh tế tự chủ và thị trường nên những chuyện này có thể khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng không thể kiểm soát nổi như hiện nay thì thật báo động. Làm bằng giả cũng giống như làm tiền giả, thậm chí còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần".
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, để ngăn chặn tình trạng này, thì quy trình cấp phát phôi bằng tại các trường ĐH, CĐ cần phải chặt chẽ hơn, không thể phát phôi bằng một cách tùy ý. Ngoài ra các trường cần phải có hồ sơ lưu, giấy tờ lưu, hồ sơ ra trường cần phải có bảng điểm rõ ràng, và phải công khai danh sách các sinh viên tốt nghiệp, được cấp bằng lên website.
"Cần phải tạo dư luận xã hội tốt như trong vụ hôi bia ở Đồng Nai vừa qua, phải làm thế nào để những người có nhu cầu làm bằng giả thấy xấu hổ với bản thân mình mà bỏ ý định này. Để xảy ra tình trạng như hiện nay, tôi thật sự lo ngại về kỷ cương luật pháp nước nhà", PGS.TS Nguyễn Văn Nhã nói.
Theo luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên (Đoàn Luật sư Hà Nội): "Tuy luật đã đầy đủ quy định và chế tài để xử lý hành vi này, nhưng theo tôi các mức xử phạt này quá nhẹ, không đủ sức răn đe, không tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả hành vi vi phạm. Rất ít trường hợp cơ quan chức năng xử lý về hình sự đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ. Chế tài xử lý chưa nghiêm, theo đó vì lý do lợi nhuận mà họ bất chấp và "nhờn" luật như hiện nay".
Luật sư Nguyên cho biết, tại Điều 267 BLHS quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù đến 7 năm. Việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả.
Không chỉ luật chưa đủ sức răn đe, theo ông Nguyên, để tình trạng làm bằng giả công khai như "kinh doanh ở chợ" hiện nay đó là do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề giáo dục, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ... Đề xuất giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Nguyên, quan trọng nhất cần phải tăng mức xử lý đối với tội phạm này.
Bộ trưởng bộ Giáo dục thừa nhận việc mua bán bằng cấp
Trước thực trạng nhức nhối này, mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đạo tạo Phạm Vũ Luận cũng đã thừa nhận việc mua bán bằng cấp có diễn ra và cơ quan chức năng cũng đã phát hiện ra nhiều vụ việc.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiến hành công khai danh sách học sinh, sinh viên của mình tốt nghiệp phổ thông, thạc sĩ, tiến sĩ trên phương tiện đại chúng. Theo đó, các cơ quan quản lý sử dụng lao động sẽ có điều kiện để kiểm tra đối chiếu. Tuy nhiên, việc cập nhật dữ liệu của học sinh, sinh viên mới được làm những năm gần đây. Trường hợp tốt nghiệp 30 năm trước thì sẽ được cập nhật dần dần vì Bộ chưa đủ kinh phí và tiềm lực công nghệ thông tin.
Theo Đời Sống Pháp Luật