Lắp đặt radar tại Gạc Ma: Tướng Lê Mã Lương “vạch mặt” Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc có thể không chỉ lắp đặt một trạm radar, mà có thể là nhiều trạm radar khác. Mục đích của việc làm này là kiểm soát vùng không lưu.

Mới đây, tờ Kanwa Defense Review có trụ sở ở Canada thông tin về việc Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.Theo đó, ngoài việc xây dựng một đường băng dài 2.000 m, Trung Quốc còn đặt một trạm radar  trên đảo Gạc Ma nhằm biến nơi đây thành căn cứ quân sự
 
Mô hình đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây ở Gạc Ma. Ảnh: gywb.cn.
Với những hành động ngang ngược trên, Trung Quốc đang diễn tiếp âm mưu gì? Kiến Thức đã có cuộc đối thoại với Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ biển Đông
- Thiếu tướng nhận định sao về việc Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép ở đảo Gạc Ma?
- Trước đây, tôi từng nhìn nhận mối lo lắng của chúng ta không phải là việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, mà chính là những động thái của Trung Quốc ở đảo Gạc Ma. Bởi từ Gạc Ma vào TP HCM chỉ 800 km, đường bay từ đảo Gạc Ma, Phú Lâm, Chữ Thập có thể khống chế các khu vực phòng thủ của mình. Việc này cực kỳ nguy hiểm. Sau động thái xây dựng sân bay nhân tạo ở Gạc Ma, Trung Quốc tiếp tục xây dựng sân bay nhân tạo tại đảo Chữ Thập. Nếu hoàn thành thì sẽ là mối lo ngại của hệ thống phòng thủ quốc phòng của ta. Bởi vì nó sẽ thành một cụm từ Gạc Ma, Phú Lâm, đảo Chữ Thập, từ đây Trung Quốc có thể triển khai các máy bay tân tiến như Su-30, J-11 và J-10 mà không phải tiếp dầu ở trên không.
- Trung Quốc có thể lắp đặt trạm radar trên Gạc Ma của Việt Nam, điều này vạch trần mưu đồ gì?
- Trung Quốc có thể không chỉ lắp đặt một trạm radar, mà có thể là nhiều trạm radar khác. Mục đích của việc làm này là kiểm soát vùng không lưu. Nếu lắp đặt hệ thống radar, Trung Quốc có thể nắm được hoạt động của tàu ngầm Việt Nam và bộ đội của ta trên các đảo của Việt Nam.
Những hành động trái phép trên Gạc Ma thể hiện sự ngang ngược của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận quốc tế; phản ánh bản chất cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc; thể hiện tham vọng độc chiếm biển Đông, mở đường ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương để thực hiện mưu đồ đế quốc biển.
 Thiếu tướng Lê Mã Lương.
- Những động thái ngang ngược trên của Trung Quốc không chỉ là mối lo lắng của Việt Nam mà còn cả các nước trong khu vực Đông Nam Á có biển cũng như một số nước có vùng biển đang tranh chấp với Bắc Kinh?
- Đúng vậy, những động thái đó không chỉ đe dọa Việt Nam mà còn đe dọa cả các nước Đông Nam Á bởi Trung Quốc đang thể hiện ý đồ muốn kiểm soát toàn bộ vùng biển Đông Nam Á cho đến eo biển Malacca, kể cả tình hình với Nhật Bản ở vùng biển đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
- Các nước trong khu vực và thế giới sẽ phản ứng ra sao?
- Hiện nay, bản thân Trung Quốc đang phải chịu ảnh hưởng “đòn” ngoại giao của Mỹ, Ấn Độ…Nước này cũng đang bị ảnh hưởng nhiều về vấn đề uy tín, nhất là khi Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Tất nhiên, các nước sẽ không đứng nhìn Trung Quốc muốn làm gì thì làm.
Việt Nam cần đối phó như thế nào?
- Quay trở lại với vấn đề của Việt Nam, trước những hành động ngang ngược ấy của Trung Quốc, chúng ta cần làm những gì?
- Việt Nam phải đấu tranh ngoại giao, làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại. Thời gian qua, Trung Quốc huy động bộ máy tuyên truyền đồ sộ để "biến không thành có" như việc Trung Quốc cho rằng tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc mà thực tế thì ngược lại, chính tàu họ đâm tàu Việt Nam. Tuy sự thật đã chứng minh, nhưng Trung Quốc nói nhiều, thế giới sẽ có nước tin.
Việt Nam cần thắt chặt khối đoàn kết toàn dân, quyết liệt trên con đường ngoại giao để Trung Quốc phải chùn chân trong hành trình thực hiện những âm mưu sai trái. Cùng với đó, chúng ta phải chuẩn bị các phương án khi thấy dấu hiệu nguy hiểm, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Hiện, Bộ Quốc phòng đã có những biện pháp đấu tranh tích cực trên mặt trận ngoại giao và nhiều mặt trận khác. Tôi tin chúng ta sẽ làm Trung Quốc phải chùn bước tham vọng.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Hải Ninh