Gọi là “lò” luyện cao hổ cốt, nhưng thực tế, “lò” luyện của lão T. “cụt” chính là gian bếp với một vài cái nồi lớn nhỏ dùng để “chế tác” cao hổ. Tuy nhiên, nếu không tận mắt theo dõi quy trình nấu cao hổ, thì những lầm tưởng về “thần dược” cao hổ cốt vẫn mãi làm u mê nhiều người.
Cao hổ cốt “nêm” thuốc phiện
Tại căn bếp nhà T “cụt”, người đàn ông tên A.T lôi ra một chiếc bao, bên trong chứa đủ thứ xương, trong đó có cả những khúc xương mới hôm qua đem ra giới thiệu với chúng tôi. A.T sau đó mang chúng đi rửa sạch, xếp toàn bộ vào xung quanh nồi, chừa lại một khoảng trống ở giữa.
Thấy số lượng xương nhiều, tôi thắc mắc. A.T tỏ ngay thái độ khó chịu và đưa lời cảnh báo: “Trong lúc luyện cao không được hỏi nhiều, mất linh nghiệm. Chú muốn hỏi gì thì ra ngoài mà hỏi anh T. (T. “cụt”- PV).
|
Phía sau những miếng cao hổ cốt tiềm ẩn ất nhiều những mối hiểm nguy khó lường. |
Bắc bếp một lát, A.T dùng cái muôi lớn, múc nước sôi sùng sục trong nồi tưới lên đống xương, miệng nói: “Phải canh lửa vừa đủ, để đúng bảy ngày, bảy đêm, cao mới hút hết sinh khí của trời đất. Lúc đó, cao hổ cốt mới trở thành bài thuốc danh bất hư truyền mà các chú vẫn hay nghe”.
Theo lời của A.T, cứ đun 24 tiếng sẽ phải chắt lấy nước một lần. Nước đó cho vào nồi nhỏ hơn, đun tiếp. Lúc này phải đun lửa nhỏ và khuấy liên tục đến khi cô đặc lại mới thôi.
Mọi chuyện có lẽ sẽ không có gì nếu như A.T không tiết lộ 1 bí mật động trời. Theo đó, đến ngày cuối cùng (tức ngày thứ 7) của quá trình luyện cao, chủ sẽ bỏ ra 2 triệu đồng mua thuốc phiện và cho vào nấu cùng cao hổ.
Thấy chúng tôi mắt tròn mắt dẹt, A.T giải thích: “Thuốc phiện là chất dẫn đường đưa cao hổ đến với cơ thể con người nhanh hơn. Nó cũng là chất chống bị đau bụng đi ngoài dành cho những người yếu bụng”.
Những vị khách lạ mặt và sự tích hổ gốc… chó
Gần một tuần bám sát lò nấu cao hổ cốt chui của lão T. “cụt” từ sáng sớm tới đêm muộn, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những vị khách lạ mặt chưa một lần gặp, ngay cả trong “đại hội võ lâm” tại nhà lão. Đáng nói, những vị khách lạ đến và đi đều rất vội vàng.
Đến buổi sáng ngày thứ 3, khi đang ăn sáng trong một cửa hàng không xa khu nấu cao của lão T., chúng tôi vô tình ngồi cùng hai vị khách chạc tuổi ngũ tuần. Chúng tôi giới thiệu đi mua cao hổ về chữa bệnh cho người nhà và hỏi hai vị đến đây có việc gì? Ban đầu, 2 vị này giấu giếm, nhưng sau đó, người đàn ông cao to tên N. thủ thỉ cho biết, ông đến đây lấy tiền bán xương chó béc giê và tiểu hổ (mèo đen) cho một vị nấu cao hổ gần đây.
Theo lời người đàn ông này, những gì chúng tôi chứng kiến ở lò nấu cao chỉ là một màn kịch đã được tập dượt sẵn, rất tinh vi và nếu không phải người trong cuộc thì gần như không thể phát hiện.
|
Phần lớn thịt - xương hổ để nấu cao đều là xương của chó becgie. |
“Phần lớn khách mua cao hổ không phải vì bệnh tật, mà để bồi bổ cái này cái kia. Và khi ăn uống loại cao đó vào, 100% đều khen ngợi, nào là xịn, nào là thần dược… Nhưng thực tế đó là một trò lừa bịp, thất nhân, thất đức” – người đàn ông này khẳng định.
Ông này cho biết thêm, bản thân đã mở quán thịt chó - mèo được gần 10 năm nay. Hàng ngày, cứ có xương chó lớn và mèo đen là để riêng ra, để cho vài ông nấu cao hổ.
Uống chén rượu, ông hà một hơi rồi khuyên chúng tôi về đưa người nhà đi bệnh viện điều trị, không nên trông chờ vào mẻ cao hổ, kẻo tiền mất tật mang.
Trả vờ không tin những gì người đàn ông này nói, chúng tôi lấy dẫn chứng đã tận mắt được vợ chồng lão T. cho xem cả tảng thịt hổ lớn, xương hổ… ông ta cười khanh khách và nói: “Đồ dởm hết đó. 99% các lò nấu cao sử dụng xương chó bẹc giê, xương trâu, bò, mèo; nếu ngon lắm mới sử dụng đến xương sơn dương và nai…”
Tuy nhiên, người đàn ông này bật mí, việc biến xương chó becgie thành xương hổ, cũng cần phải có tay nghề. Và để làm được điều này, sau khi lọc thịt xong, các “cao thủ” sẽ luộc kỹ mớ xương chó, sao cho vữa trôi đi, chỉ còn lại thịt gân bám vào thành xương. Chỗ xương này được đem phơi khô khoảng chục nắng sẽ được đem đi chế tác.
Đây là công đoạn cuối cùng hong “bịt mắt” khách hàng để họ tin rằng, thứ xương – thịt hổ mình tận mắt nhìn thấy là hàng thật trăm phần trăm.
Những kẻ “chế tác” biến xương chó mèo thành xương hổ chẳng khác nào những tay thợ mộc có nghề. Họ tiến hành khoan, giũa, mài và đánh bóng các mớ xương sao cho giống xương hổ.
Ông N cho biết: “Để giảm sự nghi ngờ của khách, nhiều khi tôi còn nhờ bắn một lỗ trên đỉnh đầu con vật để chứng minh con hổ gốc… chó này bị hạ bởi phát súng thiện xạ của tay thợ săn chuyên nghiệp”.
Theo Người đưa tin