Đại Lải là một hồ nước nhân tạo khổng lồ nằm trên địa bàn hai xã Ngọc Thanh và Cao Minh thuộc thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc), cách Thủ đô Hà Nội 50km về phía Bắc. Hồ Đại Lải rộng hơn 500ha với tổng dung tích 34,5 triệu m³ ở mức cốt tràn của đập là 23m. Từ khi hồ Đại Lải được hoàn tất và đi vào hoạt động đã cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hàng ngàn hécta đất canh tác của huyện Bình Xuyên, thị xã Phúc Yên và huyện Mê Linh, Sóc Sơn (Hà Nội).
Thợ đào đắp hồ cũng chết 2 người
Ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết, năm 1959 hồ được khởi công và đến năm 1963 thì hoàn thành. Thời gian đó, có khoảng 3.000 thanh niên xung phong của các tỉnh đã tham gia đào đắp hồ Đại Lải. Vì lúc ấy, máy móc chưa có nhiều, đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh nên hầu hết các công việc nặng nhọc đều được làm thủ công.
Ông Vũ Đức Thắng, 70 tuổi là người địa phương đang bán hàng nước ven hồ Đại Lải cho biết: "Hồ này nguyên là một thung lũng đông đúc dân cư, người xưa gọi đó là làng Đồng Thông. Khi dự án làm hồ được thực hiện thì người dân làng này phải chuyển đi nơi khác. Sau đó, người ta đắp chặn 3 dòng suối chảy từ Tam Đảo và Thái Nguyên chảy về, đồng thời đắp đập quanh thung lũng để tạo thành hồ chứa nước".
|
Hồ Đại Lải vắng khách vì tin đồn. |
Theo ông Thắng và nhiều cao niên địa phương, thời kỳ thi công đắp đập hồ Đại Lải có 2 người thiệt mạng do trượt chân ngã xuống dưới. Dựa vào điều này nên nhiều người cố gán ghép "dớp bắt người" vào tin đồn để hù dọa nhau. Đồng thời, vì con em địa phương hay ra hồ tắm nên phụ huynh sợ bất trắc nên tạo ra chuyện ma mãnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người dân làng Đồng Thông xưa chuyển về sinh sống ở ven dãy núi Tam Đảo. Một phần chuyển về các làng phụ cận thuộc Thái Nguyên. Từ khi ngôi làng chìm xuống đáy hồ, đến bây giờ di tích duy nhất còn lại là chùa Thông trên đảo Cò.
Đảo Cò rộng 3ha, trước đây là một ngọn đồi khá cao. Người dân cho đây là đất long mạch nên xây chùa Thông trên đó. Từ khi hồ Đại Lải đi vào hoạt động, ở đảo Cò xuất hiện rất nhiều chim chóc quý. Tuy nhiên, chùa Thông chỉ còn lại mỗi nền móng cũ do bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh.
|
Bãi tắm của khu du lịch hồ Đại Lải. |
Năm nào cũng "bắt người"
Người dân ở xã Ngọc Thanh khẳng định, năm nào cũng có người chết ở hồ Đại Lải. Thậm chí, không chỉ một người mà có năm lên tới vài ba người thiệt mạng tại khu du lịch nổi tiếng này. Năm 1978, xảy ra một vụ vỡ đập kinh hoàng cuốn trôi làng An Đồng của xã Ngọc Thanh. Rất may trong vụ việc đó không có ai thiệt mạng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều khách du lịch đến đây nhưng không dám xuống hồ tắm, đạp vịt hoặc đi xuồng ca nô để tham quan lòng hồ. Sở dĩ họ sợ vì tin đồn mỗi năm Hà Bá phải "bắt" vài ba người thì tình hình mới yên.
Trong trí nhớ của ông Vũ Đức Thắng, ngay từ những năm 1996 khi tỉnh Vĩnh Phúc chọn Đại Lải làm khu du lịch thì đã xảy ra những vụ chết đuối trên hồ. Trong số đó có cả Việt Kiều, diễn viên, bộ đội... và số nhiều nạn nhân là những người không biết bơi.
|
Ông Thắng cho biết khu vực vỡ đập năm 1978. |
Ngày 11/8/2007, nhân viên đạo cụ trong đoàn làm phim "Nhật ký Vàng Anh" đã bị chết đuối trong khi đang thực hiện nhiệm vụ. Hai năm sau, 3 sinh viên của Khoa Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội đạp vịt trên hồ Đại Lải đã bị lật, 2 người trong số đó thiệt mạng.
Mới đây nhất, vào năm 2013 người dân đã phát hiện một thi thể nam thanh niên lập lờ giữa hồ. Công an địa phương đã xác định danh tính người xấu số là anh Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1995, thường trú tại xã Bá Hiến (thị xã Phúc Yên). Nhiều người cho rằng, thanh niên này đã tự tử trên hồ Đại Lải vì thất tình.
|
Bia Lịch sử ghi tỉ mỉ về hồ Đại Lải. |
Tin đồn vô căn cứ
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho hay: "Những thông tin liên quan đến việc hồ Đại Lải "bắt người" là vô căn cứ. Bởi một số nạn nhân được phát hiện chết tại hồ là do bị giết và kẻ thủ ác đưa đến Đại Lải để phi tang".
Một trong những vụ việc được ông Dũng dẫn chứng vào năm 2012 khi người dân phát hiện xác một người phụ nữ nổi trên mặt hồ trong tư thế nằm sấp. Sau khi khám nghiệm tử thi, cơ quan xác định nạn nhân bị giết ở một nơi khác và hung thủ đã đem xác đến Đải Lải để phi tang chứng cứ.
Một số trường hợp xấu số khác được ông Dũng cho biết là bị tâm thần hoặc uống rượu say nên không làm chủ được hành vi. Tuyệt nhiên không có chuyện hồ Đại Lải có "dớp bắt người" như dư luận đồn thổi. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận: "Hầu như năm nào cũng phát hiện xác chết trên hồ Đại Lải".
Đề cập đến trách nhiệm của Ban Quản lý khu du lịch Đải Lải, người dân địa phương cho rằng, năng lực hoạt động rất yếu kém và thiếu trách nhiệm. Chúng tôi đã trực tiếp đến trụ sở Ban Quản lý nhưng cán bộ văn phòng Trần Đức Mạnh cho biết, lãnh đạo đi họp, không thể trả lời phỏng vấn. Đồng thời, anh Mạnh cũng yêu cầu phóng viên ghi nội dung câu hỏi để chuyển lãnh đạo trả lời trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, điều đáng nói là anh Mạnh cũng không rõ họ tên đầy đủ của lãnh đạo Ban Quản lý khu du lịch Đại Lải là gì. Anh chỉ cho biết, bãi tắm của khu du lịch Đại Lải rộng 150m và có giới hạn phao cảnh báo cho khách du lịch. Đồng thời, có nhân viên cứu hộ túc trực đề phòng nguy hiểm.
"Nhiều người đến hồ Đại Lải tham quan còn sợ có thủy quái. Tôi mới chỉ biết con cá mè to nhất ở hồ mà người dân nổ mìn bắt được nặng 52kg. Còn những loại cá khác người ta câu được tầm 20 - 30kg mà thôi. Nhiều khách đến đây không dám tắm vì sợ thủy quái ăn thịt. Tôi nghĩ đó chỉ là tin đồn thất thiệt hoặc tưởng tượng mà ra".
Ông Vũ Đức Thắng (người dân địa phương)
"Tôi khẳng định là không có chuyện hồ Đại Lải có "dớp bắt người" như tin đồn. Đó chỉ là những quan niệm mang tính mê tín dị đoan. Tất nhiên chuyện nhiều người chết đuối trên hồ Đại Lải là có, nhưng đó chỉ là những tai nạn do bất cẩn gây ra mà thôi".
Ông Lê Văn Dũng (Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh)
Trần Hòa