Luật sư yêu cầu triệu tập Bộ Tài chính vụ Vifon

Google News

Sáng 21/11, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon).

Dù xác định các bị cáo gây thất thoát hơn 18,2 tỉ đồng tiền nhà nước và của các cổ đông, nhưng tất cả 5 bị cáo của vụ án đều được tại ngoại. Đặc biệt, ngay trong phần thủ tục, đại diện Bộ Công thương (tòa xác định là nguyên đơn dân sự, bị hại của vụ án) từ chối tư cách là nguyên đơn dân sự và cho rằng “chỉ tham gia với tư cách đơn vị quản lý chuyên ngành để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý”. Còn nguyên đơn dân sự thứ 2 là Bộ Tài chính thì vắng mặt ở phiên tòa. Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Phó tổng giám đốc Vifon) cho rằng việc từ chối và vắng mặt nguyên đơn dân sự như trên ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Do Bộ Công thương từ chối làm nguyên đơn dân sự, luật sư Hoài yêu cầu triệu tập Bộ Tài chính để đơn vị này xác định yêu cầu bồi thường thiệt hại. “Nếu không có thiệt hại thì không thể quy kết các bị cáo tham ô, cố ý làm trái...”, luật sư Hoài nói.
 Các bị cáo tại tòa.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định sẽ tiếp tục triệu tập Bộ Tài chính và qua phần thẩm vấn sẽ xác định tư cách ai sẽ là nguyên đơn dân sự (cơ quan bị thiệt hại) trong vụ án. Đây là trường hợp khá hy hữu và tòa án phải đợi đến quá trình thẩm vấn mới có thể xác định cơ quan bị thiệt hại trong vụ án này.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố Nguyễn Thanh Huyền về các tội “tham ô” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vifon) về các tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái...”; Đàm Tú Liên (nguyên kế toán trưởng), Dương Thị Mẫn (nguyên kế toán thanh toán) và Ca Thị Thu Hồng (nguyên thủ quỹ) cùng bị truy tố về tội “cố ý làm trái...”. Theo cáo trạng, từ 2002 - 2006, lợi dụng giai đoạn Vifon trong quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, Nguyễn Bi và Nguyễn Thanh Huyền chỉ đạo cấp dưới hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn để lấy tiền nhà nước và cổ đông, đưa vào huy động vốn cho cá nhân rồi rút ra chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn 18 tỉ đồng của nhà nước và các cổ đông khác.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Bi và Nguyễn Thanh Huyền cho rằng cáo trạng truy tố không có cơ sở. Theo hai bị cáo, nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn trong chia thưởng và cũng liên quan đến số tiền chia thưởng; trong khi đó khoản tiền chia thưởng đã có chỉ đạo từ Bộ Công thương...
Phiên tòa dự kiến kéo dài từ 21 đến 26/11. Hôm nay, tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
Theo Thanh Niên