Mảnh đất xé toạc tình thân

Google News

(Kiến Thức) - Vợ chồng cụ Võ Văn Sửu có hơn 24.000m2 đất tại xã Đăng Hưng Phước, Tiền Giang.

 Ảnh minh họa.
Cụ Sửu chia và sang tên rõ ràng cho các con, cháu. Trong số đó, cụ chia cho cháu nội Võ Thanh Phương nhiều hơn với tổng số 12.658m2 đất. Gần 10 năm sau ngày hai cụ nhắm mắt xuôi tay thì con cháu cụ kiện tụng tranh chấp đất, đưa nhau ra Tòa. 
Võ Thanh Phong khởi kiện Võ Thanh Phương (anh em con chú con bác, cùng là cháu nội cụ Sửu), yêu cầu Phương chia một phần đất đang sử dụng cho mình và bà cô Võ Kim Lang (con gái cụ Sửu, cô ruột của Phong, Phương). Tòa sơ thẩm đã chấp nhận một phần khởi kiện. Phương phải chia đất lại. Tuy nhiên thấy chưa ổn thỏa, Phong kháng cáo.
Là anh em, cô cháu ruột thịt, nhưng tại Tòa họ nhìn nhau với ánh mắt hằn học, đầy toan tính. Phong cho rằng: "Cùng là cháu, nhưng ông nội chia cho Phương nhiều đất hơn cả đó là điều bất thường, vô lý!". Bà Kim Lang thì nói: "Khi đó cha tôi đã 90 tuổi, lẩm cẩm, nên sẽ có nhầm lẫn trong việc chia đất". Anh Phương khẳng định: "Vợ chồng tôi chăm, nuôi ông bà nội, ông nội đã lên UBND xã ký giấy sang số đất trên cho tôi và tôi cũng ký giấy cam kết chăm nuôi ông bà suốt đời, lúc đó anh Phong và cô Kim Lang đều biết, không tranh chấp gì". 
Nghe họ phân bua, đại diện Viện Kiểm sát cất lời: "Các vị là anh em, cô cháu một nhà. Hồi môn ông bà để lại là hồng phúc của đại gia đình, lẽ ra phải biết trân trọng, nếu có gì chưa phân minh, gia đình cũng có thể ngồi lại với nhau tìm giải pháp hợp lý. Đằng này, đã đưa nhau ra luật pháp, người chưa được đã được rồi, người có đã đồng ý chia rồi, mà cũng chưa bằng lòng, vẫn gay gắt phân tranh nữa sao?". Xét thấy còn một số tình tiết cần làm rõ, tòa phúc thẩm đã quyết định hoãn phiên. 
11h trưa, cơn mưa bất chợt ào ào đổ xuống sân tòa. Mặc mưa gió, tiếng những đứa cháu vẫn hằn học nguyền rủa bà cô: "Đất cha mẹ cho bán đi ăn hết rồi, nay quay sang đòi phần của cháu...", bà cô đầu hai thứ tóc thì cười khẩy chắc thắng, vì đó là tài sản của cha mẹ mình. 
Một đời chắt chiu dành cho con, cháu có chút mưu sinh, đâu ngờ vì của hồi môn mà con cháu họ xa lìa nhau, thành thù hận. Phận con, cháu được hưởng phước phần, phải chi họ biết trân trọng mồ hôi, công sức của ông bà để lại thì đâu nên nỗi mảnh đất xé toạc tình thân!. 
Hương Nguyên