Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đang dần tháo gỡ những nút thắt, khó khăn trong vấn đề cho người nước ngoài mua nhà. Theo đó, thay vì chỉ được sở hữu nhà chung cư trong thời hạn 50 năm, Bộ Xây dựng muốn cá nhân, tổ chức người nước ngoài tới đây sẽ được sở hữu không hạn chế về số lượng và loại hình nhà ở thương mại trong dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới hay bất động sản du lịch. Theo các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản, việc “cởi trói” này mang lại rất nhiều cái lợi cho thị trường địa ốc nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.
Ông Bùi Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), cho hay, với cương vị là lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản, ông rất ủng hộ việc nhà nước mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Với riêng thị trường bất động sản, việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, giải phóng hàng tồn kho và tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển trong tương lai.
|
Việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà sẽ làm tăng thêm lượng cầu cho thị trường, và điều quan trọng hơn là đây là lượng cầu có khả năng thanh toán. |
Ông Thắng phân tích, hiện thị trường bất động sản trong nước đang thừa cung và thiếu cầu. Việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà sẽ làm tăng thêm lượng cầu cho thị trường, và điều quan trọng hơn là đây là lượng cầu có khả năng thanh toán. Điều này rất quan trọng với thị trường bất động sản vốn có tỷ lệ nợ xấu khá lớn từ trước tới nay.
Để minh họa cho việc này, ông Thắng cho biết, tại Sacomreal, từ trước tới giờ doanh nghiệp bán được khoảng 10 căn hộ cho khách hàng là người nước ngoài. Tất cả họ đều thanh toán đứt theo từng đợt đóng tiền, không dùng đến một công cụ hỗ trợ tài chính nào, không vay mượn ngân hàng. “Nếu chính sách cho người nước ngoài mua nhà của nước ta thông thoáng hơn thì hiện số lượng khách nước ngoài mua nhà tại các dự án của doanh nghiệp chúng tôi cao hơn con số kia nhiều. Tại Sacomreal, hiện tỷ lệ người nước ngoài mua nhà chỉ chiếm 1-3% vì hiện luật vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế khiến họ chùn chân” ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà là tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền đầu tư, làm ấm nền kinh tế Việt Nam và phần nào đó giúp phá băng thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, việc này còn giúp người nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia cư trú lâu dài, ổn định để yên tâm công tác tại Việt Nam. Khi chuyên gia nước ngoài được mua nhà thì họ sẽ an tâm làm việc vì đã ôn định cuộc sống ở Việt Nam. Như vậy việc này sẽ thu hút các chuyên gia từ nước ngoài về Việt nam hoặc cả các chuyên gia khi hết thời hạn vẫn muốn ở lại nước ta sinh sống và làm việc.
“Bất động sản đâu có di chuyển, đem đi được, nên chúng ta không sợ bán nhà cho người nước ngoài có nghĩa là mất đất. Vậy vì sao chúng ta không đưa ra những cơ chế thông thoáng hơn trong việc cho người nước ngoài mua nhà?”, ông Thắng nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho hay, có thể nói, một trong những nút thắt lớn nhất đối với người nước ngoài khi muốn mua nhà tại Việt Nam chính là thủ tục quá rườm rà, trong khi tâm lý người nước ngoài rất ngại vấn đề này. Họ chưa thật sự yên tâm về pháp lý, về quyền sở hữu khi bỏ tiền ra để mua nhà, vì quy định hiện tại người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chỉ được sở hữu tối đa 50 năm.
“Bên cạnh đó, điều kiện để người nước ngoài mua nhà cũng quá khắt khe, đối tượng cũng bị thu hẹp khiến sức mua còn yếu, chưa tạo được sức lan tỏa, khó tác động đến phá băng thị trường. Tôi đã từng gặp rất nhiều chuyên gia nước ngoài có quá trình làm việc tại Việt Nam lâu dài, có đủ các điều kiện để mua nhà ở nhưng vẫn chấp nhận ở nhà thuê vì “bó tay” trước sự nhiêu khê, rườm rà khi làm thủ tục. Có một thực tế là trong 5 năm qua, con đường ngắn nhất để người nước ngoài sở hữu một căn nhà ở Việt Nam là… kết hôn với công dân Việt. Cụ thể trong 126 trường hợp người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở tại Việt Nam từ trước đến nay có đến 108 trường hợp thông qua kết hôn với công dân Việt”, ông Đực cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà sẽ một phần thúc đẩy thị trường bất động sản ấm lên. Hiện thị trường bất động sản đang ảm đạm do chủ đầu tư thiếu vốn triển khai, nếu chúng ta mở rộng quyền của người nước ngoài thì sẽ tạo ra một nguồn vốn mới để làm ấm lại thị trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay đang tiến hành hội nhập vào nền kinh tế thế giới, hiện có hơn 150.000 người nước ngoài vào Việt Nam cư trú và đầu tư, nếu chúng ta mở cửa thị trường, cũng tạo ra một nguồn vốn mới và cũng tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài có chỗ ở khi kinh doanh tại Việt Nam. Việc mở rộng quyền sở hữu nhà cho người nước ngoài tác động trực tiếp đến việc thu hút đầu tư nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam.
Đây là nguồn lực tài chính lớn đổ vào thị trường bất động sản đang đóng băng và thiếu vốn của Việt Nam. Đó là dòng tiền của những người nước ngoài có nhu cầu thực về nhà ở lâu dài tại Việt nam. Khi dòng tiền nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản thì thúc đẩy cả những ngành nghề liên quan phát triển như xây dựng, vật liệu xây dựng… Khi thị trường đầu tư của Việt Nam ấm lên thì lại thu hút các nguồn lực đầu tư khác từ nước ngoài.
Việt Nam có hơn 2 triệu kiều bào sinh sống và làm việc ở nước ngoài, Việt kiều và người nước ngoài nhiều người đều có mong muốn được sở hữu nhà tại Việt Nam, quy định cho người nước ngoài và Việt Kiều mua nhà sẽ giúp kiều bào hợp pháp hóa những ngôi nhà và mảnh đất mà trước đây họ đã nhờ người thân đứng tên.
Về lĩnh vực du lịch, việc gỡ nút thắt cho người nước ngoài mua nhà, nhất là ở những khu du lịch, nghỉ dưỡng như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc... sẽ là yếu tố cực kỳ thu hút khách ngoại qua Việt Nam du lịch.
“Như vậy, việc gỡ các nút thắt để cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam mang tới rất nhiều cái lợi, nên tôi rất mong muốn thời gian tới Quốc hội sẽ thông qua những dự luật này”, ông Thành nói.
Minh Hiếu