Theo ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh), trong những lần tiếp xúc cử tri đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhận được phản ánh và câu hỏi của cử tri quanh chuyện "một con gà thịt cõng 14 loại phí" kiểm dịch và “nghịch lý” thu phí theo từng quả trứng trước khi tới tay người tiêu dùng.
“Nếu đây là sự thật thì sẽ gây khó khăn và hệ luỵ trong vấn đề chi phí sản xuất, lưu thong của người nông dân. Xin hỏi Bộ trưởng phản ánh của cử tri có đúng thực tế hay không và trách nhiệm của Bộ trưởng trước thực trạng phí kiểm dịch chồng chéo như thế nào?” – ĐB Đương đặt câu hỏi.
Cụ thể, một con gà đang “gánh” tới 14 loại phí, lệ phí như: kiểm dịch gà con mới nở, cấp giấy kiểm dịch xuất khẩu gà khỏi trang trại ngoài tỉnh, kiểm soát giết mổ, tiêu độc, khử trùng... Quá trình chăn nuôi, các cơ sở phải lấy mẫu nước để kiểm tra xem có bệnh gì trên gia cầm không cũng phải đóng phí....
|
ĐBQH Đỗ Văn Đương đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình và làm rõ trách nhiệm chuyện một con gà "cõng" 14 loại phí |
Trả lời câu hỏi của ĐB Đương, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, ông đã nghe phản ánh thực tế này từ các đoàn ĐB và đã cử Cục trưởng Cục Thú y và đoàn công tác về địa phương kiểm tra.
“Sau khi đoàn công tác kiểm tra tại địa phương có về báo cáo lại, thì đúng là có nhiều khoản mục phí khác nhau, nhưng về cơ bản cơ quan thú y thực hiện quy định của pháp luật hiện hành chứ không sai và không có vấn đề khuất tất ở đây”- ông khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phát khẳng định, luật pháp hiện hành có những điểm bất hợp lý thì sẽ kiến nghị để sửa. Đơn cử, quy định về việc thu phí kiểm dịch theo số quả trứng. “Tôi không đồng ý thu phí theo quả trứng, kiểm dịch thú y chỉ được thu tại nơi quả trứng xuất phát và chỉ thu 1 lần. Thu phí cũng phải hợp tình hợp lý, chứ đếm từng quả trứng mà thu là không được. Vì thế, tôi đã có công văn gửi Bộ Tài chính để cùng nhau sửa những bất cập của Thông tư này, nhằm giảm sự phiền nhiễu, chi phí cho người dân”- vị trưởng ngành nông nghiệp giãi bày.
Cắt ngang dòng trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, “phải huỷ ngay quy định này, sau đó sẽ sửa đổi Thông tư sau. Điểm nào không hợp lý thì phải sửa ngay”.
Đáp lại lời Chủ tịch Quốc hội, ngay tại nghị trường Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã trực tiếp đề nghị Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ra thông báo dừng thi hành Thông tư quy định về phí thú y này từ tuần sau.
Tham gia giải trình thêm tại phiên chất vấn sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính không “đáp lại” lời yêu cầu của Bộ trưởng Cao Đức Phát về thu phí thú y, mà ông lại giải trình về ngân sách dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong những năm vừa qua, trung ương và địa phương đã tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tốc độ tăng chi cho nông nghiệp nông thôn tăng cao hơn so với tăng chi ngân sách Nhà nước (NSNN).
Năm qua tăng chi cho nông nghiệp, nông thôn 20,1%/năm, trong khi tăng chi ngân sách nhà nước 16,1%/năm. Và tỷ lệ chi cho nông nghiệp, nông thôn trong tổng chi ngân sách nhà nước tăng từ 32,8% năm 2008 lên 41,3% năm 2013 và năm 2015 là 41,8%/năm.
Chính sách tài chính với nông nghiệp nông thôn có nhiều chính sách từ hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp qua chính sách thuế. “Trong tình hình NSNN khó khăn, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn như vậy tôi cho là thỏa đáng”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận xét.
Về hỗ trợ lúa cho đồng bằng sông Cửu Long, ông Dũng cho biết thêm, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các địa phương. Đến nay đã có Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang và Cà Mau đã có báo cáo và bộ đã chi cho các địa phương 55,5 tỷ đồng. Các địa phương chưa có báo cáo thì bộ sẽ xử lý tiếp theo, khi có báo cáo của các địa phương sẽ xử lý ngay.
Theo Infornet