Trong chuyến công tác tại các huyện miền núi Thanh Hóa, PV đã có dịp lắng nghe những câu chuyện "thưởng" tết “cười ra nước mắt” đối với giáo viên vùng cao.
Nhiều người khi đề cập đến vấn đề này còn lắc đầu ngán ngẩm bởi chỉ cần nhắc đến nó thôi đã là một ý nghĩ quá "xa xỉ" đối với họ. Nhiều giáo viên vùng xuôi có thâm niên lên miền núi công tác, nhiều người chỉ mong tết đến để được về đoàn tụ với gia đình…
|
Tại nhiều điểm trường, cơ sở vật chất đang còn gặp nhiều khó khăn, nhiều giáo viên còn không nghĩ đến chuyện "thưởng" tết. |
Là người có thâm niên công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, thầy Lê Xuân Sinh, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) cho biết: “Nói thưởng tết cho oai, đỡ chạnh lòng chứ thật ra có gì đâu.
Nói chung, các trường miền núi thì không thể lấy đâu ra kinh phí mà lo chuyện thưởng tết cho giáo viên. Có chăng nếu cân đối tiết kiệm thu chi thì cuối năm mới có chút quà khoảng 100 – 150 nghìn gọi là động viên giáo viên tiếp tục cống hiến với nghề.
Nghe đến chuyện các doanh nghiệp thưởng tết cho cán bộ với số tiền lớn, ngẫm đến mình mà chạnh lòng, tủi thân. Ở đây chỉ mong học sinh đi học đầy đủ là đã hạnh phúc lắm rồi chứ nghĩ gì đến chuyện thưởng tết cho giáo viên”.
Tại những nơi cách xa trung tâm huyện như Giao Thiện (Lang Chánh, Thanh Hóa) chuyện thưởng tết cho giáo viên trong trường nghe chừng có vẻ đặc biệt hơn. Thầy Phạm Chí Thọ, Phó hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Giao Thiện (Lang Chánh) cho biết: “Học sinh trong nhà trường chủ yếu là ở nội trú (nhà trường có 75 học sinh nội trú và 148 học sinh bán trú). Hiện tại, điều kiện của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, nguồn kinh hỗ trợ của nhà nước cấp cho nhà trường đều sử dụng vào việc tu sửa có sở vật chất để dạy học và nuôi học sinh.
Ngoài việc dạy học, thầy cô còn phải tự túc nuôi lợn, trồng rau để cải thiện bữa ăn cho các em. Vì kinh phí khó khăn nên trong quá trình tăng gia sản xuất thêm, chúng tôi sẽ trích lại một phần số tiền có được từ việc bán lợn, bán rau để mua quà thưởng cho giáo viên vào dịp tết. Năm nay có lẽ mức thưởng có lẽ cũng chẳng khá hơn, có khi còn thấp hơn ấy chứ”.
|
Đối với nhiều thầy cô giáo công tác trên vùng cao, việc học sinh đến trường học đầy đủ đã trở thành "phần thưởng" lớn lao. |
Trao đổi về mức "thưởng" tết đối với những người làm công tác giáo dục, cô Lê Thị Luyến – Trưởng phòng giáo dục huyện Lang Chánh tỏ vẻ xúc động: “Ở đây chuyện thưởng tết nghe chừng hiếm lắm, có nơi còn không có. Có trường vì ít kinh phí hoạt động, không cân đối được ngân sách nên khi đến dịp giáp tết, hiệu trưởng còn phải ra ngoài quán tạp hóa mua chịu bánh kẹo để làm quà cho giáo viên, nghĩ mà tủi thân. Do vậy, trường nào cân đối được nguồn kinh phí hợp lý thì có quà tết, thưởng tết cho giáo viên. Tuy nhiên mức thưởng cho giáo viên chỉ trên dưới 100 ngàn đồng”.
Nói về chuyện "thưởng" tết năm 2014 cho giáo viên trên địa bàn huyện Lang Chánh cô Luyến lắc đầu: “năm nay cũng chưa biết thế nào? Có khi còn phải phụ thuộc vào tình hình”.
Ở vùng núi cao, do điều kiện địa hình đi lại gặp nhiều khó khăn, nhiều giáo viên còn phải dựng lán trại trong khuôn viên trường để tiện sinh hoạt và làm việc. Cuộc sống vất vả khiến công tác giảng dạy của giáo viên và học sinh ít nhiều bị ảnh hưởng. Cũng như các đồng nghiệp ở nhiều nơi khác, nhiều giáo viên tại các khu lẻ của huyện Bá Thước (Lũng Cao, Cao Sơn cách xa trung tâm vài chục km) còn không có tâm trí nghĩ đến chuyện "thưởng" tết. Có người chỉ mong muốn có được chỗ ở để yên tâm giảng dạy là vui lắm rồi.
“Năm nào công đoàn nhà trường cân đối được ngân sách thì hỗ trợ mỗi người 50 – 100 nghìn, có năm không có gì. Số tiền trên chỉ đủ mua vài gói bánh kẹo cho có không khí tết chứ có to tát gì. Ở trên này học sinh ít lắm, nhiều khi phải đến nhà cho kẹo và vận động các em đi học mới có học sinh để dạy, nên còn thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện thưởng tết. Cô Nguyễn Thị Yến, trường tiểu học Lũng Cao 2 (khu Cao Hong, xã Lũng Cao, Bá Thước) cho biết.
|
Sau mỗi giờ dạy, nhiều thầy cô giáo còn phải trồng rau,nuôi lợn để cải thiện bữa ăn. |
Đối với nhiều giáo viên vùng xuôi có nhiều năm công tác tại trường phổ thông Cao Sơn (huyện Bá Thước) thì câu chuyện "thưởng" tết dường như như ít được các thầy giáo ở đây quan tâm. Cái mà họ mong muốn lại là một chuyện khác: “Ở vùng Cao Sơn khó khăn này, chúng tôi chỉ cố gắng làm tốt công tác giáo dục, chỉ mong mong muốn được nâng cao dân trí cho dân bản.
Đối với học sinh giỏi của nhà trường, cứ đến dịp tết nhất hay tổng kết năm học là ban ngân sách của thôn lại thưởng quà cho các em, trị giá mỗi xuất quà là 5 – 10 kg lúa để động viên. Còn đối với giáo viên, mỗi dịp gần đến tết, anh em giáo viên ở đây lại háo hức thu dọn đồ đạc để chuẩn bị về quê ăn tết với gia đình. Được về sum họp với gia đình ở dưới xuôi đã là niềm hạnh phúc lắm rồi!”, thầy Trịnh Văn Dũng, hiệu trưởng trường phổ thông Cao Sơn chia sẻ.
Đối với một số huyện miền núi khác như Mường Lát, Quan Sơn... tại một số điểm trường khó khăn, có những giáo viên nhiều năm liền chưa hề biết đến chuyện "thưởng" tết là gì.
Tại một số vùng đồng bằng, việc thưởng tết cho giáo viên cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Chẳng cần nói đâu xa tại nhiều trường đóng trên địa bàn TP Thanh Hóa, nơi được cho là có điều kiện làm công tác giáo dục hơn so với nhiều vùng khác thì mức "thưởng" tết cho giáo viên cũng chẳng đáng bao nhiêu: “Nhìn chung đối với các nhà trường nằm trong sự quản lý phòng giáo dục thành phố thì mức thưởng tết cho giáo viên cũng chỉ khoảng 300 nghìn và không vượt quá 500 nghìn đồng. Số tiền trên do các trường tự cân đối.”, thầy Nguyễn Ngọc Dũng, trưởng phòng giáo dục thành phố Thanh Hóa cho biết.
Trao đổi với PV, thầy Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: “Vì thưởng tết không có trong quy định của ngành giáo dục nên không có nguồn để bố trí. Việc thưởng tết hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của từng trường. Một số cơ quan nếu tiết kiệm được kinh phí hoạt động thì cuối năm mới có tiền để thể trích ra mua quà cho giáo viên. Quà tết chẳng qua là động viên anh anh em yêu nghề và gắn bó với nghề chứ nói chuyện thưởng thì to tát quá”.
Theo Giáo Dục Việt Nam