Tiếp ngay sau đợt mưa lịch sử ở Quảng Ninh, dự báo từ đêm ngày 30/7 – 4/8 sẽ có một đợt mưa, lũ diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nhiều người lo ngại việc mưa liên tiếp trong mấy ngày thì liệu Hà Nội có lặp lại trận mưa lịch sử năm 2008? Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng này là rất thấp.
Không cực đoan, không lặp lại
Theo dự báo mới nhất ngày 30/7 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư (thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia), đêm ngày 29/7 và sáng ngày 30/7, ở Bắc Bộ đã có mưa diện rộng, riêng ở Đông Bắc tiếp tục có mưa to đến rất to Cửa Ông (Quảng Ninh): 200mm; Chi Lăng (Lạng Sơn) 220mm;...
Dự báo từ đêm 30/7 - 4/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi mưa rất to. Khu vực mưa lớn tập trung ở các tỉnh Đông Bắc trong các ngày 30 - 31/7, sau đó có khả năng mở rộng thêm ra các tỉnh vùng núi Việt Bắc và Tây Bắc từ 1/8. Với đợt mưa to lại diễn ra liên tiếp trong mấy ngày khiến nhiều người lo ngại trận mưa gây ngập lụt cho Hà Nội vào năm 2008 sẽ lặp lại.
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, khả năng Hà Nội lặp lại trận mưa như năm 2008 là rất ít. Lý do là việc hình thái khí quyển mưa trong mấy ngày này so với hình thái mưa của năm 2008 rất khác nhau, vì thế việc so sánh là không hợp lý. Thứ hai, tuy mưa liên tiếp trong vòng mấy ngày liền, nhưng lượng mưa lại không phải quá lớn, tổng lượng mưa ở khu vực Hà Nội trong mấy ngày chỉ dao động ở mức 100 - 200mm, vì thế không thể gây ra ngập lụt như năm 2008. Tất nhiên, một số khu vực, tuyến phố vẫn cần đề phòng ngập úng cục bộ. Ngoài ra, do mưa liên tiếp trong mấy ngày nên người dân cũng cần lập kế hoạch để cuộc sống không bị đảo lộn khi mưa kéo dài.
Vẫn theo ông Lê Thanh Hải, đợt mưa từ ngày 30/7 – 4/8 có hình thế mưa rất phổ biến với hình thế mưa vẫn thường diễn ra trong các tháng 7, tháng 8, tháng 9 và lượng mưa không quá lớn, vì thế trận mưa này nhìn từ góc độ chuyên môn là không bất thường, không cực đoan.
|
Ảnh minh họa. |
Chú ý các dấu hiệu bất thường
Ông Lê Thanh Hải cho biết thêm: Trận mưa này gây sự chú ý là bởi nó diễn ra ngay sau trận mưa lịch sử ở Quảng Ninh và nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ là do mấy ngày qua, nhiều khu vực ở Bắc Bộ đã có mưa, đất đã ngấm nước vì thế dù lượng mưa trong đợt mưa này không phải quá lớn (phổ biến ở mức 100 - 300mm cả đợt, cục bộ có nơi lớn hơn 400mm) nhưng đất đá đã bị bão hòa nước, nhất là ở vùng đất đá yếu, thảm phủ thực vật mỏng, khi gặp mưa lớn, nguy cơ, lũ quét trượt lở đất rất cao.
Các dự báo cho thấy, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, ngập lụt ở đô thị Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.
Các chuyên gia của khí tượng thủy văn và địa chất lưu ý, lũ quét, sạt lở đất là những hiện tượng thiên tai xảy ra bất ngờ, nhanh và sức tàn phá lớn, vì thế, khi xuất hiện những hiện tượng này cần bảo vệ tính mạng trước tiên chứ không phải là nhà cửa hay của cải.
Để đề phòng và tránh lũ quét và sạt lở đất, người dân phải thường xuyên cập nhật các thông tin dự báo về tình hình mưa lũ. Ngoài ra, khi có có những dấu hiệu bất thường (nước bị đục, nghe thấy tiếng nổ, cây cối nghiêng đổ, tường nhà có các vết nứt...) cần nhanh chóng sơ tán tới nơi an toàn. Đặc biệt, người dân không nên lại gần những khu vực vừa xảy ra sạt lở bởi khu vực này đất chưa ổn định nên có nguy cơ sạt lở nữa; người dân cũng nên di chuyển nhà tới những nơi an toàn trong trường hợp chỗ ở cũ bị san lấp hoàn toàn hoặc quá nguy hiểm.
Tính tới thời điểm này, về cơ bản nắng nóng đã chấm dứt. Nắng nóng chỉ xuất hiện trong điều kiện có bão hoặc áp thấp nhiệt đới đi vào Đài Loan, hoặc Phúc Kiến (Trung Quốc). Dự kiến ngày 6 – 10/8, nhiều khả năng sẽ có một cơn bão đi vào Đài Loan. Do ảnh hưởng của cơn bão này, nhiều khả năng Bắc Bộ sẽ xuất hiện đợt nắng nóng. Tuy nhiên, nắng nóng chỉ ở cao nhất cũng chỉ ở mức 34 – 35 độ C.
Ông Lê Thanh Hải
Huy Khánh