Mưu đồ mới TQ muốn hợp thức hóa Hoàng Sa, Trường Sa của VN

Google News

(Kiến Thức) - Đưa 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam vào hệ thống đăng ký bất động sản mới, cộng với việc đưa giàn khoan thứ 2 vào Biển Đông... Trung Quốc diễn thêm âm mưu gì?

Suốt thời gian qua, Trung Quốc đã khiến dư luận thế giới bất bình phản ứng liên quan đến việc nước này đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế. Không dừng lại ở đó, mới đây, Trung Quốc lại ngang nhiên đưa 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào hệ thống đăng ký bất động sản mới của nước này, cùng với đó, Bắc Kinh tiếp tục đưa thêm giàn khoan Nam Hải số 9 vào Biển Đông. Những hành động ngang ngược này của Trung Quốc cho thấy, nước này đang bất chấp luật pháp quốc tế để hợp thức hóa đường lưỡi bò 9 đoạn phi pháp tại vùng biển này.
Các đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nhằm vạch trần những chiêu trò, âm mưu của Trung Quốc xung quanh diễn biến mới này, Kiến Thức đã có cuộc đối thoại với Tiến sĩ Nguyễn Nhã - nhà nghiên cứu sử địa nổi tiếng, người có công trình nghiên cứu và hồ sơ, tài liệu về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam được dịch sang tiếng Anh nhiều nhất.
- Trung Quốc ngang nhiên đưa 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào hệ thống đăng ký bất động sản mới của nước này, họ đang thực hiện âm mưu gì, thưa Tiến sĩ?
- Nhìn lại lịch sử, Trung Quốc bắt đầu chú ý và tranh chấp Biển Đông từ đầu thế kỷ thứ XX, bước đầu là khu vực biển đảo phía Bắc, đến giữa thế kỷ hình thành yêu sách trên toàn bộ Biển Đông. Ngay từ năm 1909, Trung Quốc đã chú ý đến Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta. Năm 1948, Trung Quốc vẽ yêu sách “lưỡi bò” chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông, đồng thời ra chiếm giữ nhóm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình ở Trường Sa. Năm 1974, Trung Quốc đã nhiều lần dùng vũ lực để chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam.
Năm 2014, Trung Quốc muốn hợp thức hóa quyền sở hữu của họ ở biển Đông, hợp thức hóa đường lưỡi bò phi pháp nên đưa ra nhiều âm mưu, chiến lược thể hiện dã tâm này. Có thể thấy, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế từ những năm 1909 đến nay. Họ luôn gian xảo cho rằng, họ có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông, nhưng thực tế họ không có cơ sở pháp lý vững chắc nào để chứng minh.
Hành động đưa 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào hệ thống đăng ký bất động sản mới của nước này, Trung Quốc đang thực hiện hợp thức hóa quyền sở hữu của Trung Quốc tại hai quần đảo của Việt Nam, dù là phi pháp và bất chấp luật pháp quốc tế. Từ đó, tiếp tục thực hiện hợp thức hóa đường lưỡi bò 9 đoạn phi pháp. Trong khi đó, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Vì thế, việc Trung Quốc đưa hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa vào hệ thống bất động sản của nước này là hành động ngang ngược xâm lấn chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cần phải lên án mạnh mẽ.
- Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang ngược thực hiện chiến lược hợp thức hóa đường lưỡi bò 9 đoạn tại Biển Đông. Những âm mưu ấy liệu có làm ảnh hưởng đến trật tự thế giới, các quốc gia nên có giải pháp gì để chặn âm mưu bá quyền của TQ?
- Điều này rất đáng báo động. Những hành động ngày càng ngang ngược bất chấp vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến trật tự thế giới này. Luật pháp quốc tế không được Trung Quốc tôn trọng thì nước này đang thách thức cả thế giới để thực hiện âm mưu chiến lược của mình. Một nước lớn trong khu vực như Trung Quốc có vũ khí hạt nhân, lại có dã tâm như vậy thì rất nguy hiểm với cả thế giới. Thế giới này sẽ ra sao nếu không có biện pháp hữu hiệu để trừng trị âm mưu của Trung Quốc?
Trung Quốc ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế làm ảnh hưởng đến trật tự hòa bình thế giới. Trung Quốc coi mình là nước lớn và muốn làm gì thì làm, như: vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 khi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, và thậm chí cả Hiến chương Liên Hiệp Quốc và những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm sử dụng vũ lực... Tất nhiên các nước khác sẽ không thể đứng ngoài cuộc, trong đó có nước Mỹ.
 Tiến sĩ Nguyễn Nhã.
- Mới đây, Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan Nam Hải số 9 vào Biển Đông, trong khi giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam vẫn đang khiến dư luận quốc tế phẫn nộ. Bắc Kinh lại có thêm mưu đồ gì nữa?
- Việc Trung Quốc đưa tiếp giàn khoan Nam Hải số 9 vào Biển Đông không có gì là lạ, bởi nước này từng có nhiều phát ngôn đưa hàng trăm giàn khoan ra Biển Đông. Vì thế, tương lai có thể Bắc Kinh đưa tiếp một số giàn khoan nữa và thực chất là nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế. Vừa rồi, Trung Quốc bị quốc tế phản đối mạnh mẽ khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc muốn đưa thêm giàn khoan Nam Hải số 9 ra khu vực biển khác để dư luận quốc tế ít quan tâm hơn đến giàn khoan Hải Dương 981. Lời nói của Trung Quốc không đi đôi với hành động nên không thể tin Trung Quốc được.
- Liên tục đưa ra những hành động phi pháp, lớn tiếng hù dọa nhưng thực tế Trung Quốc rất sợ dư luận quốc tế về vấn đề chủ quyền biển đảo liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng ta có cần gấp rút đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế?
- Luật pháp quốc tế có quy định rõ ràng về vùng đặc quyền kinh tế như trong Luật Biển quy định. Bất kỳ nước nào cũng phải tôn trọng chủ quyền biển đảo của quốc gia đã được luật pháp quốc tế thừa nhận. Nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận khi trao đổi với Trung Quốc về luật pháp thì có thể ra tòa vì với Luật Biển thì được quyền đơn phương đưa ra tòa để giải quyết mà không cần hai bên phải tham gia. Trung Quốc bất lợi khi ra tòa quốc tế bởi họ là nước bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế thì không ai ủng hộ họ, hơn nữa họ sẽ lãnh đủ hậu quả. Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ của quốc tế vì chúng ta làm đúng theo luật pháp. Tất nhiên, chúng ta phải công khai sự thật cho thế giới biết. Vì thế, chúng ta cần mạnh dạn công bố chủ quyền về Hoàng Sa, Trường Sa trên khắp thế giới.
Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, chúng ta không muốn tình huống xấu nhất xảy ra nhưng nếu mọi cuộc đối thoại hòa bình không mang lại kết quả, buộc chúng ta phải đối đầu thì tất nhiên chúng ta luôn sẵn sàng, bởi Việt Nam luôn coi chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, cần bảo vệ đến cùng. Chúng ta có niềm tin thành công vì chúng ta có sức mạnh tổng hợp. Sức mạnh về chính nghĩa chủ quyền có từ lâu. Và hơn hết, về mặt ngoại giao, chúng ta có sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo… Chúng ta đã có các kịch bản cho mọi tình huống, tùy thuộc vào diễn biến tình hình biển Đông để đưa ra cho phù hợp. Điều cần làm lúc này là chúng ta cần đấu tranh ngoại giao hòa bình đa phương hóa, đa dạng hóa, sử dụng sức mạnh trong thời đại toàn cầu. Sự đoàn kết dân tộc, lợi cho dân tộc phải trên hết, xây dựng đất nước hùng cường dựa trên lòng yêu nước là một việc làm cần thiết.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Nhã về cuộc đối thoại này!
Hải Ninh