Ngày đầu xử lý xe “không chính chủ“: chỉ mới nhắc nhở

Google News

Kienthuc.net.vn) - “Xử phạt lỗi “không chính chủ” do các điểm đăng ký phương tiện giao thông và các đơn vị phụ trách điều tra các vụ tai nạn truy nguồn gốc phương tiện và ra quyết định xử phạt”, trung tá Nguyễn Văn Đức cho biết.

Theo Thông tư số 11, bắt đầu từ ngày 15/4, quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện của Bộ Công an bắt đầu có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Kiến Thức, tại các chốt giao thông trên địa bàn Thủ đô, các chiến sĩ CSGT đều khẳng định không được kiểm tra, xử phạt lỗi này ngoài đường.

Một chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Đê La Thành cho biết: “Đến thời điểm này chúng tôi chưa dừng xe bất cứ người tham gia giao thông nào để kiểm tra không sang tên đổi chủ cả. Những trường hợp vi phạm giao thông thì chúng tôi mới ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính theo đúng luật định.

Với người vi phạm, chúng tôi tiến hành kiểm tra hành chính và nhắc nhở. Trường hợp vi phạm nặng phải chuyển phương tiện về đội, lúc đó mới tiến hành kiểm tra, xử lý xe có chính chủ không. Còn trường hợp vi phạm nhẹ, nhắc nhở người tham gia giao thông rồi cho đi, vì rất khó phát hiện ra xe không chính chủ.

Một vài trường hợp vi phạm nhẹ, hỏi xe của ai, họ bảo xe mượn... Để chứng minh xe chính chủ, chúng tôi yêu cầu người vi phạm gọi chủ phương tiện thì họ đều chứng minh được hết”.

 CSGT nhắc nhở người mượn xe.

"Theo Thông tư số 12/2013/TT-BCA, trong thời gian từ 15/4/2013 đến 31/12/2014, các trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người nay đăng ký sang tên trong cùng tỉnh hay di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác dù có chứng từ chuyển nhượng hay không đều được tạo thuận lợi về mặt thủ tục khi chủ xe có đủ chứng từ chuyển nhượng hợp lệ, thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện chỉ mất 2 ngày, còn đối với trường hợp ngược lại, thủ tục này được giải quyết sau 30 ngày. Việc nhắc nhở với người điều khiển phương tiện không chính chủ để phục vụ cho thông thông tư số 12/2013/TT-BCA".

Trung tá Nguyễn Văn Đức – Đội trưởng Đội CSGT số 2, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội
Chiến sĩ CSGT trên cũng cho biết: “Nếu như chúng tôi có kiểm tra và phát hiện người điều khiển đi xe không chính chủ và lập biên bản tạm giữ phương tiện về lỗi đi nữa thì cũng khó mà xử phạt được. 

Theo quy định, sau khi mua bán hoặc chuyển nhượng phương tiện, người mua sẽ có thời hạn một tháng để làm thủ tục sang tên đổi chủ. Như vậy, người vi phạm chỉ cần nhờ người đứng tên đã bán hoặc chuyển nhượng viết một cái giấy chứng nhận mới, vẫn còn hạn…. sẽ thoát bị xử phạt”.

Một chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ tại chốt giao thông Lê Hồng Phong – Điện Biên Phủ nói: “Việc xử phạt lỗi “không chính chủ” chưa nhận được phổ biến từ cấp trên. Tất cả các trường hợp “không chính chủ” chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, nếu vi phạm không đến mức phải giữ xe”.

Trao đổi với PV, trung tá Nguyễn Văn Đức – Đội trưởng Đội CSGT số 2, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, cho biết: “Đến lúc này, các chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ ở ngoài đường không dừng xe trên đường; hoặc khi xử lý các vi phạm khác không được yêu cầu người điều khiển phương tiện phải chứng minh là xe đi mượn, xe của gia đình… để kiểm soát phát hiện vi phạm và xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Việc xử phạt lỗi “không chính chủ” do các điểm đăng ký phương tiện giao thông và các đơn vị phụ trách điều tra các vụ tai nạn giao thông truy nguồn gốc phương tiện và ra quyết định xử phạt”.

Trung tá Vũ Thanh Ba – Đội trưởng điểm đăng ký phương tiện giao thông số 3 (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết: “Mặc dù Thông tư số 11 có hiệu lực từ ngày hôm nay (15/4) nhưng tại điểm đăng ký này vẫn chưa thực hiện việc xử phạt các phương tiện đến đăng ký lần 2 quá thời hạn sang tên đổi chủ. Lực lượng làm nhiệm vụ vẫn chỉ dừng lại ở khâu nhắc nhở, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân đi làm thủ tục sang tên đổi chủ”.

Để việc triển khai Thông tư 11/2103/TT-BCA được rõ ràng và đảm bảo đúng quy định, Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục VII - Bộ Công an vừa có văn bản gửi lãnh đạo công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai thực hiện xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện. 

Cụ thể, lực lượng CSGT và các lực lượng cảnh sát khác được huy động tham gia công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông không dừng xe trên đường hoặc khi xử lý các vi phạm khác không được yêu cầu người điều khiển phương tiện phải chứng minh là xe đi mượn, xe của gia đình… để kiểm soát phát hiện vi phạm và xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.

Trong quá trình thực hiện xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo theo Thông tư 11/2013/TT-BCA của Bộ Công an, trung tướng Đỗ Đình Nghị yêu cầu: Đối với đăng ký xe, không xử phạt các trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển theo quy định. Đối với trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ, thông qua cơ sở dữ liệu đăng ký xe hoặc xác minh để xác định hành vi vi phạm; không yêu cầu người vi phạm hoặc chủ phương tiện phải chứng minh. 

Nếu hết thời hạn tạm giữa phương tiện nhưng không xác định có hành vi vi phạm “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”, người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt đối với hành vi đã vi phạm và làm thủ tục trả phương tiện theo quy định.




Tiến Dũng