Hôm nay (29/4), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục phiên xét xử Dương Chí Dũng và các bị cáo trong vụ án Vinalines.
Như vậy, phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án Dương Chí Dũng đã bước sang ngày thứ 6, với nhiều tình tiết mới và căng thẳng.
Kết thúc ngày hôm qua (28/4), trong khi phiên tòa đang tiếp tục thì HĐXX nhận được một số tài liệu mới và đã phải cho tạm dừng phiên xử để nghiên cứu.
|
Dương Chí Dũng tại phiên tòa xét xử phúc thẩm sáng nay 29/4. |
Sáng nay, Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn đã công bố nội dung tóm tắt của các tài liệu mới mà HĐXX nhận được từ phía Nga vào chiều qua. Trong đó, tài liệu đề cập đến một công dân Nga, là đại diện của công ty môi giới GS tại Nga.
Công dân này là người đã tham gia ký HĐ với công ty AP. Khi được hỏi, công dân này đã trả lời rằng, ông không hề biết về khoản tiền được chuyển về Việt Nam thông qua công ty Phú Hà. Nghĩa là, công dân này đã khai rằng không hề biết về số tiền 1,666 triệu USD từ dự án mua ụ nổi.
Các luật sư tại phiên tòa cho rằng, bộ tài liệu mới chỉ bao gồm bản dịch ra tiếng Việt, không theo một trình tự nào theo luật Tố tụng. Quan điểm của luật sư cho rằng cần phải có bản gốc để đối chiếu nhằm xác định tính chính xác. Ngoài ra, cần có một cơ quan có thẩm quyền dịch thuật, xác định tính pháp lý của bộ tài liệu mới này.
“Các tài liệu mới này không có công chứng, không có bản gốc để đối chiếu. Đặc biệt, nếu theo nội dung các tài liệu mới này thì rõ ràng Dương Chí Dũng không hề có mối liên hệ nào với phía Nga. Điều này rất có lợi cho Dương Chí Dũng”, Luật sư Trần Đình Triển nói.
Cuối cùng, các Luật sư đề nghị HĐXX bỏ các tài liệu mới ra ngoài, không sử dụng làm chứng cứ để tiếp tục xét xử.
Đại diện VKS cho biết: “Sau khi nghiên cứu tài liệu mới, đại diện VKS nhận xét, việc chuyển các tài liệu mới đã được tiến hành đúng trình tự của VKSND Tối cao, phù hợp với quy định của pháp luật”.
Kết thúc ngày hôm qua (28/4), trong khi phiên tòa đang tiếp tục thì HĐXX nhận được các tài liệu về kết quả tương trợ tư pháp từ Nga do Viện KSND tối cao vừa cung cấp.
Trong các tài liệu này có biên bản thẩm vấn các nhân chứng ở Nga, bản xác nhận của phòng nội vụ Nakhodka, Nga về ụ nổi và các hợp đồng mua bán. Do các tài liệu này nhiều nội dung và mới nhận, các luật sư chưa có điều kiện để nghiên cứu nên tòa phô tô để cho các luật sư nghiên cứu và tạm dừng phiên tòa.
10 bị cáo bị TAND Hà Nội tuyên phạt ở cấp sơ thẩm:
1. Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.Tổng án phạt là tử hình.
2. Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là tử hình.
3. Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines) 14 năm tù về tội Tham ô, 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 22 năm tù.
4. Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 19 năm tù.
5. Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
6. Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) 4 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
7. Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên - Cục đăng kiểm Việt Nam) 7 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
8. Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) 8 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
9. Lê Ngọc Triện (Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
10. Lê Văn Lừng (Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Ngoài ra, HĐXX buộc các bị cáo trả lại số tiền 28 tỷ đồng tham ô, liên đới bồi thường số tiền hơn 366 tỷ đồng do hành vi làm trái quy định nhà nước. Trong đó, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người phải bồi thường 110 tỷ đồng.
Minh Hiếu