Nghịch tử giết 4 người thân tự sát, truy trách nhiệm CA Hải Dương

Google News

(Kiến Thức) - Để nghịch tử Phạm Duy Quý - kẻ ra tay cuồng sát 4 người thân trong gia đình tự tử trong trại giam, công an Hải Dương phải chịu trách nhiệm.

Liên quan đến vụ việc, đối tượng Phạm Duy Quý (SN 1993, trú tại thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng, Thanh Hà), kẻ đã ra tay cuồng sát 4 người thân trong gia đình gồm bố, mẹ, bà nội và chị họ đã tự tử chết trong trại tam giam Kim Chi (Hải Dương) bằng phương pháp treo cổ vào chiều 4/8, dư luận đặt ra câu hỏi: Đối tượng Phạm Duy Quý chết trong trại tạm giam thì trách nhiệm của cán bộ quản lý phạm nhân sẽ như thế nào? Khâu quản lý, giám sát phạm nhân có sơ suất gì hay không? Những vật dụng mà phạm nhân có thể sử dụng để tự sát có nên để trong phòng tạm giam?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân cho biết, việc đối tượng Phạm Duy Quý tự sát trong buồng tạm giam cho thấy, các biện pháp đang được tiến hành của cán bộ trại tạm giam có sự sơ suất không làm tròn nhiệm vụ dẫn đến đối tượng tự sát.
“Đối tượng Phạm Duy Quý sát hại bốn người thân gồm bố là Phạm Duy Tuấn (SN 1963), mẹ Nguyễn Thị Thơm (SN 1968), bà nội Nguyễn Thị Lan (SN 1932 ) và người chị họ là Phạm Thị Hằng (SN 1987). Đây là một hành vi hết sức dã man, vô đạo đức và không thể tha thứ được. Nhưng lại có những thông tin cho rằng, Phạm Duy Quý có dấu hiệu bị bệnh tâm thần phân liệt. Cơ quan điều tra ngoài việc ra lệnh tạm giữ đối tượng Phạm Duy Quý thì cần phải thực hiện ngay các biện pháp đó là giám định bệnh tâm thần đối với thủ phạm. Cũng như tiến hành điều tra và giám định việc có hay không chất kích thích trong người thủ phạm. Những mối quan hệ có gì gây nên sự bức xúc hay để mà che dấu một hành vi khác của hung thủ hay không. Những việc đó cần phải làm ngay”, Luật sư Trần Đình Triển cho biết.
 Đối tượng Phạm Duy Quý tự sát trong phòng tạm giam bằng màn tuyn.
“Đặc biệt trong quy chế về quản lý giam giữ với những phạm nhân thuộc diện có hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng thì công tác quản lý trại giam phải hết sức cẩn thận. Trong trại giam không để các vật dụng mà đối tượng có thể sử dụng để tự sát. Hai nữa phải có biện pháp như còng chân, còng tay phạm nhân. Trong phòng giam phải bố trí những phạm nhân khác hoặc cảnh sát phải thường xuyên giám sát mọi hành động của phạm nhân để tránh trường hợp phạm nhân có thể tự sát” Luật sư Trần Đình Triển đánh giá.
 Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân.
“Qua sự việc xảy ra, đối tượng Phạm Duy Quý tự sát trong buồng tạm giam cho thấy, các biện pháp đang được tiến hành có sự sơ suất không làm tròn nhiệm vụ dẫn đến đối tượng tự sát. Đây là vụ việc phải có trách nhiệm của công an tỉnh Hải Dương. Phải tùy theo tính chất, phải điều tra lại xem công tác giam giữ như thế nào, bố trí quản lý trong trại giam ra làm sao. Để trong trại giam những vật dụng gì cho phép, những gì không cho phép dẫn đến đối tượng tự sát. Tùy theo tính chất mức độ để có biện pháp xử lý cán bộ có trách nhiệm quản giáo trong trại tạm giam Kim Chi”, Luật sư Trần Đình Triển thẳng thắn nhìn nhận vụ việc.
Trước đó Kiến Thức đã đưa tin, vào lúc 15h30 phút chiều ngày 4/8, đối tượng Phạm Duy Quý, nghịch tử giết 4 người thân trong  gia đình được phát hiện treo cổ tự sát bằng màn tuyn trong buồng tạm giam số 1, khu N4, Trại tạm giam Kim Chi (Hải Dương). Dù đã được đưa đi bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu nhưng Quý đã chết tại phòng cấp cứu.
Mạnh Thiên

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Hưng Nguyễn -

Qúa dã man
Mong các cấp làm rõ nguyên nhân trách nhiệm thuộc về ai rồi xử lý, những trường hợp như này hết sức nguy hiểm cho xã hội.

cong -

Trách nhiệm của CA Hải Dương
Luật sư Trần Đình Triển nói đúng, phạm nhân Quý là đối tượng cực kỳ nguy hiểm, sự buông lỏng trong tạm giam là trách nhiệm của CA Hải Dương. Phải làm rõ xem trách nhiệm thuộc về ai, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Hiển thị thêm bình luận