Sau khi giải cứu thành công 12 công nhân bị mắc kẹt trong vụ
sập hầm thủy điện Đa Dâng – Đa Chomo (
Lâm Đồng), bên cạnh niềm vui mừng khôn xiết, dư luận bắt đầu đặt ra câu hỏi: Vì sao hầm thủy điện này lại bị sập? Lỗi do đơn vị nào, trách nhiệm thuộc về ai?
Ngay sau khi cứu nạn thành công, lực lượng chức năng đã tiến hành bảo vệ hiện trường để tổ chức khám nghiệm hiện trường, tìm ra nguyên nhân vụ sập hầm.
|
Bên trong vị trí đất sạt lở tại hầm thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, gần đây, tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhiều dự án thủy điện, các cơ quan chức năng đã có nhiều hình thức nhắc nhở, kiểm tra, đôn đốc để phòng ngừa các sự cố. “Với sự cố sập hầm thủy điện Đa Dâng – Đa Chomo, đây là trường hợp không thực hiện theo quy trình”, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn nhận định.
“Chúng tôi sẽ xác định xem các giấy phép có đủ không? Thiết kế đã được duyệt chưa? Có thực hiện theo đúng thiết kế và tính toán đến an toàn cho người lao động hay chưa? Để từ đó phân tích việc ảnh hưởng đến chất lượng công trình, trên cơ sở đó xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố nghiêm trọng này”, Thiếu tướng Sơn nói.
Ông Lê Quang Huy - chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng - thông tin, đã tiến hành kiểm tra về tình hình an toàn lao động tại thủy điện Đa Dâng hai lần. Lần gần đây nhất là vào đầu năm 2013.
Kết quả kiểm tra cho thấy nhà thầu chưa thực hiện việc đo lường các yếu tố có hại trong hầm (không khí, độ ồn, độ ẩm, hơi khí độc…).
Nghiêm trọng nhất, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh: “Chưa thực hiện công tác huấn luyện an toàn lao động theo quy định. Dù có làm nhưng còn sơ sài, chưa đúng theo quy định”.
Vào thời điểm kiểm tra, ông Huy cho biết độ khoan chưa sâu, chưa thấy các dấu tích nguy hiểm.
“Sau mùa mưa, địa chất tích tụ lại. Đầu mùa khô, hậu quả của những cơn mưa kéo dài là đất mềm và nguy cơ sạt lở cao. Nếu các giải pháp không đảm bảo thì nguy cơ xảy ra tai nạn là chuyện không thể trách khỏi”, ông Huy nhận định.
Trong khi đó, theo Tiền Phong, hôm qua (ngày 20/12), trong cuộc trò chuyện với phóng viên bên hành lang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, ông Lưu Công Tới - Phó phòng tổng hợp Công ty Sông Đà 505 (đơn vị có 12 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng) - đã hé lộ những sơ hở trong quy định quản lý chất lượng công trình hầm.
Ông Tới cho biết, Công ty Sông Đà 505 tham gia xây dựng công trình thủy điện Đa Dâng từ hơn một năm trước, nhưng chỉ làm những hạng mục hở. Công ty mới bắt đầu thi công phần đường hầm mới hai tháng và phần việc của đơn vị là làm hoàn thiện phần vỏ hầm, tức gia cố vĩnh cửu.
Trả lời về vấn đề trước khi nhận hợp đồng hoàn thiện vỏ hầm này, Công ty Sông Đà 505 có kiểm tra xem chất lượng hầm, địa chất thế nào không, ông Tới nói: “Thông tin dữ liệu khảo sát thì chủ đầu tư đều có cả, nhưng có đầy đủ, chính xác hay không thì để chủ đầu tư và các đơn vị khác trả lời. Còn mình nhận làm, chủ đầu tư đưa hồ sơ cho mình thì mọi thứ phải đảm bảo. Công ty Sông Đà 505 không đi khảo sát lại vì số liệu người ta đã có rồi”.
Về việc vì sao khi nhận phần việc này, Công ty Sông Đà 505 không đi khảo sát thực tế, ông Tới giải thích: “Một dự án trước khi làm, người ta đều có các bước khảo sát và hầm cũng được gia cố tạm rồi. Chúng tôi nhận công đoạn gia cố bề mặt bê tông hầm, nghĩa là một phần nhỏ sau khi người ta đã hoàn thành công đoạn thi công đào và gia cố tạm”.
Ông Tới cũng thừa nhận, những phần hầm được gia cố tạm thì không được để lâu, nhưng được phép để bao lâu thì khó nói, vì không có quy định nào xác định thời gian gia cố tạm chờ gia cố vĩnh cửu là bao lâu.
Trước đó, đã có những nhận định ban đầu về nguyên nhân sập hầm thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo rằng, nhiều khả năng do địa chất yếu.
Minh Hiếu (Tổng hợp)