Nguyên Phó GĐ BQL đường sắt không nhớ nhận hối lộ bao nhiêu lần

Google News

(Kiến Thức) -  Nguyên Phó GĐ BQL đường sắt Phạm Hải Bằng - một trong 6 cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ khai tại toà không nhớ nhận tiền bao nhiêu lần.

9h50, sau khi công bố xong bản cáo trạng, HĐXX bắt đầu tiến hành xét hỏi các bị cáo. Bị cáo đầu tiên trong 6 cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ được đưa ra xét hỏi là Phạm Hải Bằng, đây là bị cáo có chức vụ lớn nhất, nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt Việt Nam (viết tắt là RPMU), được giao chức trách Chủ nhiệm dự án.
Bị cáo trình bày nội dung về hợp đồng tư vấn kỹ thuật cho đoạn đường sắt dài 28 km. Giai đoạn này cần nhiều chi phí hoạt động, tổ chức sự kiện. Có nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới thực hiện hợp đồng.
- Tòa: Tất cả những khó khăn vướng mắc đó được quyết toán bằng giá trị của hợp đồng. Tại sao khi ký kết không đưa điều khoản đó vào mà lại để ngoài hợp đồng? Buổi ký kết phải lấy tiền từ hợp đồng, sao lại lấy tiền ngoài?
Nguyen Pho GD BQL duong sat khong nho nhan hoi lo bao nhieu lan
 Bị cáo Phạm Hải Bằng: "Không nhớ bao nhiêu lần nhận tiền hối lộ"

-  Bị cáo Phạm Hải Bằng: Trong thời gian khi ký hợp đồng, do bị cáo làm công tác kiểm tra nhiều nên đã uỷ quyền cho cấp dưới, cùng với bên tư vấn để triển khai hợp đồng.

 - Tòa: Phần chi phí bị cáo có đưa vào hệ thống sổ sách của công ty không?

- Bị cáo Phạm Hải Bằng: Những khoản chi này chủ yếu phục vụ cho hoạt động tư vấn nên không đưa vào theo dõi của Ban quản lý dự án đường sắt.

 - Tòa: Bao nhiêu lần bị cáo nhận tiền của phía nhà thầu?

 - Bị cáo Phạm Hải Bằng: Thời gian triển khai cũng tương đối dài, tư vấn họ không thông báo trước. Bị cáo không nhớ chính xác con số cuối cùng là bao nhiêu, chỉ nhớ số tương đối là 11 tỉ đồng.

- Tòa: Riêng bị cáo nhận bao nhiêu lần và bao nhiêu?

- Bị cáo Phạm Hải Bằng: Bị cáo không nhớ chính xác.
Nguyen Pho GD BQL duong sat khong nho nhan hoi lo bao nhieu lan-Hinh-2
Bị cáo Trần Quốc Đông khi còn giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam 

- Tòa: Có bao giờ bị cáo chủ động đặt vấn đề liên quan tới khó khăn, đặt vấn đề các đối tác phải hỗ trợ tiền?

- Bị cáo Phạm Hải Bằng: Không, bị cáo chỉ nêu trong các cuộc họp đấy.

- Tòa: Theo cơ quan điều tra, đã thu thập toàn bộ các lời khai của các bị cáo người Nhật Bản. Họ khai rất nhiều về việc đã có nhiều lần ông Phạm Hải Bằng trực tiếp đề nghị người ta đưa tiền?

- Bị cáo Phạm Hải Bằng: Như bị cáo vừa trình bày, khi triển khai hợp đồng thì bị cáo trình bày như thế. Khi đọc bản kết luận điều tra, bị cáo thấy lời khai của phía Nhật Bản không đúng. Mỗi lần chi xong thì xoá đi.

 - Tòa: Tại sao lại xoá đi, nếu là chi tiêu bình thường có cần phải xoá đi không?

- Bị cáo Phạm Hải Bằng: Có những chi tiêu mà như bị cáo biết được như là tổ chức cuộc họp có lưu trữ lại, còn chuẩn bị các công tác xung quanh thì không lưu.

- Tòa: Bị cáo nhận thức gì về khoản tiền đã nhận?

- Bị cáo Phạm Hải Bằng: Nhận thức ở đây khoản tiền tư vấn, lẽ ra tư vấn phải thực hiện. Nhưng do tư vấn họ không nắm được nên họ đã để phía Việt Nam thực hiện. Phía Việt Nam chi tiêu hộ cho phía Nhật Bản khoản này.

-Tòa: Tại sao không có quyết toán về khoản tiền với phía Nhật Bản?

- Bị cáo Phạm Hải Bằng: Do họ không yêu cầu. Lẽ ra tư vấn phải chi nhưng phía Việt Nam chi hộ cho tư vấn.

- Tòa: Số tiền trên đã sử dụng những mục đích gì?

- Bị cáo Phạm Hải Bằng: Ngoài tổ chức hội họp với các ban ngành liên quan, có những chi tiêu liên quan tới hoạt động nội bộ của Tổ dự án như: đoàn thanh niên, công đoàn… Các cuộc họp rất nhiều vì liên quan tới nhiều chuyên ngành.
Tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo còn lại.
Tài liệu truy tố thể hiện, ngày 31/10/2008, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1). Theo đó, chủ đầu tư dự án được giao cho Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (viết tắt là RPMU). 

Kèm theo quyết định này, ông Phạm Hải Bằng (SN 1969, Phó giám đốc RPMU) được giao chức trách Chủ nhiệm dự án. Với nhiệm vụ mới, ông Bằng có thẩm quyền là đầu mối quản lý toàn bộ lĩnh vực liên quan đến  quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án. Ngoài ra, vị Chủ nhiệm dự án còn có chức trách tổ chức thực hiện và trực tiếp thực hiện các công việc của dự án.

Để thuận lợi cho việc triển khai dự án, tháng 9/2009, Tổng công ty đường sắt Việt Nam ký hợp đồng  dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án tuyến số 1 với liên danh do Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (viết tắt JTC) đứng đầu. Hợp đồng này được định giá hơn 2,9 tỷ Yên Nhật Bản, cùng với hơn 320 tỷ đồng. 

Vẫn theo tài liệu truy tố, từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, Phạm Hải Bằng đã trực tiếp thoả thuận với đại diện nhà thầu JTC, với mong muốn JTC hỗ trợ cho RPMU các khoản tiền liên quan đến quá trình triển khai dự án. 

Ngay sau khi được “gợi ý”, phía JTC đã nhận lời và chuyển cho Bằng cùng các đồng phạm liên quan 11 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, số tiền trên đã được “chuyển hoá” vào các hạng mục tiếp khách, hiếu hỉ, đi lại, làm ngoài giờ..

Đánh giá mức độ phạm tội của các vị chức sắc ngành đường sắt, Viện KSND Tối cao khẳng định, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thoả thuận ngoài hợp đồng giữa Phạm Hải Bằng cùng thuộc cấp với các nhà thầu đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam, đến mối quan hệ hợp tác truyền thống, lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay ODA. Theo nhà chức trách, hiện phía Nhật Bản đã xử lý những sai phạm của JTC, từ đó làm ảnh hưởng, ngưng trệ quá trình triển khai dự án.
Giang Vương