Nhân tài Đà Nẵng bị dọa kiện đòi tiền tỷ

Google News

Nhiều người có thể bị Đà Nẵng kiện đòi tiền vì không cống hiến cho quê hương sau khi được đài thọ ăn học bằng tiền nhà nước.

Trong khi đó, gia đình những cá nhân khẳng định chỉ xin nghỉ việc không lương tạm thời.
UBND TP Đà Nẵng vừa ra quyết định chấm dứt tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng đối với 3 học viên được hỗ trợ kinh phí đi du học nước ngoài, đồng thời yêu cầu họ bồi thường kinh phí gấp 5 lần kinh phí đã hỗ trợ do vi phạm hợp đồng đào tạo.
 Tư vấn du học cho các học sinh và học viên tham khảo Đề án đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài nước của TP.Đà Nẵng.
Không đền thì kiện
Theo quyết định, kể từ ngày 12/6, TP chấm dứt tham gia đề án đối với các học viên Hồ Thị Như Mai và Hà Thanh An do tự ý bỏ việc, không thực hiện đủ thời gian làm việc đối với thành phố theo cam kết; Nguyễn Văn Lời do không hoàn thành chương trình nghiên cứu theo quy định của đề án. Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng giao Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng đối với các học viên và gia đình sau khi họ đã hoàn tất việc bồi thường gấp 5 lần. Nếu các học viên và gia đình không bồi thường thì giao Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm thủ tục kiện ra tòa.
Theo hợp đồng, học viên đi du học sẽ được hỗ trợ từ 1.000 đến 2.000 USD/tháng, tùy thuộc du học ở nước nào. Khi hoàn thành khóa học phải về làm việc ít nhất 7 năm cho TP Đà Nẵng. Đối với học viên trong nước, mức hỗ trợ từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/tháng và làm việc 5 năm cho thành phố.
Ông Nguyễn Phú Thái, Giám đốc trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, cho biết khi đưa ra quyết định trên, lãnh đạo thành phố đã cân nhắc rất kỹ bởi các học viên kiên quyết không chịu làm việc theo đúng cam kết nên phải bồi thường kinh phí đào tạo. "Thành phố tạo mọi điều kiện cho nhân tài được đi học nhưng nếu họ không quay về cống hiến, phá vỡ quy tắc hợp đồng thì cứ xét theo luật", ông Thái nhấn mạnh.
Người trong cuộc "phản pháo"
Năm 2004, học viên Hà Thanh An thi đỗ vào trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng chuyên ngành tiếng Anh và được thành phố hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng (1 năm hỗ trợ 9 tháng). Năm 2008, An ra trường và được bố trí làm việc ở Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng. Hai năm sau, An xin đi học thạc sĩ ở Anh 1 năm và được thành phố tiếp tục hỗ trợ 1.000 USD/tháng. Học xong, An quay về làm việc tại Sở Ngoại vụ 1 năm. Đầu năm 2013, An xin được suất học bổng học tiến sĩ ở Anh nên làm đơn xin phép nghỉ việc không lương một thời gian để học tiến sĩ, đồng thời cam kết khi hoàn thành khóa học sẽ trở lại phục vụ tiếp. Tuy nhiên, lãnh đạo TP Đà Nẵng không đồng ý.
"Cơ hội học bổng chỉ có 1 lần, nếu không nắm bắt thì sau này rất khó có. Tôi nghĩ con tôi đi học tiến sĩ mà thành phố không phải bỏ tiền ra để lo thì nên tạo điều kiện cho cháu", ông Hà Phước Nga, cha của An, bày tỏ. Ông Nga cũng nói thêm rằng An học tiến sĩ xong rồi sẽ trở lại phục vụ tiếp cho Đà Nẵng chứ không hề vi phạm hợp đồng.
Ông Nga cho biết tổng kinh phí mà thành phố hỗ trợ cho An là khoảng 600 triệu đồng. Nếu phải bồi thường gấp 5 lần (khoảng 3 tỷ đồng), gia đình ông không kham nổi.
Còn bà Xuân Mai (mẹ của học viên Hồ Thị Như Mai) cho biết, sau khi Mai thi đỗ vào trường ĐH Oxford (Anh), gia đình đã đến gặp ông Nguyễn Bá Thanh (nguyên Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng) để xin thành phố hỗ trợ kinh phí đi học theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và được đồng ý. Theo đó, mỗi năm, thành phố hỗ trợ 20.000 USD (trong vòng 3 năm). Học xong, Như Mai lấy chồng người Anh rồi đưa chồng về Đà Nẵng cùng làm việc để thực hiện nghĩa vụ với quê nhà.
Sau 2 năm làm việc ở Viện nghiên cứu kinh tế xã hội và Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Mai đã làm đơn xin phép nghỉ không lương một thời gian để trở lại Anh giải quyết chuyện gia đình, đồng thời cam kết sẽ trở lại Đà Nẵng tiếp tục làm việc. Dù việc này không được thành phố chấp nhận song vợ chồng Mai vẫn bỏ về Anh.
"Thành phố ra quyết định đòi bồi thường là hơi quá bởi con gái tôi chưa có dấu hiệu phá vỡ hợp đồng. Hơn nữa, nếu đền bù số tiền gấp 5 lần số tiền 60.000 USD thì không thể nào bồi thường nổi", bà Xuân Mai nói.
Đề án đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài nước ở Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2004 với 523 học viên. Đến nay, có 207 người trở về nhận công tác; 5 trường hợp xin rút khỏi chương trình, 12 trường hợp học tập không đạt kết quả, 6 trường hợp không thực hiện nghĩa vụ.
Thưa kiện là rất dở
PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết có khoảng 10% giảng viên của trường sau khi đi học ở nước ngoài theo các suất học bổng của nhà nước và của các tổ chức nước ngoài về thì xin nghỉ dạy. Những trường hợp đi học theo học bổng của nhà nước phải đền bù tài chính như trong cam kết. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ứng viên đi học theo các suất học bổng của các tổ chức nước ngoài, họ không có các ràng buộc sau khi học xong phải quay về trường thì nhà trường chủ yếu là vận động chứ không có trường hợp nào phải kiện ra tòa.
“Đối với trí thức và nhân tài thì việc phải thưa kiện họ là rất dở. Vấn đề là phải có thỏa thuận từ đầu, đừng để giữa chừng yêu cầu họ phải thế này thế kia. Đa phần trí thức không thích bị ràng buộc, nếu đối xử thô bạo sẽ ảnh hưởng rất lớn tinh thần của họ. Đặc biệt, các tổ chức tài trợ học bổng nước ngoài sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm”, PGS-TS Sen nói. Cũng theo ông Sen, để thu hút được những người tài quay trở về, trước hết là tạo điều kiện cho họ được làm việc tốt.
PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng không có luật nào yêu cầu người học khi ra nước ngoài phải trở về địa phương làm việc. Họ có quyền chọn công việc theo thị trường lao động. Nếu ép họ làm việc ở nơi họ không muốn thì hiệu quả công việc sẽ không còn, thậm chí làm cho tình trạng mất người càng nhiều thêm. Cách tốt nhất là tạo môi trường làm việc, nghiên cứu, cải thiện mức lương thì nhân tài sẽ tự nguyện quay về mà không cần phải ép.
Theo Người Lao Động