Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm trong vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB, bị cáo Kiên bị xét xử về 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong phiên tòa, bầu Kiên liên tục kêu oan và đề nghị tòa triệu tập đại diện cơ quan thuế, Phòng đăng ký kinh doanh TP HCM và thành phố Hà Nội, đại diện các Bộ Công thương, Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Văn phòng Chính phủ… đến tòa để được đối chất về các tội danh trên, đặc biệt là 2 tội Trốn thuế và Kinh doanh trái phép. Bị cáo cũng đề nghị triệu tập nhiều người khác vì cho rằng những cá nhân, tổ chức trên ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Kiến Thức xin điểm lại những công bố của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về những hoạt động kinh doanh sai trái của bầu Kiên mà báo chí đã nêu khi ông bầu này bị bắt tạm giam cách đây hơn một năm rưỡi.
|
Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 16/4. |
Theo công bố của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, việc khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên về hành vi “kinh doanh trái phép” do xác định bị can này có một số hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại ba công ty gồm: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu. Được biết, các công ty này đều do ông Nguyễn Đức Kiên thành lập với số vốn điều lệ “hoành tráng”, tổng cộng là 2.300 tỉ đồng.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch - đầu tư cấp thì Công ty CP đầu tư thương mại B&B có trụ sở kinh doanh tại số 63 Lương Sử C, P.Văn Chương, Q.Đống Đa, Hà Nội, với vốn điều lệ là 1.500 tỉ đồng.
Công ty đăng ký kinh doanh từ ngày 8/12/2008. Ngành nghề đăng ký kinh doanh gồm quảng cáo và nghiên cứu thị trường; kinh doanh vàng bạc đá quý (không bao gồm xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu); xây dựng dân dụng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho bãi đỗ xe.
Công ty có ba cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thúy Hương (em gái bầu Kiên), ông Nguyễn Đức Kiên và bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên). Trong đó ông Kiên góp 990 tỉ đồng (66%), làm chủ tịch HĐQT.
Ngày 21/3/2008, ông Kiên thành lập Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu với số vốn 500 tỉ đồng do hai thành viên góp vốn là ông Nguyễn Đức Kiên (chiếm 99% vốn góp) và bà Nguyễn Thúy Hương, trụ sở chính đặt tại 57B Phan Chu Trinh, P.Phan Chu Trinh, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cấp lại ngày 12/3/2012, 10 ngành nghề đăng ký kinh doanh gồm: kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống; xây dựng và kinh doanh sân golf; xây dựng giao thông, cầu đường, dân dụng và công nghiệp; quản lý tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp; đại lý thu đổi ngoại tệ; xuất nhập khẩu vàng trang sức; mua bán vàng bạc đá quý...
Ngày 10/11/2006, ông Kiên thành lập Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, trụ sở cùng đặt tại 57B Phan Chu Trinh, Hà Nội, có vốn điều lệ 300 tỉ đồng do ba cổ đông đóng góp là ông Nguyễn Đức Kiên, ông Huỳnh Vân Sơn và ông Trần Ngọc Thanh.
Bản thân ông Kiên góp vốn 70% và giữ chức chủ tịch HĐQT. Công ty này do ông Trần Ngọc Thanh làm giám đốc với tám ngành nghề kinh doanh gồm đầu tư xây dựng và kinh doanh khu thể thao, sân golf, sân tennis, hồ bơi; đầu tư và kinh doanh khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ; kinh doanh vàng; quản lý bất động sản; môi giới, đấu giá bất động sản, nhà đất...
Như vậy, tổng vốn điều lệ của ba công ty này lên đến 2.300 tỉ đồng, đều đặt dưới quyền chỉ đạo hoạt động của ông Kiên.
Mặc dù cả ba công ty nói trên không có chức năng đầu tư tài chính nhưng ông Nguyễn Đức Kiên vẫn sử dụng pháp nhân của chúng để tham gia vào lĩnh vực tài chính. Với khoản vốn điều lệ khổng lồ và uy tín của mình trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông Kiên đã xây dựng nên hình ảnh những công ty mạnh về kinh tế, khả năng kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ đó, ông Kiên lập các phương án kinh doanh lớn nhằm nâng giá trị tài sản của công ty lên, tạo ra uy tín về mặt tài chính. Cơ quan điều tra tình nghi những phương án kinh doanh này đều là phương án “khống” được vẽ ra để lấy lòng tin của khách hàng, ngân hàng khi tham gia đầu tư vào công ty của ông Kiên cũng như để ông Kiên sử dụng trong việc đầu tư tài chính trái phép.
Sau khi xây dựng hình ảnh, uy tín cho những công ty do mình “đẻ” ra, vào năm 2008 và 2010, ông Kiên nhiều lần phát hành trái phiếu của các công ty này, bán cho ngân hàng thu về hàng trăm tỉ đồng. Khoản tiền này ông Kiên giao cho người thân trong gia đình sử dụng để mua lại cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác.
Sau khi mua được cổ phiếu các ngân hàng khác, ông Kiên sử dụng chính số cổ phiếu này để thế chấp vay tiền ở ngân hàng mà mình đã bán trái phiếu để lấy tiền hoàn trả cho ngân hàng và sử dụng vào các mục đích cá nhân khác.
Cơ quan điều tra tình nghi các khoản tiền mà ông Kiên đã vay mượn ngân hàng dưới hình thức như trên lên đến cả nghìn tỉ đồng. Hành vi này bị xác định là “kinh doanh trái phép” do những công ty của ông Kiên lập ra đều không có chức năng kinh doanh, đầu tư tài chính.
|
Bầu Kiên và các đồng phạm trong vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB. |
Theo cáo trạng, Bầu Kiên cùng Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã đồng ý cho thực hiện chủ trương, ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định gây thiệt hại số tiền 718,9 tỷ đồng. Số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP HCM chiếm đoạt.
Về hành vi cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB, Bầu Kiên đã cùng với lãnh đạo Công ty TNHH Chứng khoán ACB (Cty ACBS) gồm Lê Vũ Kỳ, Chủ tịch Hội đồng thành viên triển khai thực hiện việc đầu tư mua cổ phiếu ACB không đúng với chủ trương ngày 2/11/2009 của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB và trái với quy định tại Điều 29, Quyết định 27/2007/QĐ – BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB tổng số tiền hơn 687 tỷ đồng.
Bầu Kiên tuy không tham gia HĐQT Ngân hàng ACB nhưng để duy trì quyền điều hành, chỉ đạo hoạt động kinh doanh đối với ngân hàng này, Kiên đã đề nghị HĐQT Ngân hàng ACB ra quyết định thành lập Hội đồng sáng lập, do Kiên làm Phó Chủ tịch. Theo đó, ông Kiên được tham gia, cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT và Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, được cung cấp đầy đủ các tài liệu về hoạt động kinh doanh, có quyền chi phối toàn bộ hoạt động, điều hành ACB.
Nguyễn Đức Kiên đã thống nhất với thường trực HĐQT Ngân hàng ACB về chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng gây thiệt hại 718 tỷ đồng. Ngoài ra, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, ông Kiên đã trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện chủ trương mua cổ phiếu ngân hàng ACB trên thị trường chứng khoán, trái quy định của pháp luật.
Minh Hiếu (tổng hợp)