Những chuyện chưa tiết lộ về cha con “người rừng“

Google News

Đến giờ "người rừng" cha Hồ Văn Thanh vẫn không nhận ông Hồ Văn Tri là con út của mình và cho rằng con ông đã chết rồi...

Tính đến nay, đã hơn 1 tháng kể từ ngày cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang được chính quyền và người dân xã Trà Phong, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi đưa về xuôi sống hòa nhập với cộng đồng.
Ông Hồ Minh Lâm, cháu của ông Hồ Văn Thanh cho biết, hiện cha con “người rừng” đã xuất viện vài tuần nay và đang được gia đình người con Hồ Văn Tri chăm sóc. Người cha cũng dần cởi mở hơn với bà con, xóm giềng. Ông ít nói chuyện nhưng khi người ta nói, hỏi han, ông im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng mỉm cười. Tuy nhiên, ông Thanh vẫn rất sợ người Kinh.
Theo ông Lâm, việc ông Thanh sợ người Kinh là có lý do từ cách đây hơn 40 năm trước. Ông Lâm bảo, cha và anh trai ông kể lại rằng, năm 1974, khi ông Thanh đang đi giữa đường thì gặp một người đàn ông người Kinh theo chính quyền Sài Gòn (cũ) nhìn ông cười khẩy, ít phút sau khi ông ta đi cách 1 đoạn thì một trận bom dữ dội ném xuống một căn hầm trú ẩn, làm 26 người chết, trong đó có mẹ và 2 con trai ông Thanh. Từ đó ông Thanh sợ người Kinh. Đến bây giờ ông vẫn hay mơ người Kinh kéo nhau đi phá nương rẫy, vào nhà lấy đồ đạc của hai cha con ông. Ngày thì ông ít nói nhưng đêm ngủ ông hay nói chuyện một mình, có lúc mơ, lúc tỉnh, lúc chửi rủa mà đôi khi người nhà cũng không hiểu ông nói gì.
Dù gia đình người con trai Hồ Văn Tri đã chăm sóc hai cha con ông Thanh cả tháng qua nhưng đến nay ông Thanh vẫn chưa nhận ra con mình cũng như các cháu nội của mình. Ông Lâm cháu ông Thanh cho biết, ông Thanh cho rằng người con trai út của mình là anh Tri đã chết rồi và không tin anh Tri còn sống. “Nguyên do câu chuyện thì dài dòng lắm, nói ra nhiều người không hiểu lại nghĩ không tốt cho ông Thanh”, ông Lâm lo sợ.
 Ông Hồ Minh Lâm bên cạnh "người rừng" con Hồ Văn Lang.
Theo lời kể của ông Lâm, khi ông Thanh mang người con thứ 3 là anh Lang bỏ vào rừng sống, người con út là anh Tri mới được khoảng 5-6 tháng tuổi, chứ không phải như một số báo nói là vợ ông Thanh đang mang bầu anh Tri. Trước đó, ông Thanh đi bộ đội được 6 năm thì ông bị tâm thần, tâm trí không bình thường, thỉnh thoảng về nhà ông có đánh vợ. Vì thế vợ ông đã ôm đứa con út mới 5-6 tháng tuổi qua ở nhà người thân. Khi ông đi tìm vợ con sau trận bom thì hàng xóm sợ ông tái bệnh nên giấu chuyện, nói là vợ con ông đã chết rồi.
Mất mát, đau khổ, ông bị sang chấn tâm thần nặng hơn và một ngày, ông ôm người con thứ Hồ Văn Lang trốn biệt vào rừng sống. Từ đó, ông luôn nghĩ rằng vợ và con trai út của mình đã không còn trên cõi đời này nữa. Thế nên người ta giải thích anh Tri là con ông, ông vẫn lắc đầu không nhận dù ngày ngày vợ chồng anh Tri cơm bưng nước rót cho ông. Nhiều người dân Tây Trà khẳng định, nếu ông Thanh không bị ốm nặng nằm thoi thóp, thì chắc chắn sẽ không ai có thể đưa được 2 cha con “người rừng” về lại làng. Sự kiên quyết cắt đứt với cộng đồng của cha con ông Thanh có lẽ cũng từ những lý do trên.
Vẫn quay quắt nhớ rừng già
Ông Hồ Văn Lập, phó chủ tịch xã Trà Phong, em rể ông Hồ Minh Lâm, kể, lần nào qua thăm cha con “người rừng” hầu như cũng thấy ông Thanh đòi trở về với rừng xanh, với căn chòi của mình. Dạo gần đây ông Thanh có vẻ im lặng hơn, người ta cứ tưởng ông đã an lòng khi ở lại với dân làng. Nhưng không phải vậy. Mấy ngày nay ông Thanh lại tha thiết đòi về rừng. Ông cứ bảo với người con Hồ Văn Lang là đến mùa lúa trổ bông rồi, về để thu hoạch thôi. Bắp cũng sắp ra trái rồi, không về canh nương rẫy thì khỉ nó ăn hết bắp.
Cách đây 3 hôm ông Hồ Minh Lâm có vào lại rừng thăm căn chòi và nương rẫy của người chú mình. Ông Lâm cho biết nương ngô đã bị đàn khỉ phá hết, còn ruộng lúa vẫn trổ bông tươi tốt. “Sắp tới tôi phải cùng vài người vào thu hoạch thôi. Cũng muốn cho cha con ông Thanh đi cùng cho đỡ nhớ nương, nhưng người cha giờ sức khỏe cũng yếu rồi, sợ không đi bộ được vài tiếng đường rừng. Với lại tôi cũng sợ cha con ông ấy vào đấy rồi trốn biệt trong đó, rừng sâu nước độc mình không rành được như họ, biết đâu mà tìm”, ông Lâm nói.
Để giúp ông Thanh vơi đi nỗi nhớ nhà, ông Lâm mỗi lần vào rừng cùng với đoàn truyền hình, báo chí nào lại quay phim, ghi thành đĩa về cảnh rừng già, sông suối, chim muông, nương rẫy, căn chòi của cha con ông Thanh và về mở đĩa cho ông Thanh xem, rồi giải thích ông sức khỏe yếu không về được, phải ở đây an dưỡng. Lúc đó ông Thanh im lặng ngậm ngùi xem, còn người con Hồ Văn Lang luôn tỏ ra thích thú, chỉ trỏ. Song anh Lang không đòi trở về rừng như cha mình.
Theo Người đưa tin