Những dự án tiền tỷ vừa nghe... đã thấy phi lý

Google News

(Kiến Thức) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều đơn vị vẫn có thể đưa ra những dự án "trên trời" ngốn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Chi 48 tỉ để tháo... 17km dải phân cách

Sở GTVT tỉnh Hải Dương vừa có dự án trên 48 tỷ đồng để tháo dỡ dải phân cách giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ trên tuyến QL5, từ Km 43+900 đến Km60+100 (thuộc địa bàn TP Hải Dương). Thời gian thi công dự kiến thực hiện từ nay đến cuối tháng 6/2013. 

Tuyến đường được tháo dỡ dải phân cách có địa hình hai bên là khu công nghiệp và khu dân cư với quy mô mặt đường 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ). Theo thiết kế, tuyến đường sẽ giữ nguyên quy mô đường hiện tại, chỉ tiến hành tháo dỡ và vuốt nối cho êm thuận giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ; tháo dỡ toàn bộ biển báo nằm giữa phân làn xe cơ giới và làn xe thô sơ. Tại những vị trí trạm xe bus, ở hai đầu trạm giữ nguyên hộ lan di động với chiều dài 20m; tiến hành trồng mới bổ sung tôn lượn sóng tại một số vị trí (đầu cầu, các vị trí ao, hồ, nền đắp cao, đầu cống…).

 Hải Dương chi 48 tỉ để tháo... 17km dải phân cách

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tháo dỡ dải phân cách giữa làn xe cơ giới và thô sơ trên quốc lộ 5 là cần thiết, nếu không nói đến bây giờ mới tháo là quá muộn. Tuyến đường này mật độ phương tiện lưu thông lớn, việc đặt dải phân cách ngăn làn xe cơ giới và thô sơ ban đầu được nói “để đảm bảo an toàn” nhưng hiện đang tác dụng ngược do hai làn xe cơ giới quá hẹp. 

Tuy nhiên, 48 tỉ đồng là số tiền lớn đối với địa phương. Với số tiền đó đã có thể xây dựng hàng chục kilomet đường giao thông nông thôn, còn với đường đô thị cũng làm được nhiều việc có ý nghĩa, tu bổ, sửa sang được rất nhiều công trình. 48 tỉ cũng bằng khoảng 10-20% nguồn thu ngân sách ở tỉnh nghèo, xây được hơn 1.000 nhà tình nghĩa, một con số rất đáng suy ngẫm, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Thế nhưng, số tiền lớn ấy lại để làm cái việc ngỡ không có gì tốn kém: tháo dải phân cách, nói nôm na là nhổ mấy cái cọc ở đường bộ. 


Đổ bùn lấp biển Cát Bà

Đề án "Đổ bùn lấp biển cát Bà" cũng từng thu hút sự quan tâm của dư luận bởi sự phi lý ngay từ cái tên gọi.

Phương án “đổ bùn ra biển” lần đầu tiên xuất hiện từ công văn hỏa tốc của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi UBND TP Hải Phòng ngày 3/4/2012. Trước đó, ngày 2/12/2011 UBND thành phố Hải Phòng đã trình Thủ tướng Chính phủ hai phương án đổ bùn và Thủ tướng đã có có ý kiến chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì phối hợp với thành phố này để xác định rõ khối lượng, kinh phí đổ bùn vào Khu công nghiệp (KCN) Nam Đình Vũ.

 Chi 6.000 tỷ đồng cho "Đổ bùn lấp biển Cát Bà"?

Hai phương án mà UBND TP.Hải Phòng trước đó chọn trình để xử lý 40 triệu mét khối bùn nạo vét được gồm: phương án một - đổ ở khu vực sau đê chắn sóng của hai bến khởi động tại khu vực nam Cát Hải; phương án hai: đổ tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ. 

Thế nhưng trong phương án "đổ bùn ra biển" mà JICA tư vấn cho Bộ GTVT, hầu hết lý lẽ của JICA đều cho rằng như vậy sẽ tiết kiệm tối đa tiền và thời gian. Theo tính toán của JICA, cự ly từ điểm hút đến vị trí xả bùn chỉ 16 km (phía Nam Cát Bà) luồng đường thông thoáng, chỉ phải chi phí cho nạo hút bùn với tổng số tiền 35 tỷ Yên (khoảng 6.000 tỷ đồng). Phương án này không phải xây dựng đê bao, đào hố trung chuyển, cứ xả thẳng bùn ra biển là xong (?!). 

Mặt khác, theo đúng cách này cũng không phải nạo vét luồng công vụ nên thời gian chỉ mất 41 tháng, bảo đảm tiến độ dự án. Và quan trọng hơn việc xây dựng đê bao, đào hố trung chuyển, nạo vét tuyến đường công vụ không nằm trong Hiệp định vốn vay của ODA (Nhật Bản). 

Theo tính toán của các nhà khoa học, trong phương án đổ bùn ra biển của JICA chưa tính toán kỹ những tác động môi trường cực xấu đến những vùng biển xung quanh như Đồ Sơn, Cát Bà và Vịnh Hạ Long. Ngoài ra phương án này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chế độ dòng chảy, chế độ sóng và làm thay đổi thủy triều của cả khu vực Hải Phòng. 

"Hãy thử tưởng tượng 40 triệu mét khối bùn đổ ra biển chỉ cách chỗ nạo vét 16km và ở phía Nam quần đảo Cát Bà sau một thời gian sẽ quay lại lấn vào "đảo Ngọc". Hàng ngàn ha rừng nằm trong khu dự trữ sinh quyển và hàng trăm loài thực vật trong sách đỏ sẽ bị bùn vùi lấp", TS Vũ Văn Bằng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Nước và Môi trường (Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam) vẽ ra một "kịch bản chết" trên "quần đảo vàng" nếu phương án đổ bùn ra biển của JICA được thực hiện. 

12.174 tỉ đồng xây trụ sở Bộ GTVT

 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần 223.000 tỉ đồng để hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển đội tàu biển, máy bay, đào tạo nguồn nhân lực theo đề án công nghiệp hóa - hiện đại hóa Bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án này đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt vào cuối tháng 4/2012.

Theo đề án, để hiện đại hóa công tác quản lý, chỉ đạo điều hành ứng dụng công nghệ thông tin trong khối hành chính sự nghiệp và trường, viện cần tới 278 tỉ đồng tới năm 2030 cho 24 danh mục phần mềm, cơ sở dữ liệu (153 tỉ đồng giai đoạn 2012-2015 và 125 tỉ đồng cho giai đoạn 2016-2020). Riêng khối doanh nghiệp cần tới hơn 227 tỉ đồng đến năm 2030 cho các loại phần mềm quản trị doanh nghiệp.

Với việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn tại văn phòng bộ, tám tổng cục, cục chuyên ngành và 22 tổng công ty, sáu trường, viện, Bộ GTVT ước tính cần 12.174 tỉ đồng cho đến năm 2030 (riêng từ 2012-2015 cần 7.950 tỉ đồng). Trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng bộ là 1.000 tỉ đồng và các tổng cục, cục là hơn 4.800 tỉ đồng. Số tiền đầu tư này nhằm xây dựng trụ sở mới cho một số cục chưa có trụ sở làm việc, nâng cấp trụ sở làm việc của các đơn vị đã chật chội, xuống cấp.

Để thực hiện mục tiêu đầu tư đội tàu biển cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có tổng tải trọng xấp xỉ 15 triệu tấn vào năm 2015, Bộ GTVT dự tính cần 30.000 tỉ đồng để có đội tàu 67 chiếc các loại. Kế hoạch đến năm 2030 cần thêm 70.000 tỉ đồng để có 95 tàu các loại. Về vận tải hàng không, Bộ GTVT sẽ cần 80.000 tỉ đồng để phát triển đội máy bay của Vietnam Airlines lên 181 chiếc vào năm 2020 gồm 70 máy bay sở hữu, 101 máy bay thuê (trong đó giai đoạn 2012-2015 cần hơn 43.000 tỉ đồng để có đội máy bay 112 chiếc gồm 57 chiếc sở hữu, 55 chiếc thuê).

 Nhiều ý kiến bày tỏ sự ngạc nhiên đến mức “sốc”, “choáng” với đề án này. Hầu hết ý kiến cho rằng số tiền “khủng” đó nếu dùng đầu tư hạ tầng giao thông thì sẽ hiệu quả hơn.

Đề án hơn 10 nghìn tỷ cho văn hóa

Mới đây Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa đưa ra đề án với mục tiêu xây mới hàng chục công trình văn hóa, dự chi tới hơn 10.000 tỷ đồng trong khi bản thân vô số Nhà văn hóa rải khắp cả nước còn chưa được sử dụng hết công suất...

Mục tiêu của đề án cả chục nghìn tỷ này là “hoàn thiện hệ thống các công trình văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đặc biệt các khu vực vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn”, theo đó, “từng bước đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình văn hóa có chất lượng cao, hiện đại, tầm cỡ khu vực”.

Theo một số chuyên gia, chủ trương “làm mới” và xây dựng những công trình văn hoá là đúng; tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn hiện nay, thì đơn vị quản lý cũng phải lượng sức mình.

Nói như một chuyên gia kinh tế, lợi nhuận trên suất đầu tư cho nghệ thuật chưa thật sự hấp dẫn. Và làm sao để “thuyết trình” các DN góp vốn là việc làm không hề đơn giản.
Trong khi đó, những công trình hiện hữu, việc quản lý lại chưa thật sự “đến đầu đến đũa”, hoặc có công trình đã hoàn thiện đi vào sử dụng nhưng lại “không phù hợp”, gây lãng phí.

Xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia lớn nhất Việt Nam

Trước khi có đề án "Hơn 10 nghìn tỷ cho văn hóa", Bộ Xây dựng cũng  đưa ra ý tưởng xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia lớn nhất Việt Nam tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây (Từ Liêm, Hà Nội), với tổng mức đầu tư lên đến 11.277 tỷ đồng cũng đã gặp sự phản ứng của dư luận. Nhiều người lo ngại ý tưởng của Bộ Xây dựng sẽ lặp lại tai tiếng như công trình bảo tàng chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội trên đường Phạm Hùng.


 Ý tưởng xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia lớn nhất Việt Nam của Bộ Xây
 dựng bị đặt những dấu hỏi lớn.


Được ví von là “điển hình của sự lãng phí”, Bảo tàng Hà Nội với tổng mức đầu tư lên tới 2.300 tỉ đồng, theo nhận định, đã không khai thác hết công năng và xứng tầm với quy mô của một công trình lớn. Và ngay khi đưa vào sử dụng chưa lâu, một số hạng mục cũng có dấu hiệu xuống cấp.

Một kết luận thanh tra mới đây cho thấy, dự toán thiết kế đã tính sai số tiền hơn 5,6 tỷ đồng tại 6 gói thầu. Cũng tại công trình “điển hình” này, cơ quan chức trách còn phát hiện sai do thanh toán, quyết toán không phù hợp với hồ sơ hoàn công và yêu cầu giảm trừ số tiền hơn 6,9 tỷ đồng. Tổng cộng sai phạm kinh tế ở Bảo tàng Hà Nội được xác định là 12,5 tỷ đồng.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU

Thuần Lương (T.H)