Khu du lịch Đại Nam nổi tiếng ở tỉnh Bình Dương là của đại gia Huỳnh Uy Dũng (biệt danh "Dũng lò vôi") - người đang là tâm điểm của dư luận khi một loạt những thị phi liên tiếp ập đến gia đình ông thời gian gần đây.
Hôm qua (23/12), tên tuổi của ông Dũng lại một lần nữa được nhắc đến khi khu du lịch do ông làm chủ xảy ra tai nạn gây chết người. Cụ thể, tại khu du lịch này, một chú voi được thuần chủng 9 năm đã quật một huấn luyện viên khi người này đang sơn lại chuồng voi. Vụ việc làm anh Đoàn Hữu Tài (28 tuổi, quê Vĩnh Long) bị chấn thương sọ não và chết trên đường đi cấp cứu.
|
Cổng vào vườn thú trong khu du lịch Đại Nam. |
Trước đó, một vụ tai nạn gây chết người khác cũng từng xảy ra tại khu du lịch này khiến nhiều người khiếp sợ. Vụ việc xảy ra vào ngày 10/9/2009 khi 3 công nhân của vườn thú khu du lịch Đại Nam đang trồng cây trong một chuồng nuôi hổ thì bất ngờ một con hổ từ chuồng bên cạnh nhảy qua cắn một người chết tại chỗ và làm một người khác bị thương nặng.
Nạn nhân thiệt mạng là anh Nguyễn Công Danh (47 tuổi, ở tại phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương). Người bị thương là anh Nguyễn Thanh Giàu (21 tuổi), bị hổ tấn công vào mặt.
Theo vị đại diện vườn thú khu du lịch Đại Nam, các chuồng nuôi thú ở khu du lịch Đại Nam được thiết lập với không gian mở để du khách thoải mái ngắm thú nhưng các chuồng đều được lắp đặt hệ thống xung điện để bảo vệ, có cả ao nước rộng 7-8 m nhằm tạo khoảng cách an toàn giữa người xem thú và thú nuôi. Còn vụ tai nạn xảy ra là do nhóm công nhân trên đang dùng cần cẩu đưa cây xanh vào chuồng để trồng cây, khiến hổ bị kích động nhảy qua chuồng khác gây nên sự cố.
Liên quan đến vụ tai nạn bị hổ cắn chết tại khu du lịch Đại Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, về trách nhiệm dân sự, khu du lịch Đại Nam phải bồi thường ngoài hợp đồng cho các nạn nhân. Trong trường hợp này, cả người bị chết lẫn người bị thương đều có thể được bồi thường về tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm, bồi thường tổn thất về tinh thần (cho nạn nhân và gia đình nạn nhân). Ngoài ra, phía bồi thường cũng có thể phải lo chi phí thuốc men, thu nhập bị mất, ma chay, cấp dưỡng con cái, cha mẹ nạn nhân... theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng theo nhiều luật sư, vụ việc này khó xử lý hình sự.
Sau vụ tai nạn xảy ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương phối hợp với Cơ quan Kiểm lâm vùng III và các ban ngành đã tiến hành kiểm tra tất cả các nơi nuôi thú dữ trên địa bàn, đặc biệt là vườn thú ở khu du lịch Đại Nam.
Không chỉ chứng kiến những tai nạn do thú dữ gây ra, tại khu du lịch Đại Nam cũng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm khác.
Ngày 7/2/2011, một nữ du khách đi du xuân trong khu du lịch Đại Nam đã tử vong do tai nạn vì ngã xe lửa. Nạn nhân được xác định là bà Nguyễn Thị Nến (48 tuổi, ở quận 1, TP HCM). Khi đó, bà Nến đang cùng chồng và hàng chục du khách di chuyển bằng "xe lửa" phục vụ miễn phí của khu du lịch Đại Nam để tham quan. Khi xe gần đến nơi đỗ thì bất ngờ bà Nến bị ngã xuống đường. Nhân viên ở đây đã tổ chức sơ cấp cứu và đưa nạn nhân đến bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) nhưng do bị chấn thương sọ não quá nặng, bà Nến đã không qua khỏi.
Theo đại diện khu du lịch Đại Nam, mặc dù đã khuyến cáo việc mất an toàn do chen lấn, thế nhưng nhiều hành khách không còn chỗ ngồi vẫn cố bám theo và đứng trên xe. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, chồng bà Nến ngồi bên trong, riêng bà đi sau nên hết chỗ phải đứng ngoài bìa. Có thể trong khi xe di chuyển, nạn nhân đã bị chen lấn dẫn đến ngã xuống đường.
Sau vụ việc, đại diện khu du lịch Đại Nam đã cử người đến thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân, đồng thời có một khoản trợ giúp gia đình nạn nhân nuôi 2 con nhỏ.
Trước đó, vào dịp Xuân Canh Dần năm 2010, tại khu du lịch này, cũng có 2 du khách bị ngã khi đi xe lửa, trong đó một phụ nữ bị gãy tay. Nguyên nhân được xác định là do các chuyến xe quá tải, khách chen lấn xô đẩy dẫn đến tai nạn. Thế nhưng tình trạng này sau đó không được chủ khu du lịch khắc phục nên những tai nạn tương tự vẫn xảy ra.
Hải Sơn (tổng hợp)