“Né” Trường giáo dưỡng, Công tụ tập đám “choai choai”, trong đó có cả “người đẹp”, đi dạt rồi cướp tài sản của “xế” taxi lấy tiền đốt vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng…
Đứa con mang họ mẹ
Ở cái tuổi 16 nhưng khó tìm được nét trẻ con trên khuôn mặt của Lê Đình Công, trú tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Chính cái vẻ bất cần đời ấy mà Công chinh phục được đám đàn anh. Tám người, trong đó có cả “kiều nữ” Nguyễn Thị Trang, đã quy tụ dưới “trướng” của Công.
Dường như đoán định trước tương lai của thằng con trai duy nhất, bà Lê Thị H tỏ ra bình tĩnh khi Công bị bắt vào ngày 7/10/2012. Công là đứa con “rơi” và bà H đã một mình nuôi con trong tủi cực. Không được bố thừa nhận, Công mang họ mẹ. Từ nhỏ, Công đã lì lợm vì chẳng được như chúng bạn. Hàng xóm dị nghị, Công chán rồi bỏ học vào năm lớp 6. Quanh quẩn trong ngôi nhà vắng bóng người, Công la cà quán “nét” và tiêm nhiễm thói xấu từ lúc nào không hay. “Tướng cướp” tuổi teen này “xoay” đủ cách để có tiền chơi game.
|
Các đối tượng “ăn bay” trong nhóm của Công. |
Mải lo cơm áo, bà H không có nhiều thời gian săn sóc con. Khi nó nằng nặc đòi nghỉ học, bà đành chịu. Thấy con trượt dài mà bà mẹ này bất lực. Tí tuổi đầu, Công đã phá phách. Bà H lo sợ con sẽ hủy hoại tương lai của mình nên nuốt đắng cay cho nó rèn luyện ở trường giáo dưỡng. Một năm sống trong môi trường kỷ luật không khiến Công thay đổi, thậm chí, “tướng cướp” tuổi teen này còn ngỗ ngược, gai góc hơn.
Ra trường, Công tiếp tục cuộc sống “nổi loạn” và không chừa được thói trộm vặt. Bà H đã phải phiền đến CA xã “dằn mặt” con nhưng mỗi lần nghe thuyết giảng, Công đều bỏ ngoài tai. Công bỏ nhà thành chuyện cơm bữa và bà H không đủ sức hết lần này đến lần khác tìm con. Bà mẹ này không hay biết rằng, những lần đi dạt ấy, Công sống “bầy đàn” với đám bạn “chát”. Hết cách, UBND xã một lần nữa gửi công vào trường giáo dưỡng với thời hạn 18 tháng.
Nhưng có “kinh nghiệm”, Công lẩn như trạch vì sợ quay lại chốn cũ, phải sống trong khuôn khổ. Cũng thời gian trốn “án” này, Công cùng Đào Duy Dương, Nguyễn Văn Chiến – đều SN 1993, trú tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội; Đào Duy Tùng, SN 1994, trú tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội; Nguyễn Hữu Hưng, SN 1993, quê Phú Thọ; Đỗ Việt Anh, SN 1994, quê Thanh Hóa; Vũ Đình Long, SN 1995, quê Thanh Hóa; Phạm Tam Long, SN 1994, quê Phú Thọ; Nguyễn Thuỳ Trang, SN 1996, trú tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội, đi “ăn bay”.
Đáng chú ý, đám bạn này cũng đều bỏ học giữa chừng và thích đi “bụi”. Chiến từng bị xử phạt hành chính vì vi phạm pháp luật, còn Tùng từng đi Trường giáo dưỡng nhưng tâm tính không đổi.
Ba vụ cướp trong “đêm trông trăng”
Để che mắt người đi đường, dễ bề cướp tài sản, nhóm của Công nhắm vào “xế” taxi. Đêm 30/9/2012, khi đi chơi tết Trung thu về, Công bàn với đám bạn “chát” về chuyện “ăn bay”. “Cháy túi” nên cả bọn gật đầu ngay. Công đưa ra kế, dụ lái xe taxi về khu vực đền Sái, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, rồi khống chế, cướp tài sản. Khu vực này vắng, Công lại thông thuộc địa hình nên cả nhóm nhất trí.
19g30 ngày 1/10/2012, Công cùng Dương, Chiến, Tùng, Đình Long, Việt Anh bắt xe buýt từ huyện Đông Anh đến đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội và ngồi uống nước ở một quán ven đường. Tại đây, Công đã gọi Hưng, Tam Long đến trao đổi lại kịch bản vụ cướp. Để “câu giờ”, Công cùng đám bạn “đốt” thời gian ở chợ Xanh, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 22h30 cùng ngày, Chiến, Hưng, Tam Long bắt xe taxi do anh Nguyễn Trọng Tài, SN 1989, quê Thái Bình, điều khiển.
Còn Công, Dương thì lên xe taxi khác của anh Vũ Văn Giang, SN 1982, quê Nam Định; Tùng, Việt Anh và Vũ Đình Long thuê xe taxi do anh Vương Đắc Việt, SN 1981, quê Bắc Giang. Cả 3 xe đều nhằm hướng Đông Anh đi đền Sái, trên đường qua xã Nam Hồng, Công đón Trang. Như đã định, từng tốp thực hiện việc “ăn bay” đã toan tính.
Tùng chỉ đường cho lái xe Việt cho ô tô chạy đến khu vực đường cầu tre, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Lấy lý do chờ bạn để lấy máy tính xách tay, Tùng yêu cầu anh “xế” dừng xe. Vị khách này vờ hết pin điện thoại và mượn điện thoại của anh Việt. Anh Việt đưa điện thoại của mình cho Tùng. Cầm được tài sản, Tùng, Đình Long, Việt Anh xuống xe như thể để chờ bạn. Nhân cơ hội anh Việt không để ý, nhận được tín hiệu từ Tùng, cả 3 đã tháo chạy.
Ở chuyến xe thứ 2, sau khi Chiến, Hưng, Tam Long lên xe, anh Tài chở họ sang huyện Đông Anh. Chiến ngồi ghế phụ phía trước làm “hoa tiêu” và bảo lái xe đi về trục đường thuộc xã Thụy Lâm. Khi đến gần đền Sái, lúc này đường vắng teo, Chiến dùng “bài” mượn ĐTDĐ gọi cho bạn ra đón và anh “xế” này không thể từ chối khách. Chiếc xe lăn bánh đến đền Sái, đoạn đi xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, Chiến bảo dừng xe. Những tên cướp xuống xe và Hưng lại gần anh Tài đe: "Mày có tiền không, đưa đây!". Biết gặp toán cướp, anh Tài hốt hoảng vét túi, đưa 630.000 đồng, số tiền chạy xe cả ngày, đưa Hưng. Hưng còn “vặt” nốt chiếc đồng hồ lái xe này đang đeo. Trong lúc đó, Tam Long lục tài sản ở xe nhưng không lấy được gì.
Anh “xế” của chuyến xe cuối cùng cũng rơi vào cảnh tương tự. Công đã chỉ đường cho anh Giang lái xe đến ngã tư Nam Hồng đón Trang rồi cả bọn đi Bắc Ninh. Lúc lên xe, Trang đánh tiếng: “Giờ sang Bắc Ninh chơi à?”. Câu nói của vị khách nữ khiến anh Giang tin đám khách này đi chơi xa. Trên đường đi, Công điện thoại và được Chiến cho hay, đã có chiến lợi phẩm.
Theo lời Chiến, Công hướng dẫn anh Giang điều khiển xe đi vào đường Thụy Lâm, hướng đền Sái. Nhận được thông báo của Công, xe sắp tới nơi, Chiến cùng đồng bọn phục sẵn. Dùng chiêu điện thoại hết tiền, Công mượn máy của anh Giang. Xe đến địa phận tỉnh Bắc Ninh, thấy Chiến, Hưng, Tam Long đứng ven đường, Công yêu cầu anh Giang tấp xe gần đám bạn. Công thản nhiên cầm ĐTDĐ của anh Giang rồi cùng Dương, Trang xuống xe. “Vào làm luật đi” – Công nói với Hưng. Hưng, Chiến, Tam Long áp sát lái xe giở giọng cùn: "Bọn tao không có tiền trả, mày cho xin cuốc này; có bao nhiêu tiền thì đưa đây". Anh Hưng bất đắc dĩ đã phải đưa ví cho nhóm.
Gặp nhau và thống kê số tài sản cướp được, Hưng đã đưa chiếc đồng hồ cướp được cho Công đeo. Sau đó, Tùng, Việt Anh, Đình Long bắt taxi của anh Nguyễn Anh Tùng, SN 1991, trú tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội, về khu vực đền Sái đón Công, Dương và Trang. Chiến, Hưng, Tam Long thì lên xe của anh Trần Đình Vương, SN 1970, trú tại xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội. Trên đường về, Tùng, Việt Anh, Đình Long, Công, Dương, Trang, Chiến, Hưng và Tam Long chưa kịp giở trò thì bị Đội Cảnh sát hình sự, CA huyện Đông Anh kiểm tra phát hiện, đưa về trụ sở làm rõ. Từ đây, các đối tượng “lòi đuôi” cướp.
Tuổi đời chỉ từ 16 đến 18 nhưng “toán cướp” này tỏ ra táo tợn, thực hiện hành vi “bài bảng”. Điều đó thể hiện ở việc cắt cử, phân công người thực hiện “ăn bay” và cùng một lúc chia làm 3 toán, áp đáo 3 xế taxi để cướp ĐTDĐ, tiền. Anh Nguyễn Hùng C, quê Nam Định, “xế” kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cho hay, phải bản lĩnh mới nên chạy taxi đêm. Nhất là khi gặp khách “choai choai”, đầu “xanh đỏ” lại đi xa trong đêm.
Nếu “liều” thì phải lên phương án đề phòng trường hợp xấu nhất: “Thường trong xe của tôi bao giờ cũng có tiền triệu dự phòng nhưng đố ai lần ra được chỗ giấu. Mỗi khi trả khách, tôi tranh thủ để lại ít tiền lẻ trong ví, thậm chí không. Đặc biệt, không nên đeo đồ trang sức hay đồng hồ; ĐTDĐ thì cũng chỉ cần loại “cục gạch” vì không thể đứt liên lạc. May mắn cho 3 anh taxi trên là số tài sản bị cướp không nhiều. Họ đã mềm mỏng nên các đối tượng không manh động. Nói dại, nhiều “xế” giải quyết tình huống thiếu hợp lý đã mất mạng”.
Theo Pháp luật & Xã hội