Nuôi ngựa đua từng là mốt thượng một thời của người Sài thành nhưng đến nay gần như đã “chết” hẳn. Vẫn còn những chủ lò ngựa quyết giữ nghề, những mã phu quyến luyến với nghề gia truyền nhưng chủ yếu là nuôi “làm cảnh” và bởi quá ân tình với những chiến mã mà họ từng tận tâm chăm sóc.
Chiến mã nơi chiến trường
Tôi tới gặp chủ lò nuôi ngựa đua Phạm Thành Hiếu, ấp 3, Phước Kiểng, Nhà Bè (TP HCM) trong cái nắng hanh hao của tiết trời Sài Gòn cuối năm. Nghe thấy tiếng huýt sáo của ông chủ, chú ngựa có cái dấu trắng hình thoi trước mặt hí vang chạy tới chỗ chủ, anh Hiếu vuốt ve đôi tai, xoa đầu ngựa, nhìn nó với ánh mắt trìu mến: “Đây là Elai!”.
|
Mã phu Phạm Thành Hiếu đang chăm sóc Elai. |
Câu chuyện về Elai đưa chúng tôi trở về ký ức một thời nuôi, đua ngựa của gia đình anh Hiếu: “Nuôi ngựa đua là nghề gia truyền của gia đình tôi. Tôi ham đua ngựa từ khi còn nhỏ, khi cảm nhận được nghề đua là ra “chiến trường”, hòa vào khí thế hừng hực của các chiến mã thì niềm đam mê tăng lên gấp bội”.
Theo anh Hiếu, chọn ngựa đua đầu tiên phải chọn dòng giống cha mẹ ngựa, nhất là ngựa cha. Hiện nay, ngựa lai nhiều, chủ yếu là bên Mã Lai nhập qua. Ngựa lai thì sức, dáng đều trội hơn, tốc độ nhanh hơn. Chuẩn bị thể lực, tinh thần cho ngựa trước ngày thi đấu là tập luyện bơi sông, chạy bộ, nếu ngựa mập thì phải giảm cân. Sau mỗi đợt đua phải truyền nước biển, dùng thuốc bổ là các loại vitamin để phục hồi sức khoẻ cho ngựa. Ngựa mà chích doping người trong nghề nhìn là biết liền, mắt ngựa sẽ đỏ lừ, sức sung khác thường. Chích thuốc nhiều sẽ có hại cho ngựa, giảm thời gian thi đấu, có con còn quỵ luôn sau trận đấu vì bị dùng quá liều.
Kể về những chiến mã của mình, anh Hiếu bồi hồi: “Lúc cao trào nhất trong nghề đua tôi nuôi 17 - 18 con. Năm 2010, tôi còn cả chục ngựa chiến, nhưng phục nhất là Elai. Lần đó thi đấu cả đoàn mệt nhoài, về tới chuồng là nằm bẹp, riêng Elai vẫn đầy cố gắng. Nó đã vượt qua các vòng đấu bất ngờ, đem lại một khoản tiền kha khá giúp tôi có điều kiện chăm sóc cho cả đàn. Với Elai, không chỉ là chiến mã trên trường đua, mà mãi là chiến mã trong lòng tôi, dù hiện nay nó chỉ là con ngựa bình thường vì trường đua đã đóng cửa”.
Hoài niệm mã phu
Ngược quốc lộ 1A chúng tôi tới trại nuôi ngựa đua của mã phu Nguyễn Văn Đông, Ngô Minh Hải, Võ Hoàng Vi Thanh ngụ xã Xuân Thới Thượng, xã Thới Sơn (Hóc Môn, TP HCM). Mình mẩy lấm lem, ông Đông đang xoay trần dọn chuồng ngựa. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Đông vẫn đầy khí thế kể về cách chăm sóc ngựa đua: “Ngựa đua ăn lúa, cỏ. Lúa phải là lúa hạt tròn, không nhiều lông trên vỏ hạt, trước khi cho ngựa ăn phải ngâm lúa cho mềm. Ngựa 3 – 5 tuổi bắt đầu cho ra trường đua, nhưng 5 tuổi đua là vững nhất. Thời điểm 3 tuổi thì chỉ cho ra tập chuồng, ham cho ngựa đua sớm sẽ dễ bị bung giò, hư cẳng. Chuẩn bị cho thi đấu là phải cho ngựa tập luyện chạy bộ 10 – 12km/ngày, rèn thể lực. Sau trận đấu bóp chân cẳng, xương sống cho ngựa bằng thuốc lá ngâm. Quý nhất là ngựa thông minh, chưa bao giờ tôi thấy nài ngã ngựa mà ngựa giẫm phải. Ông cha vẫn thường quan niệm ở chân ngựa có mắt, chính vì thế nhiều gia chủ kinh doanh xe ô tô, cũng như bán buôn lớn thường thờ móng ngựa là vậy”.
|
Mã chiến Hoài Bão (Số 6) vượt lên xứng ngôi vô dịch ở phút cuối trận đấu. |
Ông Ngô Minh Hải thì hào hứng kể: “Một năm có 4 cúp. Giật được cúp đại hội truyền thống là danh dự của cả năm. Trước trận đua, anh em không ngủ được, cứ ngồi canh ngựa ngủ, ăn, ngủ cùng ngựa luôn”. Vất vả thật, nhưng bù lại là những trận hò reo sôi sục trên sân đấu. Ông Đông mở lại đoạn clip quay tại trường đua năm 2010 mà ông tâm đắc nhất là con át chủ bài Mã Hoài Bão. Cả nhà ông Đông xúm quanh chiếc máy vi tính cùng hò hét, như sống lại không khí trường đua. Ông Đông reo lên: “Hoài Bão kìa! số 6, nhóm 4. Nó sẽ bứt phá bất ngờ ở phút cuối của trận đấu”. Đúng thế! chỉ còn vài phút cuối trận, bất ngờ Mã Hoài Bão vượt qua tất cả các đối thủ, xứng ngôi vô địch.
“Thần mã” chờ tái xuất
Nghề đua ngựa đang ở độ sung sức thì năm 2011 bất ngờ trường đua Phú Thọ (TP HCM) đóng cửa. Các chủ nuôi ngựa đua tâm sự: Nuôi ngựa đua là sự đam mê, chứ giải thưởng chỉ là khích lệ động viên. Nay đóng cửa trường đua nhiều anh em đã đầu tư tiền tỷ nuôi ngựa, tiếp tục nuôi thì chi phí chịu không nổi, bán đi thịt thì tội chúng mà tiền cũng chẳng được là bao. Có những ngựa đua được phong là “Thần mã”, khi giải thể trường đua có khách trả gần tỷ đồng chủ nuôi cũng không bán. Mấy anh em giữ lại ngựa phải kiếm nghề khác mưu sinh như trồng trọt, nuôi gà, bò, heo để nuôi mình, nuôi ngựa, cầm cự đến cùng quyết không bỏ chiến mã. Các chủ ngựa như đứng giữa đồng chờ gió.
Khí xuân đã về khắp phố phường, nhà nhà, người người đều vội vã lo toan công việc, khép lại năm cũ, bước sang năm mới với bao niềm hy vọng tốt đẹp. Còn những mã phu vẫn từng giờ ấp ủ bao nguyện vọng về một tương lai cho nghề đua ngựa, niềm khát khao cháy bỏng về một trường đua được phép mở cửa trở lại trong năm Ngọ này, để những chiến mã của họ lại tiếp tục được trổ tài, những người đam mê đua ngựa lại được cháy hết mình trong tiếng hò reo vang dội…
Nghề đua ngựa khởi lập ở Sài Gòn từ năm 1893. Ngày 11/3/1989, Trường đua Phú Thọ được hồi phục dưới tên gọi CLB Thể thao Phú Thọ với hơn 600 ngựa đua và 70 tay nài thường xuyên hoạt động. Sau hơn 20 năm hoạt động, trường đua bị tạm dừng từ tháng 6/2011. Dự án xây dựng trường đua mới tại huyện Củ Chi thì vẫn còn trên giấy.
Quỳnh Hương