Thừa nhận di tích, di sản có mối liên hệ mật thiết với lợi ích kinh tế mà trước hết là phát triển du lịch song PGS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng, không thể lấy lợi ích du lịch làm cái cớ trong cách ứng xử với nhiều di tích, di sản hiện nay. Bởi những bài học nhãn tiền cho thấy, khi quá coi trọng yếu tố phát triển du lịch sẽ phá vỡ không gian lịch sử của di tích, cảnh quan di sản.
|
“Hiện nay, nhiều khi vì lợi ích chi phối, người ta chỉ quan tâm tới yếu tố kinh tế mà sẵn sàng phá vỡ cảnh quan, hủy hoại thiên nhiên… Nên nhớ, làm sai thì không sửa được. Với bất cứ một dự án nào đó có liên quan đến di tích, di sản cụ thể thì đều đòi hỏi sự hợp tác rất chặt chẽ từ trên xuống dưới và phối hợp với nhiều ngành, lĩnh vực liên quan để không hủy hoại thiên nhiên, phá vỡ cảnh quan. Do đó, mỗi hành động dù nhỏ trước hết đều phải xuất phát từ trách nhiệm vì đất nước” - PGS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia. |
Phá vỡ sự linh thiêng còn làm được nữa là...
Theo ông thì hiện nay, trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản thì đâu là vấn đề lớn nhất mà chúng ta đang gặp phải?
Để trả lời cho câu hỏi này, tôi dẫn ra hai ví dụ mà tôi vừa được trực tiếp trải nghiệm. Tôi đã đi đến hai di tích ở Hà Nội là Đền Và (Sơn Tây) và Đền Hát Môn (Phúc Thọ). Ở Đền Và, tôi vẫn cảm nhận được không khí, cảnh quan của một di tích cổ kính, thâm nghiêm. Đó là thành công của quá trình trùng tu đền, người ta không thấy có hoặc rất ít vật liệu mới. Nhưng khi đến Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng thì đập ngay vào mắt sự choáng ngợp của cảnh quan hoàn toàn mới. Từ dốc dẫn đến cổng vào, sân đền, tượng... đều được đá hóa, trong khi đền với các gian thờ vẫn cũ và nhỏ bé thì nó trở nên khập khiễng, mất đi không khí và chiều sâu của lịch sử.
Câu chuyện như ở Đền Và có vẻ không có gì lạ, thưa ông?
Đúng vậy. Ngay nơi Đền Thượng thờ
Vua Hùng ở Phú Thọ, cách đây ít năm người ta sẵn sàng dỡ ngôi đền cũ vẫn còn nguyên vẹn đi nơi khác, mang theo cả các đồ thờ tự ở đó, xây ngôi đền mới ở trên chính nền đền cũ, phá vỡ sự linh thiêng của ngôi đền cổ mà còn làm được thì chuyện ở Đền Hát Môn bị “đá hóa” cũng chẳng có gì lạ.
Từ những dẫn dụ ấy, theo ông đặt ra vấn đề gì trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản hiện nay?
Đó là cách ứng xử với các di tích, di sản của chúng ta đang có vấn đề, mà vấn đề lớn nhất chính là cách chúng ta đang làm mới rất nhiều di tích khiến dư luận xã hội phàn nàn bấy lâu nay.
Không thể lấy du lịch làm cớ
Theo ông thì giữa di tích, di sản với lợi ích kinh tế, nói trắng ra là vấn đề tiền bạc có mối liên hệ như thế nào?
Chúng có mối liên hệ mật thiết quá đi chứ. Khi một di tích, di sản nào đó được công nhận, xếp hạng cấp quốc gia chẳng hạn thì nhiều người coi đó là đòn bẩy để phát triển du lịch.
Và làm mới nó cũng là một cách để người ta hút du lịch?
Tôi không đồng tình. Cần nhớ, di tích, di sản khi được nâng cấp, trùng tu để nó phát huy giá trị thì điều đầu tiên là phải đảm bảo giữ được chiều sâu lịch sử, chiều sâu văn hóa trong đó. Không thể lấy cớ phát triển du lịch để rồi làm cho nó hoành tráng lên, biến di tích, di sản trở nên lạc lõng, kệch cỡm được.
Nếu không lấy cớ phát triển du lịch trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản thì liệu có phải là một sự lãng phí không, khi chúng ta bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền từ nó?
Tôi cho rằng di tích, di sản thì trước hết phải phục vụ cho nhu cầu của con người ở các cấp độ khác nhau. Nếu lấy lợi ích kinh tế (mà trước hết là du lịch) làm ưu tiên để áp cho di tích, di sản thì không phù hợp, dẫn đến sự quá tải. Ta đã có bài học quá lớn như Đền Trần ở Nam Định rồi, cách đây chừng 20 năm thì có mấy người biết đến đền này, qua quá trình quảng bá thành công thì bây giờ lại đang rất khổ vì sự quá tải (về người, xe cộ) ở một thời điểm trong một không gian vốn hữu hạn.
Nhưng có vẻ, bài học nhãn tiền ấy không phải ai cũng nhận ra. Và cái cớ phát triển du lịch dường như vẫn là cái phao thuyết phục nhất để người ta đu lấy trong cái cách ứng xử với di tích, di sản, thưa ông?
Đúng là không phải ai cũng nhận ra những bài học nhãn tiền về việc quá coi trọng yếu tố kinh tế sẽ làm phá hỏng di tích, di sản. Vậy nên nhiều di tích, di sản đang bị làm hỏng. Song cũng thật khó để nói rằng nên hay không nên làm thế này hay thế kia với di sản là đúng, vì có những việc khi người ta đưa ra bàn thảo thì bị phản đối, song khi triển khai thì lại phát huy được giá trị như chuyện cáp treo Yên Tử chẳng hạn.
Phải biết vì đất nước này
Nhân câu chuyện về cáp treo ông vừa nhắc, thời gian gần đây việc nên hay không nên làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình thu hút sự quan tâm của dư luận cả trong nước và quốc tế. Người ta lo ngại rằng làm cáp treo sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của hang.
Không phải cứ làm cáp treo là ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, là phá vỡ cảnh quan vì có những nơi đâu cần cáp treo mà rừng vẫn bị tàn phá đấy thôi. Vấn đề là việc làm ấy rơi vào tay ai và phải được tính toán kỹ lưỡng như thế nào. Phải hết sức tỉnh táo trong trường hợp này.
Ai mới cần là người tỉnh táo, thưa ông?
Dĩ nhiên là tất cả mọi người có liên quan đến việc quyết đáp câu chuyện này, từ người lãnh đạo, quản lý các ngành cho đến những chuyên gia, những người được tham vấn ý kiến.
Không biết ông có để ý không chứ mỗi khi có những dự án mà liên quan đến di tích, di sản thì luôn có những ý kiến phản đối.
Sự phản đối này nên nhìn nhận ở góc độ đó là những phản biện, những cảnh báo xã hội. Người tỉnh táo, có trách nhiệm, biết vì đất nước này thì sẽ biết lắng nghe, dù có thể không vừa ý mình.
Chứ không phải người ta phản đối vì nghi ngờ vào chính năng lực, trình độ, thậm chí là yếu tố trách nhiệm của những người đề ra dự án, phê duyệt dự án, rằng rồi họ lại phá vỡ di tích, di sản mà thôi?
Nghi ngờ hay không thì tôi chẳng biết nhưng rõ ràng trước hết nó cho thấy người ta quan tâm, trăn trở với câu chuyện đó. Người ta sợ anh làm theo nhóm lợi ích thì nó phá vỡ, hỏng mất di sản. Người ta cũng sợ anh tính toán, cân nhắc không hết sự phức tạp của vấn đề. Đó cũng là một sự đúc rút từ thực tế nên phần nào cũng dễ hiểu tâm lý này. Do vậy, cần học cách ứng xử với di tích, di sản một cách vừa khoa học vừa văn minh, nhân văn.
Đâu sẽ là cách ứng xử văn minh và nhân văn, thưa ông?
Trước hết, với bất cứ di tích, di sản nào thì cũng luôn đòi hỏi ý thức tôn trọng, giữ gìn như một tài sản quốc gia. Người ta cần có được nhận thức ấy trước đã. Tiếp đó, những người làm công tác văn hóa, những người quản lý, lãnh đạo phải luôn biết đặt lợi ích của di sản, của đất nước lên trên hết, phải biết vì đất nước này.
Tôi e là khó?
Với các nhóm lợi ích trong xã hội đan xen nhau thì thực hiện điều đó không dễ. Nhưng không có nghĩa là không tưởng vì chúng ta vẫn thấy có nhiều di tích đã được ứng xử rất phù hợp và văn minh đấy thôi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Vũ Thủy (thực hiện)