Phải là một nửa chứ!
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền vừa có báo cáo tình hình thực hiện công tác phòng, chống mại dâm và cai nghiện ma túy theo chương trình giám sát và hoạt động chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII (năm 2011) đến năm 2015. Theo đó, tình hình tệ nạn mại dâm hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, tội phạm liên quan đến mại dâm có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát, gây tác động xấu trong xã hội. Thống kê cho thấy, người mua dâm là cán bộ, công nhân viên chức chỉ có 3%, đối tượng doanh nghiệp là 20%, đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, làm ăn tự do 75,7%. Ông nghĩ gì về con số ấy?
Con số đó tương thích với thực tế. Người ta cứ bảo có tiêu cực, nhưng tìm mãi không thấy, thì con số này cũng tương thích và phù hợp. Người ta nói “một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa, biến chất” thì đây là một phần nhỏ. Còn tôi thì thấy con số đó không nói lên điều gì cả. Chúng ta có 3 triệu người trong biên chế làm công ăn lương, 3% của 3 triệu là khoảng 90 nghìn người. Con số đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi hiểu và chắc ai cũng hiểu rằng thực ra là con số ấy lớn hơn. Nhưng khoan hãy vội vàng nghĩ như thế.
Sao lại không ạ?
Bởi mại dâm là bạn đồng hành của chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Thực tế, có một thị trường sôi động mua bán mại dâm mà chúng ta không dẹp được. Vì không thể dẹp được nên phải chấp nhận. Để tránh những hệ lụy đi kèm thì phải hướng tới quản lý nó một cách văn minh. Phải xác định như thế rồi mới phân tích con số kia. Thực sự mà nói thì phải là một nửa (50%) chứ không thể là 3% được.
|
PGS.TS Trịnh Hòa Bình. |
Có người băn khoăn không hiểu cơ sở nào để biết 3% người đi mua dâm là cán bộ công chức?
Thì có ai đi mua bán dâm khai ra mình là cán bộ công chức đâu. Khi mua dâm trót lọt thì không nói. Thậm chí khi bị bắt, cũng có mấy người khai mình là người nhà nước đâu. Nên người ta đặt câu hỏi về con số đó là bình thường.
Theo phân tích của anh thì đối tượng mua dâm là đối tượng nào, có phải đa phần là lao động tự do?
Lao động tự do chỉ là một phần thôi, vì vốn dĩ người ta cũng gắn với thị trường ấy, nhưng chắc chắn không phải chiếm thị phần lớn thế. Con số 3% kia chẳng nói lên điều gì cả. Bản thân chuyện ấy cũng khó biết lắm. Nhiều khi hoạt động mua bán dâm nó tự phát, chủ thể không lên kế hoạch, không dựng mưu mà tiện thể một cuộc vui ăn uống xong thì đi xả stress, rất khó nắm bắt. Vui người ta cũng có thể làm điều ấy, buồn cũng làm, thậm chí không vui không buồn cũng làm.
Không công nhận, nhưng phải chấp nhận
Hôm trước tôi có ngồi nói chuyện với một người là cán bộ nhà nước. Người này khẳng định với tôi rằng 100% đàn ông đều đã, đang và có thể là sẽ mua dâm. Bản thân tôi thấy rất bất ngờ, còn ông?
Tôi thấy bình thường mà, đâu có gì đáng ngạc nhiên. Nhiều người còn “tập dượt vào đời” là nhờ gái mại dâm, có người muốn mà không thực hiện được thì chỉ có cách tìm đến với mại dâm thôi. Người ta thắng lợi cũng tìm đến mại dâm, thua trận cũng tìm đến mại dâm, thậm chí mấy người chơi bạc thua được người thắng bạc tặng cho gái mại dâm để lấy lại tinh thần.
Mại dâm nhiều khi là quà tặng?
Thì ở các cấp cao hơn thì thậm chí nó còn chuyên nghiệp hơn, có cả đội ngũ chuyên môn hóa, chuyên nghiệp để làm những điều đó. Thực ra, tình dục là nhu cầu tự nhiên của con người. Khi người ta làm việc ấy vì tiền thì đó là hoạt động mại dâm, đơn giản thế thôi.
Nhưng mại dâm nói chung và mại dâm ở giới cán bộ công chức đang diễn ra âm thầm, chứ không phải là con số nhỏ nhoi kia?
Thì mại dâm ở đối tượng ấy là chính chứ. Với nhiều mức giá khác nhau, nhiều hình thức hoạt động khác nhau.
Ông đánh giá thế nào vệ thực trạng hoạt động mại dâm ở Việt Nam?
Chẳng cứ ở Việt Nam mà ở nước nào cũng thế, luôn có một thị trường. Nhu cầu ấy không bao giờ bị tiêu giảm, dù ta có chống phá thế nào. Thay vì cấm thì phải quản lý sao cho có hiệu quả.
Người ta vẫn tranh luận có nên công khai hóa mại dâm hay không, vì có người cho rằng nếu công khai thì đồng nghĩa mặc nhiên công nhận buôn bán cái ấy của phụ nữ?
Tôi nghĩ là không vấn đề gì, nó là do quan niệm xã hội thôi. Người ta bảo người Á Đông quan niệm này nọ, nhưng giờ đủ các thứ nhập vào đâu có sao đâu. Tôi không bảo là công nhận mà ta chấp nhận nó như một hiện thực của đời sống, và phải quản lý nó.
Vấn đề công khai danh tính người mua – bán dâm, ông nhìn nhận thế nào?
Đây là một câu chuyện dài. Thực ra công khai không giải quyết vấn đề gì mà nhiều khi làm xã hội xáo trộn. Người ta thích làm thì vẫn cứ làm, trong khi đó nếu công khai thì rất nhiều gia đình có thể tan vỡ. Các nước khác họ đều không quản lý mại dâm như thế.
Mua bán dâm là người lao động tự do?
Bây giờ đi qua những đoạn đường “nhạy cảm” như dọc sông Tô Lịch, Phạm Văn Đồng, tôi vẫn thấy thi thoảng gái mại dâm đứng chờ khách. Phải chăng người bán dâm cũng là người lao động tự do?
Cái này cũng khó mà biết được, nhưng tôi nghĩ rằng cán bộ, công chức cũng không ít đâu, chỉ có điều là hình thức hoạt động thì có thể khác mà thôi. Người ta có thể không rẻ tiền như thế, không gia nhập đường dây mua bán dâm nhưng bằng nhu cầu này nhu cầu khác, họ cũng có thể làm những việc gần gần như thế. Kiểu như quà tặng, không phải là bán thì là gì?
Tôi hiểu! Bởi nhiều khi người ta coi đó là hàng hóa?
Đó là nhu cầu và người ta thỏa mãn nhau bằng các giá trị tương đương. Có người bán đến mấy nghìn đô la, có người lại chỉ vài chục nghìn đồng.
Trở lại với con số 3% không thuyết phục kia, theo ông thì người ta đưa ra để làm gì, trong khi ít người tin?
Người ta không tin vì người ta biết thực tế. Họ đưa ra thế chắc là để thấy rằng cán bộ đảng viên nói chung là tốt để có kế hoạch bồi dưỡng cho tốt hơn nữa.
Giả sử người đi mua dâm trình ra được chứng minh thư, thì có biết họ là công chức?
Làm sao mà biết được một người ở địa chỉ này, địa chỉ kia là cán bộ công chức hay không.
Theo ông có cách nào để quản lý tốt hoạt động mại dâm?
Chỉ có cách là quản lý nó một cách thông minh, tức là phải chấp nhận, đưa nó vào từng khu vực để kiểm soát, thu tiền hoạt động, bảo vệ những người hành nghề vì xét đến cùng họ cũng là người lao động với bao nhiêu hiểm họa như quỵt tiền, bị chăn dắt, bị bệnh… thì chúng ta phải kiểm soát lành mạnh hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo báo cáo thống kê của Bộ LDTB&XH, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, tập trung nhiều ở khu vực: Đồng bằng sông Hồng 3.673 người; Đông Bắc 913 người; Bắc Trung bộ 887 người; Đông Nam bộ 3.200 người; ĐBSCL 1.374 người; các khu vực khác là 1.189 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của loại hình này. Thực tế đã xuất hiện đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới: gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook…
Tô Hội