Sau một thời gian ra nước ngoài, ông Phạm Trung Cang đã có mặt tại Việt Nam và nhận quyết định phục hồi điều tra bị can của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối.
Theo bản cáo trạng lần 2 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về vụ “bầu Kiên”, ông Phạm Trung Cang (SN 1954, tại Long An) – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB là một trong hai đồng phạm bổ sung, bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phân tích rõ hơn việc này, Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, cho hay, theo quy định chung tại Điều 90 Luật các tổ chức tín dụng thì hoạt động Ngân hàng phải hoạt động theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Riêng đối với nghiệp vụ ủy thác thì Điều 106 luật này còn quy định cụ thể hơn về việc phải tuân theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Vì vậy, nếu cơ quan tố tụng chứng minh được ông Cang có hành vi cố ý làm trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền và Ngân hàng khác, nhưng sau này bị Huyền Như chiếm đoạt gây thất thoát cho Ngân hàng ACB thì hành vi của ông Cang có dấu hiệu phạm vào tội "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.
|
Ông Phạm Trung Cang liệu có được xem xét để giảm nhẹ tội? |
Ngoài ra, theo báo chí phản ánh, ông Cang còn cùng với các cá nhân khác chủ trương cho Ngân hàng ACB đầu tư cổ phiếu trái với quy định tại Điều 29 Quyết định 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính và đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB. Hành vi này cũng có dấu hiệu phạm vào tội "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự tương tự như hành vi ủy thác cho nhân viên gửi tiền như đã nêu.
Tổng thiệt hại cho cả hai hành vi là hơn 1.400 tỷ đồng thì ông Cang cùng các đồng phạm phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt là từ 15 - 20 năm tù (áp dụng cho trường hợp gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên). Ngoài ra, ông Cang còn có thể bị tịch thu tài sản theo quy định tại Khoản 5 điều này.
“Tuy nhiên, hành vi phạm tội của ông Cang là hành vi đồng phạm, vai trò không thực sự rõ nét như các bị can khác nên có thể ông sẽ phải chịu mức hình phạt nhẹ hơn các bị can đồng phạm khác", Luật sư Hoàng Văn Thạch cho biết thêm.
Cũng đồng tình với quan điểm ông Phạm Trung Cang có thể được xem xét giảm nhẹ tội, Luật sư Ngô Đình Hoàng, Đoàn Luật sư TP HCM, giải thích: "Việc ủy thác gửi tiền vào Vietinbank gây thiệt hại hơn 718 tỷ đồng xảy ra thời điểm Phạm Trung Cang đã được miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB để tham gia quản trị Eximbank nên ông Phạm Trung Cang có thể được được tòa án xem xét giảm nhẹ tội".
Ngoài ra, luật sư Hoàng còn cho biết thêm, trong vụ án của ông Phạm Trung Cang, nếu điều tra lại, xác định ông Cang có tội thì VKSD Tối cao có thế phải chịu trách nhiệm khi “tạo cơ hội” cho nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB tháo chạy. Nếu hồ sơ cơ quan điều tra chuyển sang tài liệu đầy đủ có chứng cứ sắc bén xác định ông Cang phạm tội nhưng khi nghiên cứu hồ sơ VKSND Tối cao không nghiên cứu đầy đủ, chính xác hoặc vì một lý do nào đó mà đình chỉ khởi tố thì VKSND Tối cao đã làm sai quy trình và phải chịu trách nhiệm về việc này.
Trước đó, cáo buộc của Viện Kiểm sát nêu rõ: Ngày 25/7/2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 1653/QD-NHNN chuẩn y việc bầu các chức danh trong Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB nhiệm kỳ 2008-2012 gồm: Chủ tịch HĐQT là Trần Xuân Giá; các Phó Chủ tịch là Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ; đồng thời bổ sung ông Cang vào thành viên Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB nhiệm kỳ 2008-2012.
Ngày 22/3/2010, Ngân hàng ACB có cuộc họp của Thường trực HĐQT với sự tham gia của Hội đồng Sáng lập Ngân hàng ACB là Trần Mộng Hùng (Chủ tịch) và Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch), Trưởng ban kiểm soát, Hội đồng Tín dụng, Hội đồng Đầu tư và Huỳnh Quang Tuấn là (Thành viên Hội đồng quản trị - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ACB) để bàn phương án sử dụng nguồn vốn chưa đầu tư của Ngân hàng ACB.
Tại cuộc họp, ông Trần Mộng Hùng đưa ra phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi để giảm áp lực bị lỗi khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được.
Ông Nguyễn Đức Kiên có ý kiến chỉ đạo: Không được làm giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB, theo đó không chấp nhận giảm lãi suất huy động.
Ông Lý Xuân Hải - Tổng Giám đốc, thành viên Thường trực HĐQT đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB mang tiền của ACB đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng thêm “hoa hồng”, khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng nhận tiền gửi.
Đề xuất của Lý Xuân Hải được Nguyễn Đức Kiên đồng tình. Sau đó các thành viên Thường trực HĐQT là Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã thống nhất và cùng ký tên vào Biên bản cuộc họp Thường trực HĐQT với nội dung: “Đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VNĐ và USD tại các tổ chức tín dụng. Giao Tổng Giám đốc kiểm soát mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng… Ủy quyền cho Kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng ủy thác”.
Thực hiện Nghị quyết trên, Ngân hàng ACB đã tổ chức triển khai ủy thác cho các cá nhân gửi tiền vào các ngân hàng khác, trong đó từ ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011, ACB đã thực hiện ủy thác số tiền hơn 718 tỷ đồng vào các chi nhánh của Vietinbank.
Như vậy, Nghị quyết của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB về việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm được ban hành ngày 22/3/2010 và được thực hiện đến ngày 5/9/2011 mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn nghiệp vụ ủy thác nên hành vi của các bị can trên đã vi phạm Điều 106, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 và gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền trên 718 tỷ đồng.
Ông Phạm Trung Cang là thành viên tham gia thống nhất chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Ngày 31/12/2010, Phạm Trung Cang có đơn xin thôi giữ chức danh thành viên HĐQT Ngân hàng ACB và đã được chấp thuận.
Như vậy, việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm gây thiệt hại số tiền hơn 718.908.000.000 tỷ đồng xảy ra tại thời điểm Phạm Trung Cang không còn là thành viên HĐQT Ngân hàng ACB nhưng do Phạm Trung Cang không có kiến nghị hủy bỏ chủ trương ủy thác gửi tiền phát sinh vi phạm khi Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực.
Do đó Phạm Trung Cang phải chịu trách nhiệm về việc thống nhất chủ trương vì phạm Điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền hơn 718 tỷ đồng.
Minh Hiếu