Thảo luận về Dự luật Kinh doanh bất động sản tại Ủy ban TVQH sáng 15/7, nhiều đại biểu đề nghị cần chế tài ràng buộc để không còn tình cảnh bán nhà trên giấy, nộp tiền nhưng không có nhà để ở.
Phó Chủ tịch QH cũng bị "treo" nhà
Nêu ý kiến về nội dung này của dự luật, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, hiện có nhiều chủ đầu tư xây xong phần móng, được phép huy động vốn nhưng thu tiền của người dân xong rồi bỏ đó. "Dự án nhà xây cho cán bộ của QH bây giờ cũng đang như thế", Phó chủ tịch QH dẫn chứng và cho rằng, mình và nhiều thành viên của Ủy ban TVQH cũng là nạn nhân của tình trạng "bán nhà trên giấy".
"Tôi và nhiều người đã đóng tiền đến lần thứ tư từ nhiều năm trước và theo hợp đồng thì năm 2011 sẽ bàn giao nhà. Thế mà nay 2014, tiền thu rồi nhưng chẳng thấy bàn giao", Phó Chủ tịch QH nói và đề nghị dự luật phải có chế tài xử lý tình trạng này.Còn Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng dẫn chứng dự án nhà của cán bộ Văn phòng QH ở Xuân Phương (Hà Nội) đã xây xong nhưng không thể kết nối với hạ tầng bên ngoài. "Dự án chung cư CT9, CT 10 Xuân Phương giờ đây như một ốc đảo”, ông Phúc nói.
|
Không ít dự án xây xong phần móng, huy động tiền của người dân rồi để đó - ảnh Minh họa |
Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương thì than rằng, cán bộ văn phòng QH tưởng là được ưu đãi khi mua nhà nhưng nay thì thành ngược đãi. "Có những người bỏ ra cả vài tỷ để mua nhà, phải vay người thân, làng xóm và dù có không phải trả lãi thì cũng chịu áp lực phải trả đúng hẹn. Thế nhưng, nhà thì vẫn chưa có mà ở", bà Nương nói và đề nghị phải có chế tài mạnh với các chủ đầu tư chưa hoàn thành, bỏ bê dự án.
Trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, đa số đại biểu tán thành với quy định cho phép các chủ đầu tư được bán, cho thuê, cho thuê mua nhà hình thành trong tương lai nhằm tạo điều kiện cho bên mua, thuê, thuê mua chủ động tham gia với chủ đầu tư trong việc hoàn thiện thiết kế, tránh tình trạng phải cải tạo, sửa chữa lại cho phù hợp với mục đích thuê gây tốn kém, lãng phí. Tuy nhiên, theo ông Giàu, các hình thức này rất dễ nảy sinh tranh chấp. Do vậy, cần có các quy định chặt chẽ trong dự án luật, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê mua bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai.
Hành nghề môi giới phải có chứng chỉ
Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là quy định, người có đủ điều kiện thì được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hồ Trọng Ngũ cho rằng thị trường BĐS năng động hơn nhờ hoạt động môi giới, nhưng tình trạng rối loạn, bong bóng thị trường BĐS cũng là do hoạt động này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, lĩnh vực môi giới bất động sản cần quản lý chặt chẽ hơn, bởi trên thực tế lực lượng “cò” đất nhiều nhưng môi giới đúng nghĩa lại ít.
Đồng tình với chủ trương ban soạn thảo đưa ra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng cũng cho rằng, cần phải đưa ra những quy định chặt chẽ đối với môi giới BĐS. Nếu được giám sát chặt chẽ, người mua và người bán sẽ giao dịch BĐS trên nền giá trị thực.
Liên quan nội dung này, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, kinh nghiệm các nước cho thấy họ quản lý rất chặt hoạt động môi giới BĐS vì nó ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng và cả người bán.
"Trong hoạt động kinh doanh bất động sản rủi ro tuy không nhiều nhưng khi đã gặp thì thiệt hại sẽ rất lớn. Quy định môi giới BĐS phải có chứng chỉ là nhằm đảm bảo việc môi giới BĐS không ảnh hưởng tới lợi ích của khách hàng và thị trường", ông Dũng nói.
Phát biểu về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chủ trương cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh BĐS là phù hợp và phải quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trong luật. Tuy nhiên, giao cho đơn vị nào cấp (Hiệp hội hay Bộ Xây dựng) thì cần phải nghiên cứu thêm, song trước mắt nên giao cho Bộ Xây dựng cấp.
Theo Bình Minh/GTVT