“Quốc lủi” lủi luật ào ào cung cấp cho Tết

Google News

(Kienthuc.net.vn) - Làng hơn trăm hộ làm rượu, dịp tết mỗi hộ sản xuất 180 lít rượu mỗi ngày. Có nhà tích đến 6000 lít rượu. Cả làng tấp nập bán mua,  phớt lờ Nghị định số 94 của Chính phủ...


Tích 6000 lít rượu bán tết

Dịp tết là dịp các làng sản xuất rượu vào mùa làm ăn nên nhiều người bất chấp Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu (Nghị định 94) có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 để tranh thủ sản xuất kiếm lời.

Có mặt tại làng rượu Lạc Đạo (thôn Ngọc, Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên), PV Kiến Thức bất ngờ khi đến đầu làng, mùi rượu nếp thơm đã tỏa khắp mọi nơi. Các hộ sản xuất rượu trưng biển quảng cáo rượu lấn át hết diện tích con đường chạy dọc thôn. Những ngày này, ở thôn Ngọc, không hiếm cảnh xe cộ chở rượu qua lại, nhiều xe ô tô tấp nập tìm đến, cảnh mua bán tập nập.


 Tấp nập sản xuất rượu thủ công

ông Ngạn, một cao niên trong làng cho biết : “Rượu nếp Lạc Đạo trước đây được dùng để tiến vua của người Hưng Yên, nổi tiếng từ thế kỷ 16 dưới thời Trạng nguyên Dương Phúc Tư – ông Tổ họ Dương của người Làng Ngọc. Ở Hưng Yên chỉ có Làng Ngọc mới nấu được loại rượu này. Nguyên liệu 100% gạo nếp được ủ với men làm từ thuốc bắc gia truyền, chưng cất bằng nồi đất và mai rùa (không bể lọc, không ống đồng) nên cực kỳ an toàn. Rượu trong như nước Lavie, độ rượu cao (trên 50 độ) nhưng uống rất êm, không có cảm giác sốc, rất thơm và không cay miệng và điểm mạnh nhất là không gây đau đầu sau khi uống. Ở Miền bắc chỉ có rượu Đình Bảng, Kim Sơn hay Mẫu Sơn so sánh được với loại rượu này”.


 Bếp nấu rượu luôn rực hồng dịp tết

Vào cơ sở sản xuất rượu Bình Sáu, bà chủ vồn vã giới thiệu: “Em đến mua rượu Lạc Đạo, vào cơ sở nhà chị là chuẩn. Cơ sở chị sản xuất rất nhiều loại rượu, từ nếp thơm, nếp cẩm đều là đặc sản cả. Mỗi ngày cơ sở sản xuất hết tạ sáu gạo nếp, ước được gần 200 lít. Trong kho nhà chị đang trữ 6000 lít”.

Nhìn số lượng can rượu chất đầy trong kho, vỏ can chất đến nóc hiên nhà, PV Kiến Thức thắc mắc, với số rượu lớn thế này bán sao hết. Bà Bình cho biết: “ Bán hết veo, 6000 lít là còn ít, cơ sở chủ yếu bán theo đơn đặt hàng, chứ bán lẻ ít lắm, người ta đến mua cũng chỉ có 20 lít là cùng”.


 Can đựng rượu chất gần đến nóc hiên nhà tại cơ sở Bình Sáu

Bà chủ còn dẫn PV đến tận nơi sản xuất rượu. Ba nồi sản xuất rượu vẫn hừng hực cháy. Bà chủ cho biết, người nhà làm không xuể phải đi thuê them người làm, mới đủ rượu để bán.

Nằm ngay cạnh cơ sở Bình Sáu, là cơ sở sản xuất rượu Tâm Tám, số lượng rượu sản xuất ở nơi đây cũng không hề thua kém cơ sở Bình Sáu. Dịp cận tết như thế này, xe cộ của khách mua rượu đỗ kín sân. Chủ cơ sở làm không hết việc. Rượu nếp nấu theo kiểu truyền thống có giá từ 40 đến 50 nghìn/ lít. Riêng rượu nếp cẩm, đặc sản của Lạc Đạo có giá 60 nghìn/lít. Với số lượng bán ra hơn trăm lít mỗi ngày, người sản xuất rượu ở nơi đây cũng có lãi không nhỏ.

Có lãi là vẫn cứ sản xuất

Không chỉ riêng cơ sở Tâm Tám và Bình Sáu, sản xuất với số lượng rượu lớn mỗi ngày, hàng trăm cơ sở khác cũng tất bật không kém. Số lượng sản xuất rượu tương đối lớn nhưng với số lượng đơn đặt hàng nhiều lên các hộ sản xuất rượu không lo ế rượu. Có điều dù sản xuất nhiều nhưng khi PV hỏi đến nghị định 94 thì hầu hết các hộ sản xuất thủ công này đều lắc đầu không biết.

“Khách hàng đến đặt rượu ở cơ sở chủ yếu vẫn là khách quen ở Hải Dương, Hà Nội. Chúng tôi sản xuất theo đơn đặt hàng. Cả năm có dịp tết là tấp nập nhất, số lượng bán ra cũng cao hơn. Chứ bình thường, một ngày vài chục lít để phục vụ khách trong làng, nấu rượu thủ công mà đi xin phép, đăng ký này đăng ký nọ, lại mất thêm phí thì lấy đâu ra lãi”. Bác Lan, chủ cơ sở sản xuất rượu cho biết.


 Rượu Lạc Đạo bán ra không có nhãn mác

“Những công ty sản xuất rượu với số lượng lớn sẽ là hợp lý khi họ đi đăng ký được cấp giấy phép, phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn mác , chứ sản xuất nhỏ lẻ như chúng tôi đăng ký cũng phiền phức. Cứ có lãi là chúng tôi làm, còn nếu cấm thì có thể chúng tôi bỏ nghề”, Bà Lan cho biết thêm.

“Trong làng hiện này có nhiều hộ sản xuất rượu, vì đây là nghề truyền thống. Hiện chính quyền đang lên kế hoạch để thông báo cho các cơ sở nấu rượu. Hiện với những cơ sở sản xuất rượu nhỏ lẻ, mức thu chưa rõ ràng và quá nhiều thủ tục nên đang nghiên cứu”, ông Sơn trưởng thôn Ngọc cho biết.

Nghị định 94 ra đời nhằm quản lý chặt những hộ sản xuất kinh doanh rượu nhỏ lẻ từ nơi sản xuất đến tiêu thụ, tránh rượu giả rượu kém chất lượng để bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, việc quản lý và thực hiện nghị định này vẫn còn nhiều cái khó. Bởi nhiều hộ dân dù sản xuất công khai nhưng vẫn phớt lờ nghị định, bởi họ cho rằng, họ chỉ sản xuất rượu để dung trong gia đình dịp tết. Dù số lượng rượu trong kho có thể lên đến 6000 lít. Từ thực tế này, cần quản lý chặt chẽ, nhất là vào dịp tết, nếu không “quốc lủi” vẫn ra đời, dù chui vẫn sẽ tuồn vào thị trường với số lượng tương đối lớn.

TIN LIÊN QUAN

Hải Ninh