Tư tưởng “công bộc” của dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" đăng trên Báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945:
"Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".
Thế nhưng trong thực tế, khi quyền lực nhà nước được trao cho con người cụ thể thì quyền lực ấy có khi lại vận động theo xu hướng chủ quan của người sử dụng, trở thành đối lập với chính mình lúc ban đầu. C.Mác gọi đó là sự tha hóa của quyền lực.
Tha hóa quyền lực biến quyền lực nhân dân thành quyền lực của cá nhân hay của các nhóm quyền lực, làm méo mó mục đích tự thân của quyền lực nhà nước là phục vụ nhân dân.
Lạm dụng quyền lực, biến quyền lực công thành ý chí cá nhân để trục lợi đang là hiện tượng phổ biến trong hàng ngũ quan chức hiện nay. Những vụ án tham nhũng lớn gần đây càng chức tỏ điều đó. Chỉ đơn cử một vài dẫn chứng “nho nhỏ” sau đây cũng đủ thấy quyền lực trong thực tế đã và đang bị biến dạng như thế nào.
Vụ án Dương Tự Trọng được đưa ra xét xử ngày mai. Ông Trọng cùng 6 đồng phạm bị Viện KSND Tối cao truy tố về hành vi “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo Điều 275 Bộ Luật hình sự.
Theo cáo buộc của Viện KSND Tối cao, ông Trọng là người khởi xướng, chủ mưu, chỉ đạo và giao cho các đồng phạm tổ chức đưa anh trai mình là Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines trốn sau khi cơ quan điều tra phát lệnh bắt giữ.
Tội trạng đó dư luận đã biết qua các phương tiện thông tin đại chúng bấy lâu nay. Không chỉ có vậy, ông Trọng còn bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới làm giả CMND cho mình để làm giấy khai sinh cho 2 đứa con ngoài giá thú.
Gạt sang một bên chuyện đạo đức (quan hệ bất chính sinh con ngoài giá thú), người ta vẫn không thể tin được một cán bộ cao cấp, hàm đại tá, lúc bấy giờ đương chức Phó GĐ Công an HP như ông Trọng lại đi làm cái chuyện giả mạo giấy tờ tùy thân. Ở góc độ một lãnh đạo CA ở địa phương rồi sau này còn được đề bạt làm Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an, ông Trọng đáng ra phải là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Thế nhưng ông lại chỉ đạo trực tiếp cho cấp dưới làm điều phi pháp.
Quyền lực đã bị ông Trọng lạm dụng để phục vụ cho mục đích riêng tư. Trong việc làm giả CMND, ông Trọng bằng ý chí của mình đã áp đặt quyền lực lên người khác, buộc cấp dưới làm theo ý đồ của mình và vô hình trung biến họ thành đồng phạm. Nhân chuyện này lại nghĩ đến chuyện ông Hồ Xuân Mãn với vụ anh hùng khai man đang làm nóng dư luận bấy lâu nay.
Ông cựu Bí thư tỉnh ủy cũng đã sử dụng chiếc gậy quyền lực mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho vì mục đích cá nhân. 15 trên 17 thành tích mà ông kê khai là không đúng sự thật. Thế nhưng ông vẫn được tặng danh hiệu cao quí: Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Vì sao vậy ?
Chuyện thành tích, chiến công mà ông Mãn kể lể xảy ra hồi chiến tranh, cách nay đã hơn 40 năm, một khoảng thời gian tưởng có thể xóa nhòa ranh giới của sự thật nhưng có lẽ ông quên mất rằng ở thời điểm xét tặng danh hiệu anh hùng, nhiều đồng đội cùng chiến hào với ông vẫn còn sống và nhân dân địa phương biết rất rõ ông là ai.
Nếu việc bình xét minh bạch chắc chắn ông Mãn không thể qua được cửa ải nhân dân. Vậy chỉ còn một cách: dùng quyền lực. Khi người lãnh đạo cao nhất địa phương đã “chỉ đạo”, ai dám bảo không chấp hành ? Những cán bộ liên quan đến việc làm hồ sơ xét tặng danh hiệu anh hùng cho ông có thể ngay từ đầu hiểu được việc làm sai trái của mình nhưng họ không đủ bản lĩnh để vượt qua được nỗi sợ hãi vô hình vì quyền lực. Bởi ai cũng biết nếu không im lặng, nếu không thực thi “mệnh lệnh” thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra đối với “niêu cơm” của mình ?
Và chắc chắn những cán bộ thuộc quyền ông Trọng cũng chung tâm trạng như thế khi buộc phải làm CMND giả cho ông.
Có một câu chuyện cũng tương tự chuyện phong tăng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn nhưng khác ở chỗ là chưa đạt được kết quả, có lẽ vì cái tầm quyền lực của người đứng đầu trong trường hợp này chưa đủ lớn.
Số là ông hiệu trưởng trường cao đẳng D muốn có cái danh hiệu cao quí Nhà giáo ưu tú để đời cho con cháu và lòe thiên hạ. Nhưng nếu cứ đằng thằng thì ông có nằm mơ cũng không được. Thế là với quyền lực trong tay, ông chỉ đạo cấp dưới ngụy tạo hồ sơ, khai gian thành tích; làm giả biên bản họp các khoa, phòng ban; cấy số liệu biểu quyết đồng ý của cán bộ giáo viên toàn cơ quan vượt ngưỡng qui định để cho ông đủ tiêu chuẩn đạt dạnh hiệu cao quý này. Và hồ sơ cấp trường được hoàn tất một cách nhanh chóng trong vòng chưa đầy mươi hôm, đẹp như mơ. Nhưng thật may, Hội đồng xét duyệt cấp trên biết rõ ông là ai nên đã loại ngay từ vòng sơ khảo.
Bốn năm tháng sau, ông nhận án kỉ luật cảnh cáo của thường vụ tỉnh ủy vì nhiều tội, trong đó có tội lạm dụng chức quyền. Thật hú vía cho ngành giáo dục địa phương, nếu khi đó ông lọt qua các cửa ải thì bây giờ chắc chắn lại phải mệt mỏi ngồi với nhau mà xem xét hủy danh hiệu giống như ông Mãn.
Khi viết những dòng này, tôi sực nhớ hình ảnh ông Mãn cách đây 3 năm được báo chí mô tả là “gây ấn tượng mạnh” trong cuộc giao lưu các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những phát biểu hùng hồn: “Mình muốn Đảng bộ mình tốt thì mình phải làm tốt trước…”; “…Dám làm, dám chịu trách nhiệm, khi khó khăn nhất thì người lãnh đạo phải đi đầu. Trong lối sống phải cần kiệm liêm chính, không tham quyền chức, tiền bạc bởi “nếu lấy đồng tiền là mục đích sẽ trở thành nô lệ cho nó”.
Thế đấy, khi quyền lực còn tỏa sáng, chẳng dễ gì thấy được những mảng tối khuất lấp ở đằng sau ánh hào quang của nó.
Nguyễn Duy Xuân