Rất khó để Bộ trưởng Tư pháp khẳng định có lợi ích nhóm hay không

Google News

(Kiến Thức) - Sở dĩ Bộ trưởng Bộ Tư pháp không thể khẳng định có hay không có lợi ích nhóm trong vấn đề xây dựng các văn bản pháp luật là bởi biết là "có đấy mà không có bằng chứng".

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vừa đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, một trong những vấn đề nóng được các đại biểu đề cập là có hay không lợi ích nhóm trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng trả lời rằng: “Chúng tôi cũng có trách nhiệm hậu kiểm các văn bản. Lợi ích nhóm trong các văn bản chưa phải là vấn đề gì lớn”. Xung quanh vấn đề này, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với LS Văn Trường Chinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Nghĩa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. 
Nhiều khi ấu trĩ tạo nên lợi ích nhóm
-  Ở góc độ là một luật sư, theo ng thì có hay không có lợi ích nhóm?
- Đúng là rất khó để bảo Bộ trưởng phải khẳng định là là có hay không có, vì nếu bảo có thì phải có chứng cứ, còn bảo không thì chắc sẽ không ai thấy đó là câu trả lời thỏa đáng. Nhưng theo tôi thì chắc chắn là có. Lợi ích nhóm, lợi ích ngành ở phương diện nào đó có khi cũng tốt, nhưng khi người ta lợi dụng nó để làm hại cho người khác thì mới đáng lên án. Còn nếu chỉ vì sự phát triển của một ngành nào đó, có lợi cho ngành đó mà không ảnh hưởng đến người dân thì tốt cho sự phát triển chứ.
- Theo ông thì bất cập trong việc xây dựng các văn bản pháp luật hiện nay là gì?
- Theo quy định thì Chính phủ gia cho các ngành xây dựng văn bản pháp luật của mình, giao Bộ Tư pháp thẩm tra. Một ngành xây dựng văn bản cho ngành mình thì đương nhiên họ phải tính toán đến lợi ích của ngành đó trước tiên. Nhưng nếu để người khác soạn thảo quy định thì họ lại không có chuyên môn sâu, không có thực tế va vấp để đưa ra những quy định phù hợp. Khi người ta không đặt lợi ích của đối tượng phục vụ lên trên hết thì nó sinh ra lợi ích nhóm.
LS Văn Trường Chinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Nghĩa. 
- Một quy định, chính sách mà chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm, còn số đông người dân phải chịu hậu quả thì thật là nguy hiểm?
- Đúng thế. Quyền, lợi ích kinh tế chi phối hành vi. Cũng có thể do trình độ của người làm luật ấu trĩ, kém cỏi nên để những người hiểu rõ luật trục lợi, còn người dân là đối tượng điều chỉnh chính thì lại bị chịu thiệt thòi. 
- Vậy Bộ Tư pháp thực hiện vai trò hậu kiểm của mình đối với các văn bản pháp luật như thế nào, có nhìn ra được những vấn đề đó nếu có trong văn bản luật?
- Chính phủ giao Bộ Tư pháp rà soát các văn bản của các bộ ngành ban hành, xem có phù hợp với quy định, quyền lợi của người dân hay không. Nhưng rõ ràng việc tìm ra được lợi ích nhóm trong tất cả các văn bản là rất khó. Chỉ ngành Tư pháp thì không làm được.
Lợi cơ quan công quyền, đẩy khó cho dân
- Theo ông việc chứng minh có lợi ích nhóm khó hay dễ?
- Bộ trưởng không dám khẳng định có hay không lợi ích nhóm vì không có bằng chứng. Rõ ràng là không dễ để có bằng chứng. Nên với những văn bản pháp luật có lợi cho cơ quan công quyền, đẩy cái khó cho người dân không phải là hiếm có trong những chính sách chúng ta ban hành. Một số nơi ban hành ra những văn bản quy phạm pháp luật về đất đai chẳng hạn, nó chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm chứ không phục vụ cho lợi ích của người dân, người dân thấy bất công, thiệt thòi nhưng vẫn phải chịu vì chính quyền bảo họ đã làm theo đúng quy định văn bản pháp luật rồi. Nên khi có quyền lực nhóm trong xây dựng văn bản pháp luật thì chính người dân là người thiệt thòi nhất.
- Trong khi đó đáng lẽ quyền lợi của dân là phải được tính đến đầu tiên khi xây dựng các văn bản này?
- Ở các nước phát triển, có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì người ta làm được điều này. Nhưng ở Việt Nam thì nhiều khi thực tế phát sinh vấn đề rồi mới xây dựng luật, rồi nhiều khi người làm luật đặt nặng quyền lợi, nhẹ trách nhiệm. Quyền lợi của người dân cũng được tính đến nhưng lại dựa trên ý chí chủ quan của người làm luật. Thành ra những bất cập, khập khiễng này nó vẫn cứ diễn ra.
- Có đại biểu Quốc hội cho rằng là có tình trạng người làm luật đặt quyền lợi cá nhân của mình cao hơn quyền lợi của người dân, theo ông thì tình trạng đó có không?
- Khi họ đặt quyền lợi của mình cao hơn thì đương nhiên quy định đó không có sức sống lâu bền. Thế nên có rất nhiều quy định, văn bản pháp luật chỉ ra đời và áp dụng được một thời gian rất ngắn, rồi sau đó phải xếp xó.
- Nếu ông là bộ trưởng trả lời phiên chất vấn, ông sẽ trả lời “có” hay”không” lợi ích nhóm?
- Tôi sẽ khẳng định là có. Còn việc tìm ra có ở chỗ nào, ai phải chịu trách nhiệm thì nhiều bộ ngành sẽ phải tham gia vào việc này.
Xử lý người ra văn bản sai
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội có nói rằng pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới, theo ông biểu hiện của sự phức tạp là gì?
- Rất đúng ở chỗ xây dựng luật ở Việt Nam vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không được đầu tư nhiều, đầu tư bài bản, chuyên sâu. Tính không bền vững còn thể hiện nhiều khi văn bản vừa ban hành đã lạc hậu rồi. Nhiều khi nay đúng, mai lại sai. Rất nhiều nguyên nhân trong đó có cả trình độ của người làm luật chưa cao, nhưng cũng do sự vận động của xã hội.
- Nhưng sự phát triển vận động đó có ở các quốc gia, chứ đâu riêng Việt Nam?
- Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện, thường xuyên bổ sung, chỉnh sửa. Người làm luật phải nhìn ra được xu hướng phát triển, đoán biết được các xu thế, nhưng nó đòi hỏi cái tầm nhìn sâu sắc và đầu tư chuyên môn cao thì sẽ hạn chế được tình trạng rối ren của luật. Nếu dự báo chính xác thì luật không phải điều chỉnh nhiều.
- Vậy để các văn bản có sức sống lâu dài thì phải làm thế nào?
- Hãy để lợi ích của người dân lên trên hết, lợi ích của người dân thì không bao giờ lạc hậu cả. Chỉ có lợi ích nhóm là sẽ trở nên không hợp thời và nhóm đó cũng không thể khai thác lợi ích mãi.
- Cụ thể như ông nhìn nhận thì những quy định nào thể hiện rõ lợi ích nhóm trong đó?
- Có nhiều chứ, rất nhiều trường hợp cụ thể trong cuộc sống ở các lĩnh vực như đất đai, quyết toán... Bởi lợi ích nhóm chi phối nên có những quy định cứ thay đổi xoành xoạch, nay thế này mai lại thế khác. Trước giờ không ai và cũng không có quy định nào xử lý người ra văn bản sai, cũng là bởi cái khái niệm “lợi ích nhóm” chỉ mới xuất hiện một vài năm gần đây thôi. Trong các vụ án kinh tế, tham ô, lừa đảo, có thể thấy rất rõ lợi ích nhóm trong việc ra các văn bản, quy định cụ thể.
- Lợi ích nhóm chúng ta đang bàn, về bản chất có phải là tình trạng “mua chính sách” như dư luận vẫn nói?
- Đúng, đó chính là tham nhũng. Người ta có thể mua được chính sách, dùng đồng tiền để điều chỉnh chính sách. 
- Xin cảm ơn ông!
Sáng 12/6, sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Quốc hội cũng cảm thấy lo lắng rằng hệ thống pháp luật của chúng ta có nhiều vấn đề phức tạp. Công tác xây dựng chương trình làm luật, triển khai thực hiện pháp luật có nhiều tồn tại, khiếm khuyết: Chậm ban hành văn bản, chậm triển khai, chậm hướng dẫn... điều này rất đáng lo lắng. Ban hành văn bản vừa chậm, vừa sai. Nếu sai thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đây là một yếu kém. 
Tô Hội (Thực hiện)