|
Ảnh minh họa. |
Nhiều người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà, trong đó có những người có hiểu biết nhất định về giáo dục của một số nước, đều nhận thấy, chương trình, sách giáo khoa của nước ta hiện nay vẫn còn một số hạn chế kéo dài chưa được khắc phục, nhất là về tính cơ bản, tính vừa sức, tính ứng dụng.
Cụ thể là, còn chạy theo khối lượng kiến thức, nặng tính hàn lâm, quá tải so với sức tiếp thu của học sinh. Học sinh suốt ngày chỉ học với học (học ở trường, học thêm ở ngoài), rất ít có thời gian nghỉ ngơi và vui chơi, giải trí. Điều đó gây những hệ lụy là, trong quá trình tiếp thu tri thức, học sinh chủ yếu ghi nhớ, ít tư duy (nhất là tư duy sáng tạo), ít vận dụng (nhất là vận dụng sáng tạo). Động cơ học tập của học sinh cũng bị lệch lạc: Chủ yếu học để biết, biết để đi thi, hơn là học để làm, ít có điều kiện phát triển năng lực, nhất là năng lực sáng tạo, năng lực ứng dụng kiến thức vào cuộc sống hằng ngày. Học sinh càng ít quan tâm đến việc học để sống, học để làm người.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong việc đổi mới sách giáo khoa lần này, chương trình, sách giáo khoa cần tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển kỹ năng cho người học, không chạy theo khối lượng tri thức mà chú ý phát triển tư duy, khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ, động cơ, tình cảm vào giải quyết các tình huống trong thực tiễn, cũng như trong cuộc sống hằng ngày.
Việc viết sách giáo khoa cũng có nhiều ý kiến tương đối thống nhất là: Cần có tính kế thừa. Tức là cần thẩm định lại các bộ sách giáo khoa hiện nay xem có chỗ nào còn nguyên giá trị theo yêu cầu đổi mới thì giữ lại, phần nào không phù hợp thì bỏ. Không nên viết lại tất cả từ đầu. Nếu không sẽ gây lãng phí sức lực và thời gian; Cần đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ. Ngoài việc thống nhất theo chương trình khung do Bộ Xây dựng, thì các bộ sách giáo khoa do Bộ chủ trì, hay do tổ chức, cá nhân khác viết, đều do Bộ chỉ đạo để có sự thống nhất, đồng bộ về nội dung, phương pháp, hình thức, thời gian hoàn thành, thời gian thử nghiệm, thời điểm triển khai trong thực tiễn.
Về vấn đề kinh phí viết sách giáo khoa: Các bộ sách do Bộ chủ trì viết thì đương nhiên dùng kinh phí của Nhà nước. Còn các bộ sách do tổ chức hoặc cá nhân khác, nếu như có đăng ký, có sự chỉ đạo của Bộ, thì cần được hỗ trợ kinh phí để viết và xuất bản.
Cần có lộ trình hợp lý trong việc đổi mới chương trình sách giáo khoa để đạt hiệu quả như mong muốn. Chương trình, sách giáo khoa sau khi đổi mới cần có giá trị tương đối lâu dài, tránh kiểu “đổi mới thường xuyên” như trước đây, gây tốn kém công sức, tiền của, thời gian của Nhà nước và nhân dân.
PGS.TS Vũ Văn Dân (Quy Nhơn, Bình Định)