Sau ánh hào quang, kỵ sĩ tranh nhau... bốc bác

Google News

(Kiến Thức) - Khi ngựa tung vó, kỵ sĩ uy dũng như chiến binh giữa trận mạc. Thế nhưng, vinh quang chỉ kéo dài vài phút rồi cả đời dầm mình trong những lo toan, vất vả.

Ba lần vô địch vẫn làm cửu vạn

Kỵ sĩ Vàng Văn Huỳnh ở bản Na Áng, xã Na Hối (Bắc Hà, Lào Cai) không chỉ nổi tiếng vùng Tây Bắc, anh còn là thần tượng của biết bao kỵ sĩ khác trong giới đua ngựa Việt Nam. Thành tích ba lần liên tiếp giành chức vô địch, đánh bại hàng trăm kỵ sĩ khác thật đáng ngưỡng mộ.
Anh Huỳnh sinh năm 1985, tuổi đời tuy còn rất trẻ nhưng kinh nghiệm và bản lĩnh của anh trên đường đua thì khó có kỵ sĩ nào vượt qua. Thân hình nhỏ bé, ốm o song lại thuần phục được con tuấn mã bất kham đã chứng tỏ ý chí và lòng tự tôn của một chàng trai dân tộc Tày bản địa.
"Ba lần tôi giành chức vô địch cũng là ba lần được vinh danh trên bục cao nhất với giới kỵ sĩ. Thế nhưng, huy hoàng chẳng được tày gang", Huỳnh tâm sự với giọng trầm buồn. Quả thật, ba lần vô địch nhưng rút lại, Huỳnh cũng chỉ là một phu cửu vạn không hơn không kém. 
Hôm chúng tôi có mặt tại chợ phiên Bắc Hà, thoáng thấy người quen, Huỳnh quay mặt đi. Khi chúng tôi gọi với, Huỳnh mới quay lại, nét mặt ngường ngượng khó tả. Huỳnh bảo, ở đây có mỗi cái nghề cửu vạn là thời thượng nhất. Rồi anh cố thanh minh: "Mà nghề này có sức khoẻ thì mới làm được. Nhiều người mong được bốc vác mà không được ý chứ".
Anh Huỳnh giành giải đua ngựa năm 2011. 
Nói rồi, Huỳnh chỉ tay sang người bên cạnh giới thiệu là Vàng Văn Cương - cựu vô địch giải đua ngựa Bắc Hà năm 2007. Cương cũng là đồng nghiệp của Huỳnh. Đồng nghiệp theo đúng nghĩa: Vừa là kỵ sĩ vừa là cửu vạn.
Anh Cương bảo: "Ở Bắc Hà này thì chẳng có nghề gì ngoài việc bốc vác. Chúng tôi lúc bé chẳng được học hành, lớn lên một tí thì phải theo đuôi con ngựa. Bố buôn ngựa thì con buôn ngựa, bố đua ngựa con cũng đua ngựa. Thành thử việc sang trọng thì không làm được, mà những việc ra tiền thì không đến lượt thằng... đua ngựa".
Vậy là hằng ngày, anh Huỳnh, anh Cương và hơn chục kỵ sĩ đã từng giành giải kia vẫn âm thầm cưỡi ngựa đến chợ Bắc Hà. Họ lại âm thầm đứng ở một góc xó xỉnh nào đó để mong có ai ới một tiếng bốc cái này, vác cái kia. Chỉ cần có việc, dù mất vệ sinh bao nhiêu họ cũng hì hục làm cho bằng xong. Tất cả cũng vì mưu sinh.
Anh Huỳnh cho hay: "Nhiều lúc cũng ngại lắm chứ. Người ta bảo ơ thằng này vô địch mà phải đi bốc vác! Ơ thằng kia được giải mà phải đi làm thuê. Nhưng làm gì thì làm, miễn lương thiện là được. Anh em kỵ sĩ ở chợ Bắc Hà đã nói với nhau rồi, dù nghèo khổ vất vả cũng không làm chuyện xấu".
Ngôi nhà tuềnh toàng của kỵ sĩ Vàng Văn Huỳnh. 
Khao vì danh dự
Theo nhẩm tính của chúng tôi, hơn chục kỵ sĩ chuyên nghiệp làm cửu vạn ở chợ Bắc Hà đều là những người đã từng đoạt giải cao trong các kỳ đua ngựa. Số tiền mà họ nhận được không phải là nhỏ, song với họ chỉ đủ để khao bản làng.
Anh Huỳnh kể: "Nếu giải nhất thì sẽ được 20 triệu đồng. Mình không thể cất 20 triệu đồng ấy làm của riêng được. Sống vì bản thân thì sẽ bị bản làng chê trách, cả đời sẽ chẳng ngẩng mặt với thiên hạ được. Mình phải khao cả bản cùng bạn bè gần xa vì danh dự của kỵ sĩ, của dòng tộc".
Ba lần vô địch, anh Huỳnh đều mở tiệc mời cả bản. Đã có lần, số tiền 20 triệu đồng không đủ, anh phải vay mượn anh em gia đình để có tiền giữ tròn danh dự của kỵ sĩ. "Người ngoài không biết cứ bảo tiền giành được để làm gì mà phải kể nghèo kể khổ. Người dân tộc chúng tôi vốn trọng danh dự lại có lòng tự tôn rất cao. Niềm vui của mình cũng là niềm vui của cả làng bản, dòng tộc nên kỵ sĩ Bắc Hà không thể sống và làm giàu bằng con đường đua ngựa được", anh Huỳnh chia sẻ.
Gia đình phụ thuộc vào nương ngô. 
Giải đua ngựa Bắc Hà được phục hồi năm 2007 và anh Vàng Văn Cương là kỵ sĩ vô địch đầu tiên cũng không nằm ngoài quy luật khao giải. Anh bảo, ngày ấy cũng phải khao bản sao cho mọi người được vui vẻ, thoải mái.
Quay ngược lại những năm trước 1930, khi giải đua ngựa còn kết hợp với bắn súng thì việc kỵ sĩ giải nhất phải khao bản còn rầm rộ hơn rất nhiều. Họ phải giết trâu, giết bò ăn ba ngày ba đêm. Thậm chí, khi ấy thuốc phiện nhiều như rau bây giờ thì còn tổ chức bàn đèn cho lý trưởng, chánh tổng hay trưởng bản hút hết ngày này sang ngày khác.
Việc đoạt giải rồi khao giải đã trở thành một tục lệ không thể thiếu của người Bắc Hà. Việc khao giải còn thể hiện sự phóng khoáng, sống vì bản làng của mỗi con người trọng danh dự hơn tiền bạc, vật chất. 
Vợ con anh Huỳnh. 
Vợ kêu, con khóc
Thế nên, dù ba lần đoạt giải, có trong tay vài chục triệu đồng thì cuối cùng người kỵ sĩ vẫn hoàn tay trắng, trở thành một cửu vạn kiếm sống nơi góc chợ nghèo vùng cao. Ngôi nhà gỗ lợp mái tôn xi măng tuềnh toàng của Huỳnh ở bản Na Áng những ngày mưa còn dột nước, sân không đổ xi măng nên nhếch nhác. Vết chân ngựa nặng nề hằn rõ lối đi như cũng rõ thêm những nghèo nàn của kỵ sĩ.
Trong ngôi nhà ấy, người vợ trẻ của Huỳnh và đứa con thơ 2 tuổi đang ăn mỳ tôm trộn lẫn cơm nguội. Thỉnh thoảng, đứa bé khóc ré vì không chịu nổi vị cay nồng của mỳ tôm pha sẵn. Tôi hỏi về thóc gạo, anh Huỳnh rúm người bảo làm gì có ruộng mà cấy. Chỉ có ít nương trồng ngô khoai sắn mà thôi.
Nói rồi, anh đem mấy bắp ngô già khô khâng khấc ra tảy hạt. Anh dặn vợ: "Cái này mai đem nghiền nấu mèn mén, cái kia bung xôi ăn cho đỡ ngấy". Và tôi đưa mắt quan sát, thứ duy nhất có giá trị trong ngôi nhà ấy chính là 3 con người gầy nhom ốm yếu cùng mấy chiếc "cúp ngựa" không thể gỡ ra mà ăn được!.
Thật, không ai hiểu rằng đằng sau ánh hào quang của những kỵ sĩ trứ danh đất Bắc Hà lại nghèo khổ đến vậy. Nếu bạn nghĩ: Sống bằng niềm tin cũng giống như hít khí trời, đó là việc không thể. Thì những kỵ sĩ Bắc Hà đang sống với điều không thể ấy, đó là niềm tin.
"Mỗi kỵ sĩ đều phải tin tưởng vào tương lai. Không biết tương lai sẽ giàu có hay nghèo khổ nhưng cứ sống, cứ cống hiến và vui vầy với bầy ngựa của mình. Có khi không có tiền, chúng tôi vẫn sống tốt. Nhưng không được đua ngựa thì lại buồn tẻ và bạc nhược cả thể xác lẫn nghị lực".
Kỵ sĩ Vàng Văn Huỳnh
"Những kỵ sĩ Bắc Hà họ cũng như bao người bình thường khác, họ cũng phải làm việc và sống kham khổ vì không có nghề nghiệp ổn định. Họ làm đủ mọi thứ nghề, từ nông dân, công nhân đến cửu vạn và sống với những đồng tiền ít ỏi nhưng trong sạch".
Ông Ngô Văn Huân (cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bắc Hà)
Trần Hoà