Sa thải, xin lỗi, rồi lại… sa thải(?)
Báo cáo số 145/BC - UBND của UBND tỉnh BP ngày 30/7 có liệt kê quá trình làm việc của dược sĩ Oanh như sau: Sở Y tế ký HĐLĐ với chị Oanh một năm (từ 1/10/2008 - 1/10/2009). Cuối năm 2009, chị Oanh “dự thi xét tuyển viên chức ngành y tế”, nhưng “không trúng tuyển”. Từ 2/10/2010 đến 2/10/2011, Sở Y tế tiếp tục ký HĐLĐ từng năm một với chị Oanh. Năm 2011, chị Oanh lại “dự thi tuyển viên chức”, nhưng “không đạt”...
Ngày 14/10/2011, phòng GĐYK thông báo “không tiếp tục sử dụng lao động” với chị Oanh. Tuy nhiên sau đó, Sở Y tế phải “tuýt còi”, vì thông báo này của phòng GĐYK “chưa phù hợp thẩm quyền”, vì chỉ Sở Y tế mới có thẩm quyền ngừng HĐLĐ. Sở Y tế đã có văn bản xem xét ký lại HĐLĐ với chị Oanh...
Từ tháng 12/2011 - tháng 8/2012, Phòng GĐYK đã 5 lần mời chị Oanh ký HĐLĐ, nhưng chị Oanh không ký “vì những lý do khác nhau”. Vì không ký HĐLĐ, nên phòng GĐYK “không bố trí công việc, không chi trả lương...”.
|
Dược sỹ Trần Thị Kiều Oanh/ |
Ngày 19/10/2012, thừa ủy quyền của GĐ Sở Y tế, Trưởng phòng GĐYK ký HĐLĐ với chị Oanh và chị Oanh được truy lĩnh tiền lương và phụ cấp kể từ ngày 1/1/2012...
Thực chất của mối quan hệ lao động giữa Sở Y tế - phòng GĐYK, với chị Oanh được UBND tỉnh BP mô tả ở trên là gì? Vì sao có việc phòng GĐYK “không tiếp tục sử dụng lao động”, rồi Sở Y tế “tuýt còi”? Rồi sau đó, 5 lần phòng GĐYK mời ký lại HĐLĐ mà chị Oanh không ký...
Theo chị Oanh, quy định của Bộ luật LĐ, khi HĐLĐ hết hạn, trong 30 ngày, hai bên không ký HĐLĐ mới, coi như HĐLĐ không xác định thời hạn. Vì vậy, chị Oanh đã HĐLĐ không xác định thời hạn từ ngày 5/10/2009. “Việc ông Loát thông báo không tiếp tục HĐLĐ với tôi - trong khi Sở Y tế là người ký HĐLĐ với tôi - là vi phạm luật. Vì vậy, ngày 22/11/2011, họ đã phải xin lỗi công khai tôi. Sở Y tế đã phải khôi phục việc làm, các chế độ cho tôi” - chị Oanh nói.
Song, ngày 13/1/2012, ông Loát lại buộc chị Oanh thôi việc lần thứ 2 bằng... miệng. Chị Oanh khiếu nại, ngày 4/2/2012, Sở Y tế lại... xin lỗi chị Oanh lần thứ 2 và mời chị Oanh trở lại làm việc. Theo chị Oanh: “5 lần ông Loát soạn thảo HĐLĐ, mà trong đó, nội dung đều không đúng luật, vì vậy tôi không ký”.
Cũng theo chị Oanh, do Sở Y tế ủy quyền cho Phòng GĐYK ký HĐLĐ, trong khi chị Oanh lại đang tố cáo sai phạm của lãnh đạo và tập thể phòng GĐYK, nên hệ quả là suốt cả năm 2012, việc ký HĐLĐ dây dưa, đùn đẩy nhau giữa Sở Y tế và phòng GĐYK, nên chị Oanh không có lương, mặc dù chị Oanh vẫn đi làm bình thường... Và, sau khi báo chí lên tiếng, VTV vinh danh, thì tháng 4/2013, phòng GĐYK lại lên “kế hoạch” sa thải bằng được dược sĩ Oanh...
Có phải “cái sảy”, nảy “cái ung”?
Trong lúc văn bản của UBND tỉnh nêu dược sĩ Oanh “thi trượt” viên chức 2 lần, như gián tiếp chỉ ra năng lực kém cỏi của dược sĩ này.
Trớ trêu, chị Oanh tố cáo... mờ ám khác: Năm 2009, tỉnh BP chỉ tổ chức xét tuyển viên chức chứ không “thi tuyển viên chức” như UBND tỉnh nói. Việc xét tuyển dựa trên kết quả học tập và cộng điểm ưu tiên cho những đối tượng con thương binh. Tuy nhiên trên thực tế, Sở Y tế BP lại tuyển đa số là con em của lãnh đạo ngành y tế và đánh trượt không ít người khác đủ tiêu chuẩn xét tuyển như chị Oanh.
Chị Oanh nói: “Tôi có điểm trung bình tại trường tôi tốt nghiệp là 6,5, là con thương binh 3/4, là nhân viên hợp đồng ngành y tế, nhưng tôi vẫn bị đánh trượt. Lý do tôi bị trượt viên chức năm 2009 là để “xí” chỗ cho một thí sinh tự do; người này có số điểm tốt nghiệp 6,4 - thấp hơn tôi, nhưng có anh là phó GĐ một trung tâm thuộc ngành y tế, chị chồng là một lãnh đạo phòng thuộc Sở Y tế.
Tôi khiếu nại, một lãnh đạo Sở Y tế đã nhận sai sót và hứa sẽ tuyển cho tôi đậu viên chức trong đợt bổ sung khác. Nhưng lời hứa đó vẫn “treo” đến năm 2011. Một lãnh đạo ở Sở Y tế hứa sẽ đặc cách xét tuyển cho tôi, nhưng sau đó, Sở Y tế tiếp tục đánh trượt xét tuyển viên chức của tôi lần thứ 2. Như vậy, không phải tôi không đủ tiêu chuẩn đạt kết quả xét tuyển viên chức như UBND tỉnh phản ánh”.
Theo Lao Động