Ông Nguyễn Văn Thợi (thành phố Thanh Hóa), nguyên là đầu bếp trưởng tại Nhà khách Chăm Pa, thị xã Sầm Sơn.
Xuất thân từ quân ngũ, sau đó mới gắn bó với nghiệp bếp núc, ông Thợi từng giành nhiều huy chương vàng, bạc tại các cuộc thi nấu ăn toàn quốc nhưng trong 26 năm làm đầu bếp, quãng thời gian hạnh phúc nhất của ông là khi được tự tay nấu nướng, phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiều thời điểm từ những năm 80, khi Đại tướng đang kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có Kế hoạch.
Ngưỡng mộ nhân cách, tài năng Đại tướng từ lâu, nhưng chỉ được nhìn qua sách, báo, ông Thợi ước được một lần gặp Đại tướng bằng xương, bằng thịt. Không ngờ điều đó trở thành hiện thực.
Khi ấy là đầu hè năm 1985, ông bất ngờ được Tỉnh ủy Thanh Hóa gọi lên giao nhiệm vụ làm đầu bếp trưởng, nấu ăn phục vụ Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà vào thăm Thanh Hóa. “Nghe nhiệm vụ xong, tôi sướng như phát điên, muốn chạy đi khắp nơi để khoe với anh em, bạn bè nhưng lại phải giữ bí mật. Mấy ngày sau đó, tôi hồi hộp gần như không ngủ được”, người đầu bếp nhớ lại.
Một tuần sau, vợ chồng Đại tướng vào tới Sầm Sơn. Toàn bộ nhân viên phục vụ Nhà khách Chăm Pa đứng xếp hàng đón. Điều bất ngờ với tất cả mọi người là Tướng Giáp còn mang theo cả một thùng hoa quả, bánh kẹo để tặng cán bộ, nhân viên làm việc tại Nhà khách. Trong ký ức của ông Thợi, hình ảnh đầu tiên về Tướng Giáp bằng xương bằng thịt là nụ cười hiền hậu, cái ôm ấm áp, cái vỗ vai nhè nhẹ và câu hỏi ân cần: “Công việc của cháu có vất vả lắm không?”.
|
Ông Nguyễn Văn Thợi, đầu bếp trưởng từng phục vụ Tướng Giáp.
Ảnh: Trần Vũ. |
“Bữa ăn đầu tiên phục vụ vợ chồng Đại tướng, tôi tự lên thực đơn, một mình chế biến. Sau khi dùng bữa xong, bác Giáp hỏi ai là bếp trưởng và gọi lên gặp mặt. Lúc đó tôi căng thẳng lắm, chỉ sợ mình nấu không ngon, bị khiển trách. Không ngờ, khi vừa lên tới phòng, bác mời tôi ngồi rồi hỏi chuyện một cách thân tình, nhà ở đâu? Có mấy cháu? Công việc có đủ nuôi sống gia đình hay không? Khi biết vợ chồng tôi có 2 cháu, Đại tướng dặn dò phải giữ kế hoạch hóa gia đình, chỉ dừng lại ở đó để nuôi các con ăn học cho tử tế. Bác còn động viên một câu ngắn ngủi nhưng trở thành động lực suốt cuộc đời tôi sau đó: “Cố gắng cháu nhé”, ông Thợi bồi hồi.
Trong trí nhớ của người đầu bếp, vị Tướng huyền thoại, tài hoa của cả dân tộc, thế giới thật bình dị, gần gũi. “Đại tướng rất thích ăn rau muống luộc, chấm với nước mắm cốt của Tĩnh Gia, Thanh Hóa, còn cuối bữa ăn, Đại tướng thích tráng miệng bằng chuối. Có một lần tôi nấu món canh lạ từ quả mướp hương bao tử mà mình tự nghĩ ra và đặt tên cho món ăn, bác Giáp khen ngon, hỏi tôi là canh gì, tôi thành thật trả lời là “canh Tình Yêu”, bác cười phá lên rất sảng khoái”, ông Thợi kể.
Những ngày sau đó, ngoài công việc, Đại tướng dành thời gian trò chuyện cùng cán bộ, công nhân viên trong Nhà khách. Từ chủ nhiệm, phó chủ nhiệm cho đến các chị lao công, quét dọn, Đại tướng đều động viên, hỏi han thân mật.
Ông Thợi còn cho biết, trong khoảng thời gian hơn một tuần ở tại Nhà khách Chăm Pa, Đại tướng ngủ, nghỉ rất khoa học và không quên rèn luyện sức khỏe. Sáng nào Đại tướng cũng dạy từ 5h, đi bộ, chạy thể dục, sau đó xuống tắm biển, rồi về ăn sáng rất đúng giờ. Có một lần, thấy Đại tướng về ăn sáng vội vàng, ông Thợi nói “bác cứ thong thả”, Đại tướng cười: “Các cháu, ai cũng có việc của mình, bác nên ăn đúng giờ để không làm ảnh hưởng đến công việc của mọi người”.
5 năm liên tiếp sau đó, từ năm 1985 đến 1989, hè nào Đại tướng cũng vào Sầm Sơn và nghỉ tại Nhà khách Chăm Pa, có lần đi công việc, khi vào nghỉ ngơi. Điều khiến mọi người cảm động là nhân viên Nhà khách có tới hơn 20 người mà hơn 1 năm sau gặp lại, ai Đại tướng cũng nhớ tên, người nào vắng, người nào có mặt, Đại tướng đều biết hết. Ông Thợi vẫn được vinh dự là đầu bếp trưởng của Tướng Giáp cả 5 lần Đại tướng vào Thanh Hóa.
“Sau khi được gặp Đại tướng, tôi càng thêm ngưỡng mộ nhân cách sống của bác. Nhớ đến những câu thăm hỏi, động viên từ Đại tướng, tôi như có thêm nghị lực, cảm thấy phấn trấn, hăng say hơn trong công việc”, ông Thợi chia sẻ.
Bức ảnh Đại tướng chụp chung cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Nhà khách Chăm Pa năm xưa vẫn được ông Thợi lưu giữ cẩn thận, luôn mang theo bên mình mỗi lần tham dự các cuộc thi nấu ăn toàn quốc, lúc ở Vũng Tàu, khi ra Hà Nội để nhắc mình nhớ lại lời động viên từ Đại tướng “Cố gắng cháu nhé!”. Có lẽ vì thế mà lần nào tham dự, ông Thợi cũng đạt giải cao với nhiều huy chương vàng, bạc và đồng.
Như hàng triệu người Việt Nam, khi hay tin Đại tướng từ trần, ông Thợi thấy tim mình thắt lại bởi mất mát quá lớn. Ở cái tuổi 64, sức đã yếu, đôi mắt không còn nhìn rõ vì căn bệnh đục thể thủy tinh, người đầu bếp già vẫn nghẹn ngào, rưng rưng khi nhớ lại những gì đã qua.
Trần Vũ