Đó những lời chia sẻ của ông Chu Văn Nhâm, quản lý Cơ sở Bảo trợ Xã hội Mái ấm Phan Sinh (Mái ấm Phan Sinh), xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai trước dư luận về việc Mái ấm chăm sóc trẻ tật nguyền bằng cách cột tứ chi.
"Rất đau lòng nhưng hết cách"
PV
Kiến Thức vừa đến thăm Mái ấm Phan Sinh, nơi đang nuôi dưỡng, chăm sóc từ thiện cho khoảng 70 người (hơn 50 trẻ em và gần 20 người già) bị bệnh bại não, thần kinh, tai biến, mù, bại liệt...
|
Mái ấm Phan Sinh, nơi nuôi dưỡng, chăm sóc hàng chục trẻ em và người già bệnh tật. |
Mái ấm khá rộng và mát mẻ với không khí trong lành. Nhiều người dân địa phương hoặc những tấm lòng vàng từ khắp nơi cũng có mặt, phụ việc quét dọn, bếp núc để lo bữa ăn cho các cụ, các cháu.
Trong căn phòng rộng khoảng 72m2 sạch sẽ, thông thoáng, 4 người phụ nữ lớn tuổi là những nhà thiện nguyện đang bón từng muỗng cơm, cháo.. cho các đứa trẻ sống đời thực vật, không ý thức được hành vi của mình. Cạnh đó, trên những chiếc giường bằng inox có lót nệm, nhiều đứa trẻ bị cột tay, chân nhưng vẫn cố trườn người như muốn lao xuống đất khiến các cô chăm sóc và khách có mặt phải vất vả liên tục chạy đến ngăn cản lại.
|
Các đứa trẻ bị bại não, thần kinh phải cột tứ chi để tránh những lần lên cơn gây hại cho bản thân. |
|
Dù cũng rất đau lòng nhưng các cô thiện nguyện và chủ cơ sở đã hết cách. |
"Đây là các cháu bị bệnh bại não, tâm thần được người thân gởi vào Mái ấm. Những lúc lên cơn, các cháu không tự chủ hoặc ý thức được hành vi của mình đã xé rách quần áo, tã lót; cào, cắn, đánh vào mặt, cơ thể mình gây thương tích. Thậm chí có cháu còn đánh các bạn khác nên bất đắc dĩ chúng tôi phải cột tay, chân của các cháu dù rất đau lòng nhưng đã hết cách...", người phụ nữ chăm sóc các cháu phân trần.
|
Dù mới chỉ mở 2 chân, cháu Tí đã "quậy tưng" cả phòng trước sự chứng kiến của người thân. |
Để chứng minh cho lời nói của mình, cô chăm sóc trẻ đã mở trói (thực chất là 4 chiếc móc inox cột bằng dây mềm ở các góc giường) cho bé trai tên Tí (12 tuổi) trước sự chứng kiến của bà ngoại và mẹ ruột cháu. Ngay khi vừa được mở dây, Tí chạy đến giựt phăng chiếc tủ đựng quần áo, tã lót; lao đến các chiếc giường định xô ngã và đánh các bé khác nhưng đã được mọi người chạy đến ngăn chặn. Bị mẹ và bà giữ chặt cơ thể, Tí đã dùng miệng cắn vào tay mẹ gây rướm máu...
"Con, cháu tôi được chăm sóc rất tốt"
Đó là khẳng định của mẹ con chị Tr. (ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là bà ngoại và mẹ ruột của cháu Tí đang được nuôi dưỡng tại Mái ấm Phan Sinh.
|
Các cô thiện nguyện đang chắm sóc các cháu bé bệnh tật tại mái ấm Phan Sinh. |
Bị chồng bỏ từ khi đứa con thứ 2 vừa được vài tháng tuổi, chị Tr. phải một mình nuôi 2 con (đứa con lớn là cháu Tí bị bại não từ nhỏ). Hàng ngày, chị Tr. phải gởi các con cho mẹ ruột chăm sóc để đi làm công nhân.
|
Quần áo, tã lót... của các cháu được để ngăn nắp, sạch sẽ tại cơ sở. |
"Nuôi 10 đứa trẻ không khổ bằng một đứa bệnh như thằng Tí.Vì không tự chủ được hành vi nên nó liên tục đập phá làm hư hỏng vật dụng trong nhà. Đã không ít lần cháu tự cắn, đánh mình gây thương tích và đứa em gái nhỏ cũng từng là nạn nhân của nó", bà ngoại cháu Tí kể lại.
Hơn 10 năm trời cùng con nuôi cháu bệnh tật, mới đây khi đi khám các bác sĩ cho biết mẹ chị Tr. bị bệnh cột sống không thể làm việc nặng nhọc được nữa.
"Dù rất thương con nhưng không thể bỏ việc làm để ở nhà chăm sóc vì tất cả chỉ trông vào đồng lương công nhân của tôi. Sau nhiều đêm suy tính, tôi và mẹ đã phải gửi Tí vào Mái ấm Phan Sinh nhờ các cô chăm sóc, nuôi dưỡng".
Mẹ con chị Tr. khẳng định họ hoàn toàn đồng ý với việc phải cột những đứa trẻ có bệnh về não, thần kinh như con, cháu mình vì điều này là sự an toàn cũng như biện pháp duy nhất có thể để ngăn chặn những lần lên cơn của chúng.
|
Những khi lên cơn các cháu không ý thức được hành vi và liên tục quậy phá. |
"Ai chưa từng phải sống cùng, chăm sóc cho những đứa trẻ như thế này mới nghĩ mọi việc đơn giản. Tôi và mẹ suốt hơn 10 năm qua chỉ chăm 1 đứa con bệnh tật đã thấy đủ nỗi khổ. Vậy mà những cô, chú thiện nguyện ở mái ấm hàng ngày phải lo ăn, chăm sóc cho hàng chục cháu bé khiến chúng tôi vô cùng cảm kích. Chỉ có tấm lòng bác ái họ mới làm được việc cao đẹp, nhân đạo này", chị Tr. tâm sự trong nước mắt.
Ông Chu Văn Nhâm, quản lý Mái ấm Phan Sinh cho biết: "Sở dĩ chúng tôi phải cột cả chân, tay là để tránh tổn hại đến thân thể chính các cháu những lúc lên cơn. Những lúc khác thì nới lỏng hoặc cột chân hoặc tay để cho các cháu thoải mái hơn. Hầu như người thân khi đến thăm con, em của mình được nuôi tại đây đều chia sẻ với việc phải cột chân tay này".
Trước dư luận vụ việc chăm sóc trẻ tật nguyền bằng cách cột tứ chi, mới đây Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Trảng Bom đã yêu cầu chủ cơ sở Bảo trợ Xã hội Mái ấm Phan Sinh làm tường trình báo cáo vụ việc.
Trong bản báo cáo, quản lý Mái ấm thừa nhận sự việc cột chân, tay 1 số trẻ là có và những đứa trẻ này là bệnh nhân tâm thần và bại não không tự chủ, ý thức được hành vi của mình khi chúng lên cơn nặng để tránh tổn hại đến thân thể các cháu.
Theo quản lý cơ sở thì việc cột tay, chân các cháu là việc làm bất đắc dĩ rất đau lòng và những việc làm này chỉ là biện pháp đối phó tạm thời với những hành vi thái quá của các cháu. Cơ sở Bảo trợ Xã hội Mái ấm Phan Sinh sẽ cố gắng khắc phục và tìm nhưng biện pháp tốt hơn để giúp cho các cháu. Đồng thời mong muốn xã hội góp thêm ý kiến và giải pháp tốt hơn để giúp cho việc chăm sóc những đứa trẻ đáng thương tại Mái ấm.
Vũ Sơn