24h là ai?
Chính thức ra đời vào năm 2004, nhưng 1 năm sau, website 24h.com.vn do Công ty Cổ phần Quảng cáo Trực tuyến 24H chủ quản mới được Cục Báo chí cấp giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số 32/GP-BC ngày 25/3/2005 tại địa chỉ www.24h.com.vn với nội dung thông tin cung cấp trên Interne bao gồm: thương mại điện tử, thông tin giới thiệu về sản phẩm, doanh nghiệp, tư vấn tiêu dùng.
|
Website 24h.com.vn
|
Chỉ là một trang tin điện tử, sau 9 năm hoạt động, hiện trang web này đang trở thành “đại gia” trong lĩnh vực quảng cáo online với doanh thu ngót ngét gần 500 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, ít độc giả của 24h biết rằng, để có được doanh thu “khổng lồ” đó, website 24h không ngần ngại trở thành gã ăn cắp chất xám “thâm niên”, tước đoạt mồ hôi, công sức, thậm chí là máu và nước mắt của bao nhà báo, phóng viên các tờ báo chính thống.
"Chôm chỉa"… công khai
Để có được một sản phẩm báo chí, cung cấp thông tin tới độc giả, đội ngũ phóng viên các báo phải lăn lộn ngày đêm, bất chấp nắng mưa, bỏ công sức, chất xám, tiền bạc, trong khi “đại gia” 24h luôn có một đội ngũ chuyên về mảng “xào xáo” hùng mạnh ngồi phòng lạnh, lướt internet, chỉ trực xem các báo có thông tin gì mới nóng để “copy – paste” đưa lên site, rồi đề tên nguồn rất nhỏ ở phía cuối bài.
|
Ghi tên bài biên tập lại từ báo khác... rất "chính chủ" 24h. |
Không chỉ dừng lại ở việc ăn cắp tin bài trái luật, 24h còn ngang nhiên xào nấu, đổi title, “thêm mắm thêm muối” từ các tin bài báo khác để biến thành sản phẩm của mình như bài viết “Thế giới quý bà "khát tình được đăng tải trên 24h.com ngày 26/5. Trên thực tế, đây là bài viết được “xào” lại từ 2 bài Góc nhìn: Thế giới quý bà "thác loạn khát tình" của báo Thể thao Văn hóa (26/5) và bài Xâm nhập thế giới "khát tình" của các quý bà thác loạn của Giadinh.net (26/5).
Website này copy nguyên si từng chữ, từng câu, từng dấu chấm phẩy tin bài của các báo khác, rồi vô tư tự nhận là sản phẩm do mình sản xuất, đề tên tác giả đàng hoàng. Bài “Chồng chị đang ngủ với em” được báo Đất Việt xuất bản lúc 5h36 ngày 3/6 là minh chứng điển hình. Chỉ 12 tiếng sau, được trang phụ Eva (cũng thuộc 24h) copy lại nhưng không hề dẫn nguồn từ báo nào, gây hiểu lầm cho độc giả.
Không chỉ Đất Việt, Thể thao Văn hóa, Gia đình, mà hàng loạt các tờ báo lớn như Thanh niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong… hay các báo điện tử như Petrotimes, Giáo dục Việt Nam, VTCNews…đều bị 24h ngang nhiên “chôm chỉa” tin bài trái luật.
Có thể nói, trang tin điện tử 24h ngang nhiên "đạo chích" công khai chất xám của người khác nhằm thu hút, giành thị phần quảng cáo nhưng ông Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Quảng cáo Trực tuyến 24h từng “vỗ ngực tự hào” tuyên bố về doanh thu quảng cáo khổng lồ, cạnh tranh miếng bánh quảng cáo với các trang báo điện tử lớn và chính thống như VnExpress, Dân trí, VietNamNet…
Cần thanh lọc những trang tin điện tử “copy-paste” như 24h
Trao đổi với
Kiến Thức, ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, báo Giáo dục đã không ít lần bị 24h ăn cắp “chất xám”.
“24h thường xuyên lấy lại tin bài do Giáo dục Việt Nam sản xuất mặc dù chúng tôi chưa ký kết bất cứ văn bản về việc hợp tác, trao đổi tin bài nào với website này. Không chỉ Giáo dục Việt Nam, mà còn nhiều tờ báo chính thống khác cũng đang bị 24h lợi dụng chất xám để kinh doanh. Trong khi các tờ báo phải bỏ bao nhiêu tâm huyết, công sức, kinh phí để có được một bài viết hay thì 24h chỉ việc “ngồi mát ăn bát vàng”, lấy lại tin bài của các báo để thu hút, giành thị phần quảng cáo từ các tờ báo chính thống. Kiểu hoạt động báo chí chui, sống trên chất xám người khác của 24h đang khiến quyền lợi của báo chí bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Bình cho hay.
Tuy nhiên, ngoài việc ăn cắp chất xám, theo ông Bình, nguy hiểm nhất là việc thông tin đăng trên những trang tin điện tử như 24h không được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến việc thông tin tới người đọc nhiều khi sai lệch. “Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc, xử lý nghiêm túc trường hợp của 24h và các trang tin điện tử tương tự để trả lại môi trường lành mạnh cho báo chí, đồng thời bảo đảm những thông tin chính thống, mang tính định hướng đúng đắn tới độc giả”, ông Bình nói.
Chung quan điểm, ông Ngô Văn Hải, Tổng biên tập báo điện tử VTCNews, cho rằng cần chấn chỉnh lại các trang tin điện tử đang ăn cắp tin bài trái luật như 24h.
“Báo điện tử VTCNews chưa có bất cứ văn bản nào chấp thuận cho 24h sử dụng tin bài nhưng họ vẫn lấy lại. Chúng tôi không đồng tình với phương thức hoạt động trái luật của trang tin điện tử này bởi nó tạo nên sự bất công bằng. Ai hoạt động trong lính vực báo chí đều biết, một tờ báo chính thống, nghiêm túc luôn phải chấp hành luật báo chí, chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước. Nếu đưa tin sai, các tờ báo phải chịu trách nhiệm, thậm chí các Tổng biên tập bị xử lý kỷ luật nghiêm túc. Trong khi đó, các trang tin điện tử như 24h hàng ngày tổng hợp khối lượng tin bài khổng lồ, cung cấp thông tin đến hàng triệu độc giả nhưng gần như nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, điều này rất nguy hiểm khi định hướng thông tin cho độc giả”, ông Hải phân tích.
Tổng biên tập báo Giáo dục Thời Đại, ông Nguyễn Ngọc Nam cũng không đồng tình với việc các trang tin điện tử như 24h lấy lại tin bài mà không được sự cho phép của các cơ quan báo chí. Ông Nam cho biết: “Không chỉ lấy lại trái luật, một số trang tin còn vô tư giật lại tít gây sốc để câu view, thu hút quảng cáo. Tôi cho rằng các doanh nghiệp nếu đặt quảng cáo lên những website sốc, sex, sến như vậy là đang tự hạ thấp uy tín, thương hiệu của mình”.
Lâu nay, mải mê sản xuất tin bài, cung cấp thông tin tới độc giả, người làm báo biết nhưng đều “bỏ qua” cho các trang tin “copy-paste” dạng như 24h nhưng càng bỏ qua thì họ lại càng lộng hành. Các tờ báo phải đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng cho việc duy trì đội ngũ phóng viên, biên tập viên để sản xuất tin bài, phóng viên vật lộn kiếm sống bằng mồ hôi, công sức thì các trang tin điện tử như 24h lại sống vương giả và nguy hiểm nhất là đưa thông tin sai lệch đến độc giả. Đã đến lúc báo chí cần tự thanh lọc môi trường của chính mình.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Trần Vũ