Tăng giá điện: Ai “nhận lỗi thay” Bộ trưởng Công thương?

Google News

(Kiến Thức) - Người phát ngôn Chính phủ đã “nhận lỗi thay” Bộ Công thương về việc đột ngột tăng giá điện từ ngày 1/8 vừa qua khiến dư luận bức xúc.

Trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 28/8, vấn đề tăng giá điện bất ngờ được đề cập khá nhiều. Bởi lẽ, trong họp báo lần trước (ngày 30/7), khi trả lời về giá điện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, người phát ngôn của Chính phủ, nói vẫn theo lộ trình tăng giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên hỏi ý kiến người dân trước khi tăng. Tuy nhiên, ngay hôm sau (31/7), cuối giờ chiều, EVN đã có thông báo điều chỉnh giá điện, thực hiện theo Thông tư số 19/2013/TT-BCT của Bộ Công thương ban hành cùng ngày. Và thông tư tăng giá điện 5% có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2013, trước sự bất ngờ của báo chí và dư luận.
Việc tăng giá điện đột ngột khiến nhiều người dân bức xúc. (Ảnh:Internet)
Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, lộ trình điều chỉnh giá điện là chủ trương chung của Chính phủ. “Về đợt tăng giá vào ngày 1/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhờ tôi chuyển tới báo chí lời cảm ơn thời gian qua đã rất quan tâm tới lĩnh vực điện nói chung, đảm bảo nguồn năng lượng quốc gia, theo sát tiến trình điều hành giá điện với sự quan tâm sâu sắc, quan ngại đến các đối tượng chính sách, các ngành sản xuất. Đồng thời Bộ Công thương cũng thừa nhận việc tuyên truyền giải thích chưa làm tốt lắm, sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc để làm tốt hơn trong thời gian tới”, ông nói.
Người phát ngôn của Chính phủ nói rõ hơn, việc tăng giá điện được quy định rất chặt chẽ. Trong đó có 2 điều kiện quan trọng: Một là không tăng liên tục 2 lần trong thời hạn 3 tháng, tức là lần này cách lần kia ít nhất 3 tháng. Hai là mức tăng dưới 5% thì thẩm quyền quyết định là Bộ Công thương. Trong khi đó, từ năm 2012 đến nay, vào tháng 7/2012, 12/2012 và tháng 8 vừa qua, mức tăng đều đúng 5%, thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương.
“Thủ tướng cũng đề cập và quán triệt, chúng ta phải điều chỉnh dần theo lộ trình. Nhưng như tôi nói lần trước, phải có chính sách kèm theo rất cụ thể cho người nghèo, các đối tượng chính sách, và phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng từng giãi bày là cứ mỗi một lần đứng trước vấn đề phải điều chỉnh giá điện thì tâm trạng Bộ trưởng… rất khó tả. Đồng thời, Bộ trưởng Công thương khẳng định: “Không thể không điều chỉnh giá theo hướng tăng”.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.  
Cùng tham gia trao đổi tại phiên họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo tính toán của các cơ quan chức năng, đợt tăng giá điện thêm 5% vừa qua tác động trực tiếp lên chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,12% và sẽ làm tăng giá thành của một số ngành sản xuất, kinh doanh.
Tùy thuộc vào từng lĩnh vực với mức tiêu hao năng lượng khác nhau, giá thành sản phẩm sẽ tăng trong khoảng từ 0,004% đến 0,55% so với trước đó. Trong đó, chịu tác động lớn nhất bởi điều chỉnh giá điện là các ngành xi măng (giá thành tăng thêm 0,43%); phôi thép (0,31%); sản xuất thép thành phẩm (0,04%).
Theo đánh giá của Bộ Công thương, biên độ tăng giá điện 5% vừa qua nằm trong mức có thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngành công nghiệp đang đứng trước những áp lực lớn về giá thành đầu vào của khâu sản xuất điện. Tập đoàn Điện lực, Bộ Công thương, và Bộ Tài chính đã phối hợp tính toán, thẩm định quyết định tăng giá để đảm bảo các mục tiêu Chính phủ đã quy định. Tăng giá để đảm bảo cân bằng tài chính, đạt hiệu quả kinh doanh, nhưng không ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội.
“Chúng tôi cũng xin tiếp thu những ý kiến đóng góp về các khâu yếu kém của Bộ Công thương trong quản lý, đặc biệt là khâu thông tin tuyên truyền, tạo sự chia sẻ chung của toàn xã hội” - Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định.
Tiểu Phong