GS.TS Trần Văn Bình, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Học viện Chính trị - hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ với Kiến thức.
Sự trỗi dậy của lương tri dân tộc
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người dân nước Việt. Sự kiện này ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người bởi ai cũng thấy mình phải sống tốt hơn cho xứng đáng với tấm gương Đại tướng. Ông lý giải thế nào về “hiện tượng” này?
Có người phàn nàn rằng giới trẻ ngày nay sống vô cảm quá, thiếu đi tính nhân văn, thiếu lòng tự hào dân tộc. Nhưng không phải thế. Người trẻ tụ tập lại, đốt nến tưởng nhớ phía bên ngoài nhà Đại tướng, thức suốt đêm để thắp một nén nhang trên bàn thờ Đại tướng. Người trẻ giúp đỡ người già vững bước vào thắp hương cho Đại tướng, cầm ô cho người già, mời nước người già uống. Không có sự chen lấn. Tôi cho đó là sự trỗi dậy của lương tri dân tộc. Đó là dấu hiệu đáng mừng.
Ở góc độ văn hóa, ông nhìn nhận thế nào về sự trỗi dậy đó?
Đã từ lâu, hình ảnh của Đại tướng gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam. Hướng về Đại tướng là hướng về những ký ức tự hào của dân tộc. Và hơn hết, Đại tướng để lại dấu ấn tuyệt vời về nhân cách một con người biết yêu thương con người, biết trân trọng tính mạng và tài sản của con người. Sức mạnh cảm hóa của văn hóa vốn ghê gớm lắm.
Có một danh nhân văn hóa từng nói: “Đứng trước sức mạnh của kẻ cường bạo, chúng ta ngẩng cao đầu thách đố. Đứng trước sức mạnh của một trí tuệ lớn, chúng ta cúi đầu. Trước sức mạnh của lương tâm nhân ái, ta sẵn sàng quỳ gối”. Nói vậy để thấy, uy tín của con người không được tạo nên từ cường quyền mà phải tạo nên từ nhân cách.
Qua sự kiện, có người đã thốt lên rằng: Hóa ra người tốt còn nhiều lắm, quan trọng là có khơi dậy được nó không?
Đúng vậy, còn nhiều người tốt lắm. Hàng triệu lượt người đến viếng nhà Đại tướng mặc cho khó khăn về thời tiết, khoảng cách địa lý... Chứng tỏ là khi lương tri con người được thắp sáng thì người ta có thể vượt qua bất cứ khó khăn nào để vươn lên. Vấn đề đặt ra là người lãnh đạo phải tạo ra và tập hợp nó để lương tâm của dân tộc đều hướng về một điểm. Khi có được hợp lực đó rồi thì tất cả những cái xấu sẽ bị bỏ quên.
|
GS.TS Trần Văn Bình, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Học viện Chính trị - hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. |
Vô cảm là vô văn hóa
Không ít người sẽ phải nhìn vào sự kiện này để thấy sự tiếc thương của nhân dân đối với Đại tướng. Họ sẽ phải tự vấn mình: Liệu khi mình mất đi thì sẽ có bao nhiêu người khóc thương mình hay người dân sẽ cười vì thấy mừng?
Người dân hay cán bộ, ai cũng sẽ soi lại bản thân mình để sống cho tử tế hơn, cho tốt đẹp hơn, sống đúng với truyền thống dân tộc mình.
Và chắc hẳn sẽ không ít người cảm thấy xấu hổ khi soi mình vào Đại tướng?
Tôi tin những người còn có lương tâm sẽ luôn so sánh bản thân mình với hình ảnh cao đẹp của Đại tướng. Phải thấy xấu hổ trước những điều cuộc sống đặt ra mà mình không giải quyết được. Người dân đòi hỏi ở mình điều gì? Vì sao có những người còn ngại gặp dân? Rõ ràng họ chưa thông cảm với nỗi khổ của dân. Họ không có đủ bản lĩnh chịu trách nhiệm trước dân, giải quyết những vấn đề khó khăn mà dân gặp phải. Thái độ vô cảm đó chính là thái độ thiếu văn hóa nếu không muốn nói là vô văn hóa.
Nhưng thực tế dường như không thiếu những người vô cảm?
Thói vô cảm đó không phải là hiếm. Đảng cũng đã tuyên chiến với thói vô cảm này. Đây là dịp để mỗi người soi lại bản thân mình cho sáng rõ hơn, thấy rằng nếu mình còn có gì vẩn đục của những tư tưởng cá nhân xấu xa thì phải loại bỏ. Tấm gương của đại tướng giúp họ xóa bỏ sự xấu xa của mình. Đó là phê và tự phê.
Nhưng hiệu quả của phê và tư phê vẫn chưa thực sự mạnh?
Vừa qua công tác phê và tự phê chưa đạt kết quả như mong đợi. Đây là dịp tốt để phát động tinh thần học tập Đại tướng để mỗi người tự nâng mình lên. Vì suy cho cùng, lịch sử rất công minh và nhân dân rất công bằng. Nhân dân sẵn sàng đánh giá mọi chiến công, nhân dân biết rõ ai tốt, ai xấu. Sự đánh giá của lịch sử và nhân dân là công bằng và không định kiến. Đại tướng đã về hưu từ lâu nhưng chiến công của Đại tướng mãi mãi ở lại trong trái tim của nhân dân. Vậy nên nhân dân mới yêu thương gọi Đại tướng của lòng dân.
Cán bộ như ngọn đèn, càng cao càng phải sáng
Làm thế nào để giữ mãi lửa lương tri ấy sáng?
Để làm được thế thì phải có những người làm gương. Chức vụ càng cao thì càng phải làm gương lớn. Một cán bộ như một ngọn đèn. Nếu ở cương vị thấp, ngọn đèn chỉ cần sáng vừa thôi là đủ sức lan tỏa. Nhưng vị trí cao hơn thì lại phải có nhiệt lượng nhiều, vùng phổ sáng rộng thì mới bao quát hết được diện tích rộng lớn. Càng có vị trí càng phải tu dưỡng phấn đấu.
Ngược lại thì sao?
Thì tác hại của nó, bóng tối bị che lấp đi ngày càng nhiều. Lòng tin của dân suy yếu đi. Một trong những phương thức lãnh đạo tốt nhất là nêu gương. Khi lãnh đạo đã nêu gương thì quần chúng sẽ tin tưởng và làm theo.
Nhưng dường như niềm tin của nhân dân hiện nay không cao?
Đại tướng nhắc đi nhắc lại lời của Bác Hồ: “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là phải đặt việc công lên trên hết. Nếu lúc nào cũng chỉ lo vun vén cho cá nhân mình thì làm gương với ai. Làm gương trong gia đình chưa ổn thì chưa thể làm gương ngoài xã hội. Suốt cuộc đời mình Đại tướng đã thực hiện theo đúng lời dạy đó với nguyên tắc “Lấy dân làm gốc”.
Điều đó trong thực tế có điều gì đáng bàn?
Hiện nay chúng ta phải phấn đấu rất nhiều thì mới thực hiện được điều đó. Tôi hy vọng rằng cùng với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì chúng ta tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Võ Nguyên Giáp. Tấm gương đó chính là hiện thực hóa tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trừ những người đánh mất lương tâm thì không nói, nhưng người đã có lương tâm thì tôi nghĩ ai cũng thấy xấu hổ. Tôi kể một câu chuyện thế này, thời Stalin còn sống, ông có hỏi một bác sỹ y khoa nổi tiếng rằng: “Này đồng chí, đồng chí có tin rằng con người có linh hồn không”. Vị bác sỹ này thấy khó trả lời, liền hỏi lại Stalin: “Thưa đồng chí, vậy đồng chí có tin rằng con người có lương tâm không”. Stalin trả lời: “Tôi tin rằng con người có lương tâm”. Vị bác sỹ mới nói: “Thế mà tôi thực hiện giải phẫu bao nhiêu cơ thể người mà tôi chưa nhìn thấy lương tâm ở đâu hết. Phía trên hay dưới, bên trái hay bên phải”. Qua đó để thấy rằng, trong đời sống của con người, có những nhân tố vô hình kỳ ảo nhưng không ai có thể phủ nhận được. Phủ nhận lương tâm là đánh đồng con người với con vật.
Tô Hội