Ném búa, bù long, phun vòi rồng, bắn đạn lửa
Tiếp xúc với PV, thuyền trưởng Nguyễn Lộc cho hay, tàu anh rời Lý Sơn vào ngày 1/5, bắt đầu chuyến biển
Hoàng Sa. Đến ngày 7/5, lúc đang đánh bắt ở vùng biển cách đảo Tri Tôn khoảng 15 – 20 hải lý, bất ngờ bị một tàu màu trắng có số hiệu 1241 và chữ Trung Quốc áp sát đe dọa đẩy đuổi.
Anh Lộc cho tàu nhổ neo bỏ chạy, tàu số hiệu 1241 vượt lên cản ngay mũi nhưng không được. “Giằng co, đuổi khoảng 30 phút, tàu này vẫn không sao áp sát được tàu tui nên họ thi nhau dùng búa sắt ném ào ào sang làm vỡ kính.
Sau khoảng 60 cái búa bị ném sang, họ tiếp tục dùng những con ốc vít, bù long cỡ bự tiếp tục tấn công. Cùng lúc, họ dùng vòi rồng xịt cực mạnh. Các mảnh kính tàu tui lúc này vỡ toang hoác cả”.
Chuyến đi biển dự kiến kéo dài 20 ngày nhưng chỉ được 10 ngày tàu anh Lộc và các thuyền viên đã phải trở về trong tình trạng trắng tay hoàn toàn.
Sau khoảng 1 tiếng vẫn không thể khuất phục, tàu số hiệu 1241 bắt đầu dùng bộ đàm gọi cho một tàu kiểm ngư, viết bằng chữ Trung Quốc tới kẹp tù anh Lộc vào giữa. Mặc dù vậy, anh Lộc vẫn khôn khéo điều khiển tàu vượt lên trước.
Lúc này đã sau 4 tiếng rượt đuổi, tàu số hiệu 1241 thấy không thể khuất phục đã điên cuồng mở hết tốc lực, tông thẳng vào tàu QNG 96416 làm tàu bị vỡ mạn. Đuổi theo một đoạn nữa, họ quay về.
Sửa xong, lại ra Hoàng Sa
Tàu anh Lộc cập cảng An Vĩnh đúng lúc ngư dân Lý Sơn đang thắp hương, thể hiện tấm lòng sống chết vì biển đảo quê hương, kiên cường ra khơi bám biển Hoàng Sa dưới chân tượng đài hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Dưới bóng tiền nhân, ngư dân Lý Sơn nguyện đồng lòng chống lại sự áp đặt vô lý của Trung Quốc. Anh Lộc khẳng khải: Tất nhiên, sửa xong tàu, tui lại ra Hoàng Sa. Sớm thôi.
Dưới đây là chùm ảnh con tàu QNG 96416 trở về từ Hoàng Sa sau khi bị bắn phá.
|
Chùm ảnh của PV ghi lại con tàu QNG 96416 trở về từ Hoàng Sa sau khi bị bắn phá. |
Ngư dân già Nguyễn Truyền, người có hơn 30 năm bám biển đi trên tàu, nói: Mất khảng 2 tuần, chuyến này chỉ được 1,5 tấn cá thì bị nạn. Lỗ sặc máu. Nhưng anh em nguyện cùng sống chết với thuyền trưởng.
Ông Lê Khuân – Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh, chỉ nói một câu ngắn gọn: Ngư dân không sợ, không ngán bất cứ thứ gì gọi là áp đặt, bất công.
Ông Khuân cho biết, kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan trên đường ra Hoàng Sa, nhiều ngư dân đã gọi ICOM phản ánh sự bất cập này bởi họ phải tốn thêm dầu cho đường vòng. “Quan trọng là ấm ức, biển của mình mà họ đặt giàn khoan rồi lấy cớ đẩy đuổi”.
Theo Tiền Phong