Theo thông tin mới nhất, Cục Kiểm ngư cho biết, tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, tàu Trung Quốc trắng trợn dùng nhiều thủ đoạn vây ép, chặn đầu, khóa đuôi, chạy giật lùi về mũi tàu kiểm ngư Việt Nam để quay phim chụp ảnh. Mục đích của hành động này nhằm giăng bẫy va chạm để vu cáo các tàu Việt Nam đâm va vào đuôi và mạn tàu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, lực lượng kiểm ngư Việt Nam tỉnh táo, bình tĩnh di chuyển làm thất bại ý đồ, thủ đoạn của các tàu Trung Quốc.
|
Tàu Trung Quốc vây ép, chặn đầu, khóa đuôi cố tình giăng bẫy tàu Kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Cục Kiểm ngư Việt Nam. |
Ngày 12/6, Trung Quốc có khoảng 39 tàu hải cảnh, 14 tàu vận tải, 20 tàu kéo, 35 tàu cá. Ngoài ra, 6 tàu quân sự vẫn được bố trí hoạt động bảo vệ giàn khoan ở 3 phía.
Ở vùng biển cách giàn khoan 38 - 40 hải lý là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, khoảng 35 tàu cá vỏ sắt và 2 tàu hải cảnh đã có những hành động hung hãn, manh động với mục đích vây ép, ngăn cản tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung đang khai thác hải sản.
Đại tá Thái Minh Dũng, Phó chỉ huy trưởng về pháp luật Cảnh sát biển vùng 2, cho biết, đến nay có 42 ngày Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, huy động hàng loạt tàu hộ tống, bảo vệ giàn khoan.
Lúc cao điểm, Trung Quốc điều động đến gần 140 tàu bảo vệ các loại. Trong đó đáng kể nhất là tàu chiến, tàu hộ vệ tên lửa, tấn công nhanh. Không chỉ vi phạm vùng biển Việt Nam, các tàu của Trung Quốc còn hung hãn, uy hiếp, tấn công các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư và cả ngư dân của ta.
“Khác hẳn với bản chất, hành động của Trung Quốc, Việt Nam chỉ có các tàu thực thi pháp luật và ngư dân trên biển. Mức độ, các hành vi xâm phạm của Trung Quốc ngày một căng thẳng, leo thang, nhưng chúng tôi đang hết sức kiềm chế, giữ vững bản lĩnh, linh hoạt đối phó”, Đại tá Dũng nói.
Đại tá Dũng cho hay, Việt Nam có lực lượng, phương tiện đủ sức để đáp trả lại những hành vi ngang ngược của phía Trung Quốc và có những lúc cán bộ chiến sĩ bức xúc trước hành vi của Trung Quốc nhưng chúng tôi phải hết sức kiềm chế.
Khó khăn, vất vả, bám biển dài ngày nhưng theo Đại tá Dũng các cán bộ chiến sĩ kiên trì thực hiện nhiệm vụ, kiềm chế, không mắc mưu khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc. Chúng ta thể hiện thái độ yêu chuộng hòa bình, nhưng cương quyết trước các hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
1.000 áo phông Trường Sa - Hoàng Sa cho ngư dân
1.000 áo phông mang dòng chữ thư pháp “Biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của đất nước Việt Nam” in cùng lá cờ Tổ quốc được Nhóm nữ thư pháp Ái Diệp Gallery Việt Trí Đà Nẵng trực tiếp trao tặng cho ngư dân, tại Âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng).
|
Điểm đặc biệt của những chiếc áo phông này là dòng chữ viết bằng thư pháp “Biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của đất nước Việt Nam”. |
Dòng thư pháp trên nền xanh, in nổi bật trong màu áo phông trắng. Theo thư pháp gia Nguyễn Ái Diệp (Gallery Việt Trí Đà Nẵng), ý tưởng được nhóm thực hiện nhằm động viên ngư dân Việt can trường bám biển, cùng các lực lượng chấp pháp bảo vệ chủ quyền.
Chiều 12/6, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, đến thăm hỏi, động viên, trao quà (3 triệu đồng cùng phần quà/suất) cho 10 ngư dân tàu cá ĐNa-90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm chiều 26/5 tại vùng biển Hoàng Sa. Đại diện Quỹ học bổng Vừ A Dính thăm, tặng quà Cảnh sát biển Vùng 2 và Chi đội số 3 Chi cục Kiểm ngư vùng 2, mỗi đơn vị 340 triệu đồng.
Cùng ngày, Cty Giày BQ (Đà Nẵng) trao hơn 170 triệu đồng cho Chi đội Kiểm ngư số 3, Cảnh sát biển vùng 2, cùng hơn 100 ngư dân có hoàn cảnh khó khăn ở quận Thanh Khê, Sơn Trà.
Minh Hiếu (Tổng hợp)