“Ma trận” tàu cát trái phép tận diệt lòng sông Lạch Tray
Nhắc đến những dòng sông chảy qua địa phận TP Hải Phòng, người dân đất Cảng sẽ nói về dòng sông Lạch Tray (dài 49km, thuộc hệ thống sông Thái Bình) hiền hòa, yên bình. Nhưng mấy ai biết rằng, ngay đoạn đầu con sông khi tách ra từ sông Văn Úc thuộc địa phận xã Bát Trang (huyện An Lão, Hải Phòng), nhiều năm nay đã là "thánh địa" của các tàu khai thác cát trái phép.
Tại đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng bàn giáp ranh giữa huyện An Lão (Hải Phòng) và huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương), đưa các tàu lớn di chuyển vào khu vực này để ngày đêm thực hiện hành vi hút cát đem bán, thu lợi bất chính.
|
Ban ngày nhiều tàu cát lớn đỗ sát ven bờ chờ thời điểm hút cát. |
|
Tuy nhiên, có nhiều tàu sẵn sàng vươn vòi "bạch tuộc" hút cát giữa ban ngày. |
Để tìm hiểu rõ thực trạng khai thác cát trái phép ở đây, nhóm PV Báo điện tử Kiến Thức đã thuê một chiếc thuyền đánh cá ven sông Lạch Tray, đoạn địa phận gần bãi Soi Mờ, thuộc thôn Quán Trang, xã Bát Trang, huyện An Lão, TP. Hải Phòng để đi khảo sát từ phía xã Bát Trang (Hải Phòng) sang phía xã Đại Đức (thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương).
Bắt đầu từ 16h chiều 1/9, hàng chục tàu mang số hiệu Hải Phòng, Hải Dương và một số tàu mang số hiệu Bắc Ninh, trong đó có một số tàu khối lượng khoảng 200 tấn, chằng chịt đường ống dùng để hút cát ẩn nấp trong các bụi cây ven sông Lạch Tray chờ thời điểm hoành hành.
Ngay khu vực giáp ranh xã Đại Đức, thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, một tàu mang số hiệu Hải Phòng thản nhiên chọc vòi xuống sông để hút cát. Những tiếng nổ của tàu vang dội cả khúc sông, khói đen từ máy nổ bay ra nghi ngút, gần chục người đàn ông trên tàu đã cặm cụi làm những công việc mà hàng ngày họ vẫn làm là... “hút cát dưới lòng sông”.
|
Thậm chị tàu cát còn vươn vòi "bạch tuộc" sang cả địa phận tỉnh Hải Dương. |
“Mỗi ngày có vài tàu từ bên Hải Phòng sang hút cát trái phép với trang thiết bị công suất lớn, hoạt động rầm rộ ngày đêm khiến dư luận vô cùng bức xúc. Hậu quả khiến một đoạn đê quai dài vài trăm mét và hàng chục nghìn m2 đất ruộng có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng.” - một người dân xã Đại Đức (huyện Kim Thành, Hải Dương) cho biết.
Đến 18h tối cùng ngày, nhóm PV đã tiếp cận được khu vực “thánh địa” cát tặc thuộc địa bàn xã Bát Trang (An Lão, Hải Phòng). Ánh đèn sáng từ hàng chục tàu cát khiến khúc sông này rực rỡ. Tiếng máy nổ đồng loạt, ầm ầm, hối hả như tiếp thêm sự hăng hái cho các chủ tàu hoạt động khai thác cát trái phép.
Theo sự giới thiệu của người lái thuyền mà nhóm PV thuê trong chuyến thực tế “thánh địa” này, chúng tôi được phép lên một tầu hút cát mang số hiệu Bắc Ninh về hút cát tại quãng sông giữa địa phận xã Đại Đức (Hải Dương) và xã Bát Trang (Hải Phòng) để chuyển lên bãi ở khu vực An Dương. Chủ tàu cát khá tin tưởng người lái đò vì họ là anh em quen biết trước đó nên không đề phòng với sự xuất hiện của người lạ như chúng tôi.
Tiếp cận trực tiếp trên con tàu cát này, PV đã ghi lại những hình ảnh cận cảnh quá trình khai thác cát lén lút lẫn quá trình chuyển cát lên bờ. Khi tàu tìm được chỗ hút cát thì dừng lại, vòi “bạch tuộc” được thả xuống lòng sông để thăm dò cát. Hai người đàn ông ngồi hai bên quay tời điều chỉnh mức để vòi rồng có thể hút cát thuận lợi. Sau đó, vòi rồng hút cát cùng đất lên, máy nước sẽ xối mạnh cho đất vỡ ra rồi đẩy về lòng sông, còn cát vào khu chứa của tàu.
Chủ tàu cho biết, trung bình tại đây, mỗi ngày 1 tàu hoạt động 2 chuyến. Các tàu hút cát dưới sông Lạch Tray là tàu có trọng tải từ 200 – 400m3 cát. Quy trình hút cát dưới sông mất khoảng 2 – 3h tùy tàu và tùy vị trí hút cát và mất khoảng hơn 1h đồng hồ để về bãi cát. Tại đây, tàu hút cát lên bãi mất khoảng gần 2h đồng hồ nữa.
Những cuộc chiến ngầm tại "thánh địa" cát tặc
Trong những chuyến thực tế tại “thánh địa cát tặc” này, người đồng hành cùng nhóm PV chính là một người từng làm cát tặc thuê ở đây nên rất am hiểu địa bàn. Những câu chuyện về những thuyền khai thác cát trái phép do người này kể có cả mồ hôi, máu do những “cuộc chiến ngầm” tranh giành địa bàn trên sông.
Theo lời kể của người đồng hành này (để bảo đảm an toàn PV xin giấu tên), việc tranh chấp địa phận làm ăn rất khốc liệt. Khúc sông này nhiều tàu đến khai thác. Không ai phân chia địa phận cho ai vì những chỗ được cấp phép chỉ như móng tay bé tý, chỗ khai thác trái phép gấp cả trăm lần chỗ được cấp phép. Ngay cả chủ được cấp phép vẫn cho tàu ra ngoài bãi của mình khai thác trái phép. Bên nào mạnh hơn thì chiếm được chỗ nhiều cát, ít đất. Bên nào yếu thế hơn thì chấp nhận những nơi khai thác “xương xẩu”. Các ông chủ tàu đều là những tay xã hội có số má ở Hải Phòng vì vậy, các ông chủ mà bị qua mặt là sẽ có vấn đề.
|
Ban đêm, nơi đây tấp nập với hàng chục tàu khai thác cát. |
|
Những tàu công suất lớn, khai thác cả đêm. |
|
Khúc sông inh ỏi trong những tiếng máy nổ. |
“Tôi từng chứng kiến những vụ thanh toán trên sông. Hồi trẻ, mình vì cơm áo gạo tiền nên có thoáng sợ, sau đó thì vẫn lao vào làm. Nhưng giờ có tuổi, nhớ lại cảm thấy rất sợ, cảm thấy có luật nhân quả xung quanh mình. Làm cát rất bạc! Khi tôi về, mọi thứ cuộc đời mình lại trả cho dòng sông, không thể giàu có khi lấy cát trên sông được. Tôi đã tham gia vào việc chặn một tàu tranh chấp địa bàn. Theo chỉ đạo của chủ tàu bên tôi, tàu đến hút cát trên địa phận của chúng tôi sẽ nhận một kết cục bi thảm. Buổi tối, khi họ đang khai thác cát, xuồng của chúng tôi áp sát, gọi thuyền trưởng của tàu kia ra và áp tải xuống cano rồi đưa ra chỗ tối. Chúng tôi đánh và chủ định phải dìm thuyền trưởng xuống sông cho nhớ. May mắn tay thuyền trưởng đó nhảy được xuống sông, bơi về tàu, nếu không đã có án mạng.” – người đồng hành tâm sự.
Người đồng hành khẳng định, việc va chạm trên sông là tất nhiên. Hầu hết tàu nào cũng có vũ khí như súng, dao, kiếm... thậm chí là cả bom xăng. Thỉnh thoảng có tàu ăn quả bom xăng là chuyện bình thường. Còn chuyện chém nhau trên sông, thực ra ai cũng sợ nhưng vào tình huống phải cầm vũ khí thì vẫn phải cầm. “Những người máu lạnh thì cầm dao, kiếm chém thẳng đối phương. Nhưng như tôi thì chỉ để phòng vệ. Có phải chém, tôi cũng chỉ dám chém đằng gọng, không chém đằng lưỡi. Tôi đã rèn cho mình cách cầm dao, kiếm để chém gọng rồi …”, người đồng hành chia sẻ.
Những câu chuyện của người đồng hành là có cơ sở bởi ngay tại thời điểm nhóm PV tiếp cận “thánh địa”, ở thôn Bát Trang đã xảy ra vụ một “cát tặc” làm việc trên sông bị tử vong. Người tử vong tên T., trú tại thôn Quán Trang, đi tàu cát có chủ tàu là dân xã hội. Trong ngày nghỉ lễ mùng 2/9, T. cùng bạn ngồi chơi, do xích mích câu chuyện anh em, lại sẵn có men rượu trong người nên hai bên nảy sinh mâu thuẫn. T. bị “đồng nghiệp” đá một phát vào bộ phận sinh dục và tử vong.
Những câu chuyện về các cuộc chiến ngầm trên sông Lạch Tray bị đứt đoạn do thuyền của chúng tôi phát hiện tàu HP 0830 và tàu mang số hiệu BN 0099 bám ở sông Lạch Tray, đoạn giao giữa Hải Phòng – Hải Dương bắt đầu hành trình hút cát lúc 19h tối. Sau khi hút cát xong, tàu đi về phía bãi cát phía KCN Tràng Duệ (địa phận huyện An Dương, TP. Hải Phòng) và hút cát lên bãi. Những hình ảnh này cứ lập đi lập lại ở các tàu khác trong suốt thời gian PV có mặt.
Trao đổi với PV báo Kiến Thức, ông Nguyễn Văn Tòng, là trưởng thôn của thôn Quán Trang chục năm nay lắc đầu ngao ngán: “Các tàu cát từ khắp nơi đổ về khu đò ông Đỗng, khu đằng trên đồng Hạ hắt lên bãi Soi Mờ, hút thông sang tỉnh Hải Dương. Có những hôm, mấy chục tàu hút cát tấp nập dưới sông”. Theo ông Tòng và một số người dân ở thôn Bát Trang, trước đây, muốn đi từ Hải Phòng sang Hải Dương chỉ đi đò một vài phút là xong. Giờ, đất lở, lòng sông sâu, phải đi rất lâu mới sang được”.
Chủ tịch UBND xã Bát Trang, (huyện An Lão, Hải Phòng), ông Nguyễn Văn Mạnh cũng thừa nhận, hiện nay, ngoài Đoàn 2180 được cấp phép khai thác cát tại đây, vẫn còn khoảng trên 10 tàu khai thác cát không được cấp phép.
Ông Mạnh cũng cho hay, xã Bát Trang có một bãi khai thác cát với diện tích 5,58ha của Hợp tác xã Thương binh Đoàn 2180 (gọi tắt Đoàn 2180) được cấp giấy phép khai thác cát theo nội dung Quyết định số 2094/QĐ-UBND ngày 23/10/2013 của UBND TP. Hải Phòng. Hiện nay, Đoàn 2180 đã hạn chế khai thác cát ở bãi này do trữ lượng cát ở đây không còn nữa. Tuy nhiên, trên địa bàn xã Bát Trang còn khoảng trên 10 tầu khai thác cát : Nhà Thủy Sơn, nhà ông Viện, Vịnh Nhàn,… Các tàu này đều không được cấp phép khai thác cát.
Nhóm PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật...
Khảo sát của Nhóm PV, các tàu hút cát trên sông Lạch Tray tại khu vực này gồm các tàu: Hải Phòng 2773 (chủ tầu tên Đón); HP2951 – HP3981 (chủ tầu là 02 người tên Thỏa – Hùng); chủ tầu nhà Thủy – Sơn có 03 tàu: Hải Phòng 2126 – HP0830 – HP3956; chủ tầu nhà Vinh Nhàn có tầu: HP1484 – HP3709; chủ tầu tên Kiên có tầu HP0922; Nhà Hạnh Viện có tầu HP2602; ngoài ra, còn có tầu 4066 và tầu 0099. Các tầu này đều hút cát từ sông Lạch Tray và đổ về khu công nghiệp Tràng Duệ. Trưởng thôn Quán Trang và CT UBND xã Bát Trang cũng công nhận việc hơn 10 tầu của các chủ tầu kể trên không có giấy phép khai thác cát tại sông Lạch Tray.
Nhóm Phóng viên Xã hội